• Zalo

Kịch bản NATO hướng tên lửa về phía Nga, buộc Moskva đưa ra quyết định sống còn

Quân sựThứ Năm, 14/10/2021 07:15:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo tờ Forbes, liên minh quân sự NATO có thể cắt nguồn cung nhu yếu phẩm từ Nga đến Kaliningrad bằng đường biển khi các nước Baltic phỏng tỏa khu vực này.

Viễn cảnh trên được cây bút David Axe của Forbes đưa ra khi các nước Baltic (hầu hết đã gia nhập NATO) đều có kế hoạch hiện đại hóa quân đội nhằm đối phó với các nguy cơ đến từ Nga, nhất là khi Moskva không ngừng triển khai thêm nhiều vũ khí mới đến vùng lãnh thổ Kaliningrad.

"Kaliningrad không khác gì một ‘căn cứ quân sự’ của Nga bên trong biên giới NATO. Nhưng điều này cũng có nghĩa là nếu xung đột nổ ra, liên quân hoàn toàn có thể phong tỏa hoàn toàn khu vực này, đồng thời ngăn Moskva tiếp tế cho Kaliningrad”, cây bút của Forbes cho biết.

Kịch bản NATO hướng tên lửa về phía Nga, buộc Moskva đưa ra quyết định sống còn - 1

Vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga nằm "lọt thỏm" giữa các nước NATO ở Baltic. (Ảnh: AP)

Cũng theo Forbes, để hiện thực hóa mục tiêu này, Estonia mới đây đã mua thêm các tên lửa hành trình chống hạm Blue Spear từ Israel, nó có tầm bắn lên đến 320km. Theo David Axe, Tallinn giờ đây đã có trong tay thứ vũ khí đủ mạnh để “răn đe” Nga ở Biển Baltic.

Cũng theo chuyên gia của Forbes, với tên lửa Blue Spear, Estonia không chỉ có được khả năng phòng thủ mà còn cả khả năng tấn công. Trong trường hợp xảy ra xung đột với Moskva, Tallinn có thể sử dụng vũ khí này để cắt đứt đường tiếp tế từ Saint Petersburg cho Kaliningrad, nếu quân đội Estonia với sự hỗ trợ của NATO phong tỏa vịnh Phần Lan.

Việc NATO cắt đứt tuyến đường đường biển nối với Kaliningrad sẽ tác động không nhỏ đến 400.000 người Nga tại Kaliningrad, từ đó làm giảm sức chiến đấu lực lượng Nga ở khu vực này, đồng thời giảm thiểu mối đe dọa mà nó gây ra đối với sườn phía đông của NATO.

Kịch bản NATO hướng tên lửa về phía Nga, buộc Moskva đưa ra quyết định sống còn - 2

Tên lửa hành trình chống hạm Blue Spear do tập đoàn IAI của Israel phát triển. (Ảnh: navalnews)

Tuy nhiên, muốn kế hoạch trên diễn ra suôn sẻ NATO phải thuyết phục được Phần Lan tham gia vào hành động này bởi chỉ với Estonia thì việc phong tỏa vịnh Phần Lan là điều không thể.

Tờ báo của Mỹ còn đánh giá Kaliningrad là "cơn ác mộng của NATO", và các quan chức Mỹ đã nhiều lần công bố kế hoạch đánh chiếm khu vực này trong trường hợp xảy ra đụng độ với Nga. Quân đội của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhiều lần thực hiện các cuộc tập trận tấn công giả định nhằm vào Kaliningrad.

Phía Nga, hầu hết các chuyên gia quân sự nước này để xem những tuyên bố đánh chiếm Kaliningrad từ phía NATO là ý định viễn vông, bởi bất cứ một cuộc tấn công nào nhằm vào vùng lãnh thổ này đều có thể dẫn đến việc Nga phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân trả đũa.

Trong khi đó, Kaliningrad cũng được xem là tiền đồn của Moskva ở vùng Baltic, lực lượng Nga ở đây có thể đánh bại bất cứ nước Baltic nào, họ dễ dàng phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào các thành viên yếu nhất của NATO trong khu vực như Estonia, Lithuania và Latvia.

Trà Khánh(Nguồn: Forbes)
Bình luận
vtcnews.vn