• Zalo

Khuôn mặt nham nhở sẹo và rùng rợn một kiếp giang hồ

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 20/12/2012 11:35:00 +07:00Google News

Lương y Võ Hoàng Yên nói với tôi: “Bác gặp anh Tám là do cái duyên. Mà đã có duyên thì tin và thân nhau nhanh lắm". Quả đúng như vậy.

Lương y Võ Hoàng Yên nói với tôi: “Bác gặp anh Tám là do cái duyên. Mà đã có duyên thì tin và thân nhau nhanh lắm". Quả đúng như vậy.


Kỳ 2: Kiếp giang hồ Tám Sẹo

Tôi thấy rất mến Tám và Tám cũng quý tôi. Tám bảo với tôi: "Bác phải đến nhà em một hôm. Rồi em sẽ đến nhà bác thăm các cháu. Phải biết nhà nhau để có việc gì thì chạy đến được ngay".

Tôi đến nhà Tám vào một chiều Chủ nhật. Đó là một ngôi nhà khang trang và đầy đủ tiện nghi. Trong phòng riêng của Tám có treo một tấm ảnh cưới rất cọc cạch. Cô dâu đẹp một vẻ thuần hậu. Còn chú rể thì mặt đầy sẹo, trông còn khủng khiếp hơn cả mặt Chí Phèo.

Chả nhẽ chú rể lại chính là Tám? Hình như đoán biết được sự nghi ngờ của tôi, Tám cười nói: "Chàng rể là em đấy bác ạ! Trông mặt mũi khiếp quá phải không? Thế người ta mới gọi em là Tám Sẹo. Dân giang hồ, nếu mặt không có sẹo thì sao có số má. Những vết sẹo trên mặt em là do đâm chém. Còn cái mặt phẳng phiu, hồng hào bây giờ là nhờ dao kéo. Em phải phẫu thuật mấy lần mới xóa được những vết sẹo thời xưa đấy. Người ta ai cũng phải vác cái mặt đi kiếm tiền. Mặt sẹo kiếm tiền kiểu mặt sẹo. Mặt lành kiếm tiền kiểu lành. Em đã trải qua đủ cả 2 cái mặt đó".

Lương y Võ Hoàng Yên bấm huyệt chữa bệnh 
Cách vào chuyện của Tám Sẹo khiến tôi rất hứng thú. Tôi nói với Tám: "Chú mở rượu ra đi. Hôm nay có thời gian, anh muốn ngồi với chú thật lâu". "Em cũng muốn như thế. Nhưng để em gọi vợ về đã. Uống rượu phải có cái nhắm chứ. Uống rượu suông là là tự nhắm thịt mình".

Nói thế, nhưng trước khi có cái nhắm, chúng tôi vẫn phải uống vài chén rượu suông. Và Tám bắt đầu kể về tiểu sử của mình: "Thầy Yên có tài bấm huyệt chữa bệnh. Anh có tài viết văn viết báo. Em cũng có một cái tài mà cả anh và thầy Yên không có. Đó là tài ăn cắp. Ăn cắp thì em là thần tài. Tiền trong túi người ta, đồ vật trong túi người ta, em lấy một cách gọn gàng và chóng vánh như ta nhón một hạt lạc rang để uống rượu vậy.

Vì nhà nghèo nên em chẳng được học hành gì. Tuổi thiếu niên không được quàng khăn đỏ, vì là thằng ăn cắp. Vì tội đó, em bị tập trung về trại giáo dục trẻ em hư ở Ninh Bình. Bây giờ người ta gọi đó là trại giáo dưỡng. Em được học A, B, C trong trại đó, biết đọc, biết viết trong trại đó.

Sau 4 năm ở trại em được trả về nhà. Lúc này em đã lớn rồi, ăn như hùm, uống như rồng mà trong túi không có xu nào. Vậy làm sao để có tiền? Em đi cướp. Nhỏ thì ăn cắp. Tuổi thanh niên thì đi cướp và tất nhiên sẽ có phen bị bắt và vì thế mà em phải vào tù.

Án của em 72 tháng tù giam, rất nặng so với tội cướp vặt, vì em là trưởng băng nhóm. Với em ngày đó, tù chẳng là cái gì cả. Ở tù còn có cơm ăn mà lại ăn sung mặc sướng cơ, vì em là đại ca trong tù.

Anh không biết đại ca trong tù sống như thế nào đâu. Em ở tù mà mặc áo thổ cẩm, chân đi dép cỏ, hút thuốc lá 3 số, uống bia Ken. Ngoài đời có chuyện tranh nhau chức đại ca. Trong tù chuyện đó còn quyết liệt hơn.

Một thằng ở Hải Phòng mới vào trại hôm trước, hôm sau đã muốn tranh ngôi vị với em. Thế là phải đánh nhau. Em không có võ nghệ gì cả, chỉ giỏi đâm thôi. Về môn đâm thì chắc chắn là em giỏi hơn Lý Tiểu Long. Các anh hùng lập nghiệp bằng võ nghệ chứ không ai giỏi đâm. Còn bọn cướp cạn như chúng em thì rất giỏi đâm. Cần đâm vào đâu, sâu mấy phân, định cho nạn nhân đi Bệnh viện Xanh pôn, đi Bệnh viện Việt Đức hay ra Văn Điển, chỉ một nhát là xong.
Lương y Võ Hoàng Yên đã giúp đại ca giang hồ Tám Sẹo trở lại con đường lương thiện. Ảnh minh họa 
Em đâm thằng ấy một nhát và bảo: "Tao tha chết cho mày. Còn vài ly nữa mới đến tim cơ". Thế là thằng kia khiếp rồi. Nó biết mũi dao của em chưa chạm vào tim nó. Vì thế, bị đâm mà nó không dám kêu la gì. Nhưng chuyện đó quản giáo cũng biết. Vì thế đêm đó cả em và nó đều phải vào phòng kỷ luật, tức là phải vào phòng riêng và bị cùm chân.

Trong phòng kỷ luật tối hôm đó có 3 đứa, em, cái thằng Hải Phòng và một đứa nữa. Em nằm cạnh thằng Hải Phòng, bên tay trái em là đứa kia, cũng là dân đao búa, ngực xăm đầy hình đầu lâu và dao găm.

Đêm hôm đó, cái thằng Hải Phòng bị thằng kia đánh chết. Nó dùng một cái tất ni lông loại dài, nhét vào bên trong một bánh xà phòng 702 Liên Xô và cứ thế quật rất mạnh vào ngực cái thằng Hải Phòng. Em đang ngủ say thì nghe huỳnh huỵnh, huỳnh huỵnh.

Mở mắt ra thì thấy thằng Hải Phòng đã xỉu rồi. Nhưng thằng kia vẫn đánh tiếp và thằng Hải Phòng chỉ nằm im chịu đòn. Khi nó la lên được một tiếng, cán bộ quản giáo mới chạy đến, đưa nó đi cấp cứu thì không kịp nữa rồi. Tim, gan và lá lách của nó bị dập hết. Và nó đã chết trong bệnh viện. Đó là một vụ trọng án.

Người chết thì phải tìm ra hung thủ. Mà hung thủ là ai, nếu không phải là em? Vì em nằm cạnh nó mà. Hơn nữa buổi chiều em với nó lại vừa đánh nhau. Vậy thì em là nghi phạm số 1. Không ai tin là thằng kia đánh chết nó, vì nó không nằm cạnh thằng Hải Phòng thì làm sao có thể đánh chết người trong khi 2 chân bị cùm. Em thanh minh không được. Và phiên tòa xử vụ án giết người đã được mở và bị cáo là em.

Lúc ấy đứng trước tòa, em biết mình sẽ bị tội chết. Đang thụ án về tội cướp, lại thêm cái án giết người thì mức án tử hình là không thể tránh khỏi. Nhưng thật may là luật sư Hàn Lan đã ra sức bảo vệ em.

Em làm gì có tiền để thuê luật sư. Luật sư Hàn Lan là do tòa mời theo luật định. Ông Hàn Lan người Thanh Hóa nhưng sống và hành nghề luật sư ở Hà Nội. Khi gặp em, ông đề nghị em nói hết sự thật. Cán bộ quản giáo không tin em. Cảnh sát không tin em nhưng luật sư Hàn Lan lại rất tin em.

Ông nói với em rằng: "Tớ tin là cậu bị oan, nhưng bây giờ chưa chứng minh được. Song, tớ sẽ làm công văn đề nghị Tòa án chưa bắn cậu vội để tớ có thời gian điều tra thêm. Trong khi luật sư Hàn Lan đang vào trại giam để điều tra về vụ án của em thì thằng kia lại gây ra một vụ án mạng nữa trong tù. Lần này thì nó bị bắt quả tang.

Và trước cơ quan công an nó đã tự nhận việc nó đã giết cái thằng Hải Phòng kia. Thế là em thoát chết. Có lẽ thầy Yên nói đúng. Em thoát chết là nhờ kiếp trước quá tốt. Sau lần đó em bắt đầu tin có thuyết nhân quả”.

Vợ Tám về, mang theo mấy bìa đậu và một nửa con vịt luộc cho 2 anh em chúng tôi uống rượu. Tên vợ Tám là Hải, một người phụ nữ có vẻ đẹp thuần hậu, rất phương Đông. Tám cám ơn vợ về mấy món nhắm và giới thiệu tôi với Hải.

"Có đĩa đậu và nửa con vịt này là anh em chúng tôi có thể ngồi với nhau đến khuya được rồi. Em lên nhà, chuẩn bị bữa tối cho các con. Ở dưới này, mặc kệ bọn anh", Tám Sẹo nói với vợ.

Tôi hỏi Tám: "Mãn hạn tù, em làm gì để sống?". "Hạng người như em thì có nghề ngỗng gì, ngoài đao búa. Nhưng nếu đi cướp thì chắc chắn lại vào tù. Đêm nằm vắt tay ngang trán nghĩ mãi mà không biết làm gì để kiếm miếng ăn. Không biết phúc tổ nhà em lớn như thế nào mà một hôm có người nhờ em làm vệ sĩ bảo vệ người đó một chuyến từ Hà Nội vào Vinh và ngược lại.

Đây là một người đàn bà giàu có, vàng đeo đầy người. Nếu là trước đây thì bà ta sẽ làm miếng mồi ngon của em. Nhưng bây giờ thì khác, em là vệ sĩ của bà ta. Bà này vào Vinh để cất một mẻ đá quý. Ngày đó TP. Vinh là thủ đô đá quý. Rubi từ Quỳ Hợp, Con Cuông, Nghĩa Đàn ngày nào cũng tập kết về Vinh. Khách buôn đá quý từ Hà Nội vào đây cất hàng. Món hàng đắt tiền này rất dễ bị cướp nên dứt khoát phải có vệ sĩ.

Chuyến hàng đó cũng không thoát khỏi bọn cướp chặn đường. Vừa cất hàng xong ra ô tô là bọn cướp ập đến ngay. Thấy bọn chúng cầm kiếm, em biết ngay bọn này cũng chẳng có võ nghệ gì, chỉ liều thôi.

Về khoản liều thì em không ngán đứa nào cả. Em cầm đại đao xông ra, chém một trận tơi bời. Máu chảy như xối. Chẳng biết có đứa nào chết không nhưng em thì không hề gì. Chuyến đó em được trả thù lao tương đối hậu hĩnh. Cũng bắt đầu từ đó, em chuyển sang làm nghề vệ sĩ. Vẫn là đem sinh mạng mình ra cá cược với cuộc đời. Và cái mặt em thêm nhiều vết sẹo”.

Còn tiếp…

Theo Báo Gia đình và Cuộc sống
Bình luận
vtcnews.vn