• Zalo

Khủng khiếp ngôi làng chết hàng trăm người vì ung thư

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 04/05/2012 06:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – “Làng em chết hàng trăm người vì bệnh ung thư anh ạ. Giờ người ta không gọi làng là Tử Lạc nữa, mà gọi là Tử Tiệt anh ạ”.

(VTC News) - Chị bán nước bảo: “Bệnh đấy có là gì đâu anh? Làng em chết hàng trăm người vì bệnh ung thư anh ạ. Giờ người ta không gọi làng là Tử Lạc nữa, mà gọi là Tử Tiệt anh ạ”.

Kỳ 1: Tử Lạc thành… Tử Tiệt

Mấy năm trước, người dân cả nước choáng váng vì phát hiện ra “xã ung thư” ở Phú Thọ. Ấy là xã Thạch Sơn, thuộc huyện Lâm Thao, nằm ngay cạnh nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao. Mỗi năm, xã này có vài người chết vì ung thư, thậm chí cả chục người. Tổng số có cả trăm người chết trong mấy chục năm.

Nhà máy xi măng nằm ngay bên đường ở Kinh Môn. 

Thế nhưng, trong chuyến công tác về xã Minh Tân (Kinh Môn, Hải Dương), tìm hiểu về đàn khỉ lông vàng cuối cùng của vùng đất, đang bị con người phá núi, tiêu diệt, tôi đã phát hiện ra một vùng đất khủng khiếp chưa từng thấy: Cả xã có vài trăm người chết vì ung thư, một làng có cả trăm người chết vì căn bệnh quái gở này trong 10 năm trở lại đây.

Tôi chỉ còn biết thốt lên rằng: Quá khủng khiếp! Có lẽ không ở đâu mà tình trạng chết ung thư khủng khiếp đến như thế.

“Tử Lạc thành... Tử Tiệt”

Tôi ngồi uống nước ở gốc đa đầu làng Tử Lạc (xã Minh Tân) vào giữa trưa nắng chang chang. Con đường vào Tử Lạc lúc nào cũng bụi mù trời. Buổi trưa là lúc cánh đồng Tử Lạc vắng tanh, người dân đóng cửa kín mít. Đó là thời điểm các đơn vị khai thác đá đánh mìn, phá núi.

Những tiếng nổ ùng ục vang lên, những chuyến xe tải ra vào, chở ật ưỡng đá từ núi về Nhà máy xi măng Hoàng Thạch và các nhà máy xi măng trong vùng. Bụi đá, bụi xi măng trắng xóa, bao phủ khắp làng, biến màu xanh cây cối thành màu bàng bạc. Cả làng Tử Lạc chìm trong màu bàng bạc của bụi đá.

Đường vào Tử Lạc bụi mù trời. Màu xanh của cây cối biến thành màu bàng bạc.  Cành lá rũ đi vì bụi.

Tôi trò chuyện với chị bán nước: “Bụi bặm thế này chắc cả làng bị bệnh hô hấp chị nhỉ?”. Chị bán nước bảo: “Bệnh đấy có là gì đâu anh? Làng em chết hàng trăm người vì bệnh ung thư anh ạ. Giờ người ta không gọi làng là Tử Lạc nữa, mà gọi là Tử Tiệt anh ạ”.

Tôi tiếp chuyện: “Chết thế nào hả chị? Có bằng làng Thạch Sơn ở Phú Thọ không?”. Chị bán nước: “Em không biết làng Thạch Sơn chết thế nào, nhưng quá nửa số người chết ở làng em là ung thư. Chẳng tháng nào không có người về với đất vì bệnh ung thư”.

Cổng làng Tử Lạc. 

Nói rồi, chị chỉ cái nghĩa địa xa xăm ngoài cánh đồng và bảo rằng: “Anh cứ ra cái nghĩa địa đó mà xem, toàn người chết trẻ, chết vì ung thư đấy. Làng em chết trẻ nhiều hơn chết già”.

Nói rồi, chị thống kê cho tôi hàng loạt trường hợp trong làng chị đang sống dặt dẹo vì căn bệnh ung thư quái ác. Chị kể từ đầu làng đến cuối xóm, tôi chép mỏi cả tay. Thống kê lại, thì thấy sơ sơ có 15 trường hợp đang ngược xuôi chữa bệnh giành giật sự sống với căn bệnh quái ác này.

Cuốn sổ ghi người chết, toàn bị K. 

Ở đầu làng thì có ông Phúc chồng bà Huê, bị ung thư phổi, bệnh viện trả về, gia đình mới dựng dậy chụp ảnh để làm ảnh thờ, chờ ngày ông đi; rồi bà Lúa, vợ ông Thiện, ung thư vú, vừa lên Hà Nội cắt một bên vú; rồi anh Minh, ung thư dạ dày, đang xạ trị, hóa trị rụng hết tóc; rồi anh Khối ung thư vòm họng, vừa điều trị hóa chất mấy tháng trước, tóc đang mọc lại; rồi chị Hợi, mới 27 tuổi đầu, đã bị ung thư phổi, tình hình nghiêm trọng lắm…

Cảnh tượng điều trị ung thư ở Bệnh viện K Hà Nội. 

Ở cuối làng thì có vô số, nào anh Đào Văn Tỵ, 46 tuổi, bị ung thư não rất trầm trọng; rồi chị Nguyễn Thị Mận, ung thư vú; anh Hướng ung thư vòm họng, vừa mổ và xạ trị về, vẫn đang đeo băng rô ở cổ; bà Cúc, bà Chung, chị Hà, bà Phách… cũng đều đang chống chọi, giành giật sự sống từng ngày với căn bệnh ung thư quái ác.

“Chồng chết nên tôi được sống”

Đang liệt kê danh sách những người mắc bệnh ung thư trong làng, chị bỗng rầu rĩ mặt mũi, thông báo người tiếp theo đang khổ sở với căn bệnh này, ấy là… mẹ đẻ chị.

Chúng tôi đang trò chuyện, thì bà Vũ Thị Miền đạp chiếc xe không phanh lọc cọc từ trong làng Tử Lạc ra. Con gái có việc, nên bà chạy ra trông nom hàng nước vắng tanh vắng ngắt này giúp con.

Bà Vũ Thị Miền đang chống chọi với căn bệnh ung thư cổ tử cung. 

Nhắc đến chuyện bệnh ung thư, bà Miền bức xúc lắm. Bà Miền tuy mắc trọng bệnh, nhưng tính bà ăn sóng nói gió, cứ oang oang, chẳng sợ thứ gì trên đời. Bà bảo: “Thú thực với chú, tôi là người từng có cả năm trời đi kiện khắp nơi. Tôi bị làm khó nhiều lắm, nhưng tôi không chùn bước, tôi quyết tâm đi kiện.

Tôi mắc bệnh rồi, treo án tử rồi, tôi chết thì đành một nhẽ, nhưng con, cháu tôi thì sống thế nào ở cái ngôi làng mà không khí bụi mù trên trời, rồi hóa chất chảy đen đặc trên mặt đất, dưới lòng đất thế này?”.

Cảnh tượng bụi mù trời ở công trường khai thác đá làng Tử Lạc. 

Chuyện là, mấy năm trước, có nhà máy thép, chở phế thải đổ ở hồ nước đầu làng, cá chết hàng loạt, cỏ vàng héo khô, bốc mùi khủng khiếp. Không chịu nổi cảnh ấy, bà đã đội đơn đi kiện. Kết cục dân làng thắng. Nhà máy thép kia buộc phải đóng cửa bãi rác.

Nhưng theo bà, thủ phạm lớn nhất, đem đến tai họa cho dân làng mấy chục năm nay, là những ống khói khổng lồ, cao bằng ngọn núi của các nhà máy xi măng trong vùng. Mà chềnh ềnh ngay cạnh làng, là nhà máy xi măng lớn nhất Việt Nam – nhà máy xi măng Hoàng Thạch.

Một ngôi làng nằm cạnh nhà máy xi măng Phúc Sơn (Phú Thứ, Kinh Môn) chìm nghỉm trong bụi bặm. 

Chưa có chứng cứ gì để kết luận thủ phạm gây nên thảm họa chết hàng loạt ở ngôi làng này là Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, nhưng không chỉ bà Miền, mà cả làng Tử Lạc, cả xã Minh Tân này đều khẳng định phần nhiều là do mấy cái ống khói khổng lồ của nhà máy ấy.

Thảm họa xảy đến với bà Miền vào năm 2009. Khi ấy, thấy ở phần kín của mình ra máu, bà đã thốt lên: “Thôi chết tôi rồi!”. Ở ngôi làng này, hễ ai có biểu hiện lạ, người ta đều nghĩ đến kẻ thù mang tên “ung thư”. Và sự thực xảy ra đúng như nghi ngờ của bà.

Bệnh viện Hải Dương siêu âm, lấy tế bào xét nghiệm. Bác sĩ bảo: “Nghi bà bị ung thư rồi”. Họ lập tức chuyển bà lên Bệnh viện K Hà Nội. Bà bị ung thật, là ung thư cổ tử cung.

Bà được các bác sĩ mổ, cắt tử cung, rồi xạ trị, hóa trị suốt một năm trời. Giờ bà được về, nhưng cứ độ một tháng bà lại phải lên Hà Nội kiểm tra, lấy thuốc về uống.

Bà Miền bảo: “Chồng tôi chết nên tôi mới được sống đấy chú ạ. Tôi là vợ liệt sĩ, nên có bảo hiểm y tế, được miễn viện phí. Nếu không có bảo hiểm y tế, tôi lấy đâu ra hàng trăm triệu mà điều trị. Chắc chắn là con cháu khênh về chờ chết”.

Nói rồi, bà Miền đạp chiếc xe tồng tộc dẫn tôi về ngôi nhà giữa làng, nơi mỗi mình bà ở. Đó là một ngôi nhà nhỏ xíu, nằm tênh hênh giữa mảnh đất nhỏ, không tường bao, không cổng rả. Căn nhà cũng không có đồ đạc gì đáng giá ngoài chiếc giường cũ và bộ bàn ghế mọt.

“Tôi chẳng biết sống được bao ngày nữa. Nhưng còn sống, tôi sẽ còn đấu tranh, để con cháu tôi không phải chịu thảm cảnh căn bệnh ung thư treo trên đầu nữa” – bà nói với giọng rất quyết tâm. Nhưng bà chợt thở dài khi nhìn ống khói nhà máy xi măng to như con tàu vũ trụ khổng lồ đang nằm trên bệ phóng ngay rìa làng.

Còn tiếp…


Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn