Các nhà khoa học khí hậu cho biết, một đợt nắng nóng kéo dài đáng báo động ở Siberia. Nhiệt độ này có liên quan đến cháy rừng, sự cố tràn dầu và bệnh dịch sâu bướm ăn cây (khiến rừng dễ cháy hơn).
Trên phạm vi toàn cầu, sức nóng của Siberia đang giúp đẩy thế giới đến năm nóng nhất vào năm 2020, mặc dù lượng khí thải carbon giảm tạm thời do đại dịch COVID-19.
Nhiệt độ ở các vùng cực đang tăng nhanh nhất vì dòng hải lưu mang nhiệt về phía cực và băng tuyết đang tan dần.
Trong khi đó, các thị trấn Nga ở vòng Bắc Cực ghi nhận nhiệt độ bất thường, Nizhnyaya Pesha đạt 30 độ C vào ngày 9/6 và Khatanga, thường có nhiệt độ ban ngày khoảng 0 độ C vào thời điểm này trong năm, đạt 25 độ C. Kỷ lục trước đó là 12 độ C.
Hồi tháng 5, nhiệt độ bề mặt các khu vực ở Siberia lên tới 10 độ C trên mức trung bình, theo EU Cop Copernicus (C3S).
Chuyên gia Martin Stendel, thuộc Viện Khí tượng Đan Mạch, cho biết nhiệt độ bất thường trong tháng 5 ở phía Tây Bắc Siberia có thể chỉ xảy ra một lần trong 100.000 năm nếu không có sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra.
Freja Vamborg, nhà khoa học cấp cao tại C3S cho biết: "Đây chắc chắn là một dấu hiệu đáng báo động, nhưng không chỉ tháng 5 có thời tiết ấm áp khác thường ở Siberia. Toàn bộ mùa đông và mùa xuân đã lặp đi lặp lại những đợt nhiệt độ cao hơn mức trung bình. Mặc dù toàn bộ hành tinh đang nóng lên, nhưng điều này xảy ra không đồng đều."
Marina Makarova, nhà khí tượng học tại Cơ quan dịch vụ thời tiết Nga (Rosgidromet) cho biết: "Hồi mùa đông này là nóng nhất ở Siberia kể từ khi bắt đầu ghi lại nhiệt độ 130 năm trước. Nhiệt độ trung bình cao hơn tới 6 độ C so với định mức theo mùa."
Robert Rohde, nhà khoa học hàng đầu tại dự án Berkeley Earth, cho biết toàn bộ nước Nga đã trải qua nhiệt độ cao kỷ lục vào năm 2020, với mức trung bình từ tháng 1 đến tháng 5 cao hơn mức trung bình năm 1951-1980 đến 5,3 độ C.
Vào tháng 12/2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin có bình luận về sức nóng bất thường: "Một số thành phố của chúng ta được xây dựng ở phía bắc Vòng Bắc Cực, trên vùng băng vĩnh cửu. Nếu bắt đầu tan băng, bạn có thể tưởng tượng sẽ gây ra hậu quả gì. Điều này rất nghiêm trọng."
Tan băng vĩnh cửu góp phần gây ra sự cố tràn nhiên liệu diesel ở Siberia trong tháng này, khiến nhà lãnh đạo Nga phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Ngoài ra, cháy rừng hoành hành trên hàng trăm ngàn ha rừng Siberia. Những người nông dân thường đốt lửa vào mùa xuân để dọn sạch thảm thực vật, và sự kết hợp của nhiệt độ cao và gió mạnh đã khiến một số đám cháy trở nên mất kiểm soát.
Bầy bướm đêm Siberia, có ấu trùng ăn cây lá kim, đã phát triển nhanh chóng trong nhiệt độ tăng. Chuyên gia cảnh báo về những hậu quả đối với các khu rừng khi ấu trùng ăn cây và khiến chúng dễ bị hỏa hoạn hơn.
Bình luận