PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới tiếp nhận và điều trị cho 30 trẻ bị viêm màng não và viêm não.
Những bệnh nhi trên bị viêm não và viêm màng não ở nhiều mức độ và độ tuổi khác nhau, nhưng đều có điểm chung là phần lớn các bé đều “chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh".
“Trẻ được chuyển lên từ các bệnh viện tuyến dưới khi bệnh đã nặng, có biến chứng thần kinh như không tỉnh táo, hạn chế vận động, gặp di chứng về tinh thần hoặc tê liệt”, bác sĩ Điển nói.
Điển hình là trường hợp của hai bệnh nhi 3 tháng tuổi ở Hải Phòng và bé 12 tuổi ở Thanh Hóa nhập viện trong tình trạng rất nặng, vì không tiêm vắc xin phòng bệnh.
Trường hợp đầu tiên là bé 3 tuổi trú tại An Dương, Hải Phòng được chuyển lên từ Bệnh viện Sản Nhi Hải Phòng sau 2 ngày điều trị tại đây nhưng không đỡ, lâm tình trạng sốt cao, không giảm.
Khi nhập viện Nhi Trung ương, bé bị chẩn đoán bị viêm màng não mủ đã biến chứng nặng, ảnh hưởng sang hệ thần kinh. Đến nay, sau hơn 1 tháng được các bác sĩ điều trị tích cực, tình trạng của bé có khá hơn nhưng để đảm bảo, bệnh nhi vẫn đang tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện.
Cũng giống như bé 3 tuổi, bé 12 tuổi ở Thanh Hóa nhập viện trong tình trạng đã bị biến chứng của căn bệnh viêm màng não dẫn tới mất ý thức, ảnh hưởng hệ thần kinh. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhi đã dần có lại ý thức nhưng vân chưa thể vận động được.
Theo bác sĩ Điển, bệnh viêm màng nào hiện nay do vi khuẩn (phế cầu, Haemophilus influenza…) gây ra, bệnh hoàn toàn có khả năng phòng ngừa được bằng phương pháp tiêm vắc xin.
Thậm chí, bệnh viêm não Nhật Bản B đã có vắc xin trong tiêm chủng mở rộng ở nước ta, có độ bao phủ khá tốt, sau tiêm tỷ mắc đã giảm đi rất nhiều. Nhưng thực tế nhiều phụ huynh vẫn chưa cho con đi tiêm phòng, để trẻ nhiễm bệnh, dẫn tới hậu quả đáng buồn.
Trước tình trạng như hiện nay, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi trẻ đến tuổi tiêm phòng, cần cho trẻ đi tiêm để phòng các bệnh nguy hiểm. Qua đó, tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra, ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng của trẻ.
Chính vì vậy, phụ huynh không nên lo lắng hoặc nghe theo những thông tin về phong trào “anti vắc xin” rồi không dám cho trẻ đi tiêm phòng. Điều này không những gây nguy hiểm cho trẻ mà còn góp phần làm tăng nguy cơ lây lan của dịch bệnh.
Biểu hiện ban đầu khi trẻ bị viêm màng não
Viêm màng não là tình trạng viêm màng bao quanh não và tủy sống. Nguyên nhân gây bệnh do: nhiễm trùng, virus, nấm, phản ứng phụ của thuốc, các chất độc hại từ môi trường xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, đa số các trường hợp bị viêm màng não là do vi trùng hay siêu vi trùng từ vùng mũi họng xâm nhập vào màng não và gây viêm màng não.
Bệnh lây qua đường hô hấp nên rất dễ lây lan, thường xảy ra với trẻ nhỏ vào mùa nắng nóng hay lúc chuyển mùa vì có nhiều trẻ mắc bệnh đường hô hấp và là thời điểm thuận lợi để một số vi trùng và siêu vi trùng xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây viêm màng não.
Trẻ bị viêm màng não ban đầu thường có các biểu hiện: sốt, chán ăn, bú kém, rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc nôn, ho, chảy nước mũi… rất dễ nhầm lẫn với viêm nhiễm đường hô hấp thông thường, sốt virus… Các dấu hiệu dấu hiệu quan trọng gợi ý viêm màng não. Co giật, rối loạn ý thức, đau đầu, buồn nôn, nôn …
Để phòng bệnh, các bậc cha mẹ cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và nơi ở của trẻ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
Ngoài ra, các tốt nhất để phòng bệnh là cho trẻ tiêm vắc xin phòng viêm não đầy đủ. Bởi vậy, phụ huynh cần chủ động đưa trẻ đi tiêm vắc xin để làm giảm nguy cơ mắc viêm màng não và ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Video: Thêm một ca mắc viêm não mô cầu
Bình luận