Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II năm 2020 được Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 30/6, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết, Luật Giáo dục hiện hành đã quy định trường chuyên là những trường được thành lập ở cấp THPT dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Nhà nước ưu tiên bố trí giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị và ngân sách cho trường chuyên.
“Mô hình trường chuyên đã được thể chế hóa trong các điều luật của Nhà nước. Do đó, chúng ta không thể xã hội hóa trường chuyên. Chắc chắn Nhà nước phải đầu tư để bồi dưỡng tài năng, có nguồn nhân lực chất lượng cao và các nước đều như vậy”, ông Thành nhấn mạnh.
Về đánh giá chất lượng trường chuyên, ông Thành cho rằng, trường THPT chuyên trước hết phải là một trường THPT, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ GD&ĐT.
"Trường chuyên đang được Nhà nước đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên là những người có năng lực trội hơn so với các giáo viên khác. Những thuận lợi đó giúp các trường chuyên đạt được chất lượng cao hơn các trường giáo dục đại trà", ông Thành cho biết thêm.
Cũng theo ông Thành, hiện các trường chuyên được chú trọng đầu tư về thiết bị dạy học, tăng thực hành, giảm lý thuyết. Từ đó giúp học sinh tiếp cận sát với các bài dự thi của các kỳ thi quốc tế.
Những năm trước, điểm lý thuyết của học sinh chúng ta rất tốt nhưng thường bị mất điểm ở phần thực hành vì không có điều kiện thực hành trên các thiết bị, lúng túng vì không quen thiết bị. Nhưng gần đây, các thí sinh đã có những kết quả tốt ở phần thực hành, thậm chí không thua kém các nước bạn.
"Để đánh giá chất lượng trường chuyên, trước hết chúng ta cũng phải đánh giá ở chất lượng giáo dục đại trà, chứ không chỉ số được chọn đi thi quốc gia, quốc tế”, ông Thành nhấn mạnh.
Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học cho biết thêm, mô hình chuyên đang được xây dựng trên Đề án 959 phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020. Sau 10 năm thực hiện Đề án, tới đây Bộ GD&ĐT sẽ tổng kết để có những đánh giá căn bản quá trình phát triển mô hình trường chuyên trong từng giai đoạn khác nhau.
"Bộ GD&ĐT sẽ xác định rõ những kết quả, bất cập cần khắc phục để đảm bảo thực hiện Đề án này. Từ đó xác định hướng đi căn bản cho hệ thống trường chuyên trong thời gian tiếp theo", ông Thành cho hay.
Trả lời câu hỏi về sự tồn tại của hệ THCS trong một số trường THPT chuyên hiện nay, ông Thành cho hay, theo quy định, trường THPT chuyên là loại trường THPT mà không có hệ THCS. Tuy nhiên, thực tế vẫn có 2 trường THPT chuyên có hệ THCS.
Ví dụ như Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) ngay từ khi thành lập đã có hệ THCS, hay Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam cũng đã có hệ THCS từ nhiều năm.
"Chúng tôi xin khẳng định hệ THCS trong những trường này không phải là chuyên, mà chuyên chỉ có ở hệ THPT. Tới đây chúng ta cũng sẽ đánh giá một cách rõ ràng để xem vai trò đóng góp của hệ THCS trong các trường chuyên này ra sao", ông Thành khẳng định.
Bình luận