Trong văn bản quyết định về việc kỷ luật CĐV Hải Phòng, VFF ghi “Cấm cổ động viên Hải Phòng vào các sân vận động của đội khách có tổ chức các trận thi đấu bóng đá thuộc các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam năm 2017”.
Clip: Ba điểm khó hiểu trong văn bản của VFF
Khái niệm “sân vận động của đội khách” trong trường hợp này rõ ràng là có vấn đề. Bởi nếu có một đội được coi là đội khách khi thi đấu với Hải Phòng thì trận đấu phải đang diễn ra trên sân Lạch Tray. Các CĐV đất Cảng lại bị cấm đến sân của đội bóng đối thủ (đội khách).
Còn nếu Hải Phòng thi đấu trên sân của một CLB khác thì thầy trò HLV Trương Việt Hoàng lại là đội khách. Như vậy, CĐV Hải Phòng bị cấm vào sân của đội khách, tức là cấm vào sân Lạch Tray. Còn địa điểm tổ chức trận đấu thì họ lại không bị cấm.
Như vậy trong cả hai trường hợp, người hâm mộ bóng đá Hải Phòng đều có thể vào sân cổ vũ đội bóng thi đấu mà chẳng cần lo vi phạm luật cấm của VFF.
Và liệu cổ động viên Hải Phòng đi xem một trận đấu thuộc V-League mà không có Hải Phòng thi đấu thì sẽ thế nào? Có được coi là vào sân vận động của đội khách hay không?
Không chỉ vậy, quyết định kỷ luật của VFF cũng không chỉ ra cách để xác định một khán giả đến sân là CĐV của Hải Phòng hay đội bóng nào khác.
Người hâm mộ bóng đá đất Cảng từng tận dụng khe hở này để lách luật khi phải nhận án phạt tương tự vào năm 2009. Do CLB này không có Hội CĐV chính thức, nên chỉ cần các CĐV không mang theo áo cổ động, cờ hay bất cứ hình ảnh nào của đội bóng trên người thì ban tổ chức chẳng thể chứng minh được họ là CĐV của Hải Phòng để cấm vào sân.
Chỉ với ba chi tiết mập mờ nêu trên, CĐV Hải Phòng hoàn toàn có thể khiến cho án phạt của VFF trở nên vô dụng thêm một lần nữa.
Bình luận