UBND TP.HCM vừa ban hành quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Theo đó, từ ngày 24/11, các hộ gia đình, chủ nguồn thải trên địa bàn thành phố phải phân loại rác và chuyển giao theo nhóm chất thải trước khi chuyển cho đơn vị thu gom, vận chuyển. Tuy nhiên sau gần một tuần chủ trương này đi vào thực tế nhiều người dân vẫn còn chưa biết đến quy định mới này.
Dân không biết có quy định xử phạt
Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Thu (ngụ phường 11, quận Tân Bình) cho biết đến giờ chị vẫn chưa nghe, chưa thấy ai thông báo việc không phân loại rác đúng quy định sẽ bị xử phạt.
“Tôi chưa nghe có quy định xử phạt các hộ gia đình không phân loại rác. Bình thường tôi thu gom rác cũng phân loại các rác thải phân huỷ và không phân huỷ được để riêng biệt. Nếu có quy định phân loại rác và xử phạt người không phân loại rác thì tôi rất ủng hộ vì nó góp phần bảo vệ môi trường”, chị Trần Hoài Thu (ngụ quận Bình Thạnh), cho hay.
Còn bà Phan Thị Hồng (ngụ phường 13, quận Phú Nhuận) cho biết bà mới nghe tin tức trên báo đài còn chưa thấy đơn vị thu gom rác, chính quyền địa phương có thông báo gì đến với người dân nên chưa biết cách thực hiện phân loại rác như thế nào.
Bà Hồng cho rằng, để thu gom và phân loại rác có hiệu quả chủ yếu là từ ý thức, trách nhiệm của người dân. Việc đưa chế tài ra xử lý, xử phạt ở mức rất cao cũng là hình thức để buộc người dân có ý thức hơn về công tác bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, theo bà Hồng để quy định đi vào thực tiễn thì chính quyền địa phương và các công ty môi trường phải có buổi tuyên truyền, tập huấn cho người dân về cách phân loại, phân biệt rác để thu gom có hiệu quả.
Phần lớn người dân đều cho rằng trước khi quy định này xuất hiện họ chủ yếu phân loại rác theo quản tính chứ chưa biết đâu là rác hữu cơ, đâu rác vô cơ hay rác có khả năng tái chế.
"Việc thành phố có quy định phân loại, xử phạt người thu gom rác không đúng quy định tôi rất ủng hộ nhưng trước khi đưa ra xử phạt thì cần phải trang bị kiến thức cho người dân. Người dân không biết phân loại sao có thể xử phạt được”, ông Hoàng, một người dân ở quận Phú Nhuận nói.
Theo ghi nhận, hiện nay rất nhiều hộ dân, chủ nguồn rác thải ở TP.HCM vẫn chưa phân loại rác theo quy định. Có những trường hợp biết phân loại rác, biết có quy định xử phạt và có những trường hợp chưa biết nhưng họ đều không chấp hành đúng quy định.
Nhân viên vệ sinh nói do ý thức người dân
Theo ghi nhận của PV VTC News, dọc tuyến đường ở đường Lạc Long Quân, Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình), Hoàng Sa, Trường Sa (quận 3, quận Phú Nhuận), Phan Huy Ích, Quang Trung (quận Gò Vấp)… nhiều thùng rác tại các hộ gia đình vẫn chưa được phân loại.
Nhiều thức ăn, chất thải vẫn được để chung với chai lọ, mảnh vỡ của ly, chén, bao ni lông... tạo thành những núi rác hỗn độn.
Theo chân nhân viên vệ sinh môi trường thu gom rác, chúng tôi thấy công việc phận loại rác hầu hết do những nhân viên này thực hiện.
Trước khi thu gom, cho rác vào thùng xe, những nhân viên này phải mở ra kiểm tra, trường hợp người dân không phân loại rác hoặc phân loại rác không đúng thì họ phải làm trước khi đổ rác vào thùng.
Có trường hợp rác nhiều, nhân viên phân loại không hết khi đổ vào thùng, họ lại phải đào bới lên để tách biệt các loại rác.
Vì thế mỗi thùng rác, xe rác của những nhân viên này luôn phải trang bị thêm bao bì ở phía sau xe để lọc các chất thải rắn, chai lọ không phân huỷ được để riêng.
Anh Phúc (35 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM), nhân viên vệ sinh môi trường thu gom rác ở quận 3 cho biết, mỗi ngày anh thu gom, chở 7 xe rác bằng xe ba gác đến bãi tập kết. Hầu hết người dân không phân loại rác nên nhân viên thu gom phải tự phân loại rất mất thời gian và công sức.
“Tôi thu gom rác được gần 10 năm nay, thấy hầu hết người dân ở đây đều không phân loại rác, có ý thức kém, ỉ lại cho nhân viên thu gom. Việc phân loại rác chúng tôi phải làm và rất mất thời gian. Trường hợp rác nhiều chúng tôi phải đào bới để phân loại. Không ít lần tôi bị cháy máu vì bị những mảnh vỡ của ly, sắt cứa vào”, anh Phúc nói.
Theo anh Phúc, dù TP.HCM đã ban hành quy định phân loại rác và xử phạt với những trường hợp không phân loại nhưng nhiều người dân vẫn thờ ơ, có người biết không làm và có người không biết đã được nhân viên thu gom nhắc nhở nhưng không thực hiện.
“Hiện TP.HCM đang quá tải về rác. Nếu người dân ý thức, phân loại rác đúng quy định thì nhân viên thu gom sẽ bớt áp lực, tăng năng suất thu gom. Tôi nghĩ thành phố nên có biện pháp tuyên truyền người dân chấp hành. Trường hợp không chấp hành phân loại rác sẽ bị xử lý, xử phạt nghiêm”, anh Phúc nói thêm.
Còn chị Nguyễn Thị Hoà (nhân viên thu gom rác ở quận 10) cho biết mỗi khi đi thu gom rác chị không bao giờ quên đưa theo túi bóng để phân các loại rác.
“Chúng tôi là nhân viên thu gom rác nhưng phải làm thêm việc phân loại rác. Việc phân loại rác đã khiến tôi và không ít nhân viên bị thương do vật nhọn, vật sắc cứa phải. Hiện nay người dân vẫn chưa chấp hành quy định mới về việc phân loại rác”, chị Hoà nói.
Không phân loại rác bị phạt 15-20 triệu đồng
Thông tin về quy định này, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, thành phố cần có động thái với việc xử lý rác bởi đây là vấn đề rất cấp bách. Phân loại rác là đi đến chủ trương sử dụng rác, phải xem đây là nguồn nguyên liệu để tái chế, tái sử dụng có hiệu quả.
Rác hữu cơ sau khi phân loại được đưa đến nơi xử lý đốt để thu năng lượng, đặc biệt là nguồn nguyên liệu cho quá trình sản xuất. "Mục tiêu của thành phố không phải xử phạt để lấy tiền, mà muốn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường", ông Thắng nói.
Tại khoản 4 Điều 20 của quy định này nêu: phạt tiền 15-20 triệu đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.
Cụ thể, chất thải phải phân loại theo 3 nhóm: hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); có khả năng tái sử dụng (giấy, nhựa, kim loại, cao su, nylon, thủy tinh) và chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).
Các loại rác phải chứa trong bao bì phù hợp: túi màu xanh, màu trắng đựng rác hữu cơ; túi có màu sắc khác chứa chất thải còn lại. Hoặc có thể dán nhãn, ghi chữ trên các túi rác để phân biệt.
Bình luận