Việc tìm kiếm đối tác thiết kế và công ty in ấn đảm bảo chất lượng là khá vất vả đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ do hạn chế về vốn. Nhưng với nền tảng thiết kế và đặt in trực tuyến HUE Packaging, đây không còn là vấn đề.
Ở Việt Nam hiện nay, 80% sản phẩm nông sản chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có biểu tượng logo, nhãn mác khiến doanh nghiệp, nông dân gặp khó khăn trong việc phân phối sản phẩm trên thị trường như bị ép giá, người tiêu dùng không có niềm tin vào sản phẩm thương hiệu Việt… Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, con đường phát triển càng nhiều chông gai bởi mất chi phí, thời gian trong quá trình phát triển thương hiệu, mẫu mã bao bì sản phẩm.
HUE Packaging là nền tảng có quy trình khép kín về đặt in ấn online đầu tiên tại Việt Nam cho phép khách hàng tự thiết kế, chỉnh sửa, đặt in ấn và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, tất cả đều được thực hiện trực tuyến, tiết kiệm thời gian, chi phí và bảo vệ lợi ích cho các bên. Để tìm hiểu thêm về nền tảng mới lạ này, VTC News đã phỏng vấn ông Phan Thanh Bình, CEO của HUE Packaging.
- Khác với các startup thông thường đi lên từ hai bàn tay trắng, vốn đã có một công ty riêng hoạt động ổn định, tại sao ông lại muốn startup với một mô hình mới?
Năm 2009, tôi thành lập một công ty chuyên tư vấn về thương hiệu và quảng cáo (agency) mang tên NetBrand hoạt động cho tới nay và đã có những dự án tư vấn cho các thương hiệu lớn như: Golden Gate, Viettel, Vodka cá sấu, Cozy, VPBank,…
Tuy nhiên, với mô hình agency thông thường như của NetBrand, chúng tôi bị giới hạn số lượng khách hàng có thể phục vụ được trong cùng một thời điểm, chi phí vận hành lớn và khó có thể cung cấp dịch vụ với những doanh nghiệp có ngân sách thấp.
Nhưng có một thực tế, Việt Nam có hơn 400 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây là một thị trường có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực với nền kinh tế 90 triệu dân. Họ gặp rất nhiều khó khăn, mất nhiều chi phí, thời gian trong quá trình phát triển thương hiệu, mẫu mã bao bì sản phẩm… Các agency quảng cáo, thiết kế chuyên nghiệp đa số tập lại trung tại các thành phố lớn dẫn đến việc tiếp cận và triển khai dịch vụ cho các doanh nghiệp tại địa phương còn nhiều hạn chế.
Do đó, tôi quyết định chọn hướng đi, thay vì tập trung phục vụ số lượng ít các khách hàng lớn, chuyển sang nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ đầy tiềm năng này, với mong muốn xây dựng những thương hiệu Việt mạnh, cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài. Chúng tôi đã áp dụng công nghệ xây dựng hệ thống sinh thái giữa khách hàng, nhà thiết kế tự do kết hợp với những kiến thức và kinh nghiệm làm việc đã có trước đây trong chính lĩnh vực này.
- Đã có kinh nghiệm kinh doanh, hẳn ông sẽ nhạy cảm với những mạo hiểm khi startup?
Như chúng ta có thể thấy, hiện nay, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử rất nhanh, nhiều chủ trương của Nhà nước thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đồng thời các chính sách hỗ trợ cho những startup ngày một phổ biến hơn và kinh doanh trực tuyến dần bùng nổ.
Do đó, các đơn vị kinh doanh vừa và nhỏ là nhóm đối tượng khách hàng vô cùng tiềm năng, thị trường là rất lớn và nhu cầu dịch vụ mà HUE Packaging đang cung cấp mang tính cấp thiết, ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì vậy, tôi cho rằng nếu bản thân không chấp nhận mạo hiểm chuyển đổi mô hình thì tôi sẽ không thể tiếp nhận, đón đầu được xu hướng đó.
Tuy vậy, trước khi quyết định, tôi cũng phải cân nhắc để xem liệu rằng cơ hội khi chọn con đường mạo hiểm có xứng đáng với những gì mình theo đuổi hay không. Và tôi nhận thấy đó là một hướng đi tiềm năng nên tôi sẵn sàng mạo hiểm với HUE Packaging.
- Tại sao nói đây là sự chuyển đổi mô hình, thưa ông?
Có thể nói HUE Packaging chính là sự kế thừa, phát triển và khắc phục những hạn chế của NetBrand cũng như hạn chế của mô hình agency thông thường để đưa công ty tiến tới những tầm cao mới. Với HUE Packaging, tôi vẫn làm công việc tư vấn về mặt thiết kế, tuy nhiên có sự tập trung hơn vào việc cho phép khách hàng in ấn trực tuyến.
Hình thức này vừa giúp cho công ty có thể tiếp nhận được nhiều khách hàng hơn trong cùng một thời điểm, vừa có thể khai thác được nhóm khách hàng vừa và nhỏ vô cùng tiềm năng trên thị trường. Đồng thời, tận dụng được nhiều nguồn lực khác nhau, đội ngũ những người làm việc tự do (freelancer) là một ví dụ tiêu biểu.
Nói khắc phục những hạn chế của mô hình agency thông thường, cụ thể là mô hình agency thông thường hiện nay đã có các quy trình đã chuẩn hóa (workflow) phức tạp hơn bao gồm: lên ý tưởng (brainstorm), họp, trao đổi (meeting) và làm việc với khách hàng rất nhiều lần. Tuy nhiên, với mô hình mới của HUE Packaging, giúp tiết kiệm thời gian các bước trong quy trình làm việc của agency thông qua hệ thống trao đổi trực tiếp qua tin nhắn, điện thoại, thông báo qua email, sms.
Hệ thống website này đóng vai trò thay thế vị trí của một người quản lý dự án (project manager), từ đó, workflow cũng được đơn giản hóa để phù hợp với chi phí thấp hơn và những đối tượng khách hàng có mức vốn hạn chế hơn.
- Như vậy, lợi ích đem lại cho các bên, đặc biệt là khách hàng là rất lớn?
Đúng vậy. Điểm cốt lõi của platform này là nó đơn giản hóa cho khách hàng trong việc đặt in ấn online. Nếu như bình thường, muốn thiết kế và đặt in ấn, khách hàng sẽ phải đi tìm người thiết kế, làm việc với thiết kế để ra được sản phẩm ứng ý nhất sau đó họ lại phải tìm kiếm nhà in và chờ nhà in báo giá. Quá trình này có thể kéo dài 3,4 ngày hoặc nhiều hơn. Như vậy, khách hàng sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức, đồng thời khó mà xem xét các chi phí in ấn phát sinh một cách rõ ràng, minh bạch (transparent) bởi có thể bảng giá không được công khai.
Với HUE Packaging, các khâu bước được rút ngắn, thời gian chờ được cắt giảm và chi phí in ấn vô cùng rõ ràng. Chẳng hạn, khi kích vào ô lựa chọn đặt in 500 sản phẩm thì ngay lập tức khách hàng có thể nhìn thấy được chi phí mà họ cần phải bỏ ra. Đối với việc thiết kế của đội ngũ freelancer cũng vậy, tất cả sẽ được transparent về giá cho tất cả các bên. Từ đó, khách hàng có thể dễ dàng đưa ra lựa chọn, quyết định.
Bên cạnh đó, HUE Packaging có thể phục vụ cho cả những đối tượng khách hàng ở các tỉnh. Thực tế, hiện nay, ở các địa phương, khách hàng có rất ít lựa chọn về các nhà cung cấp về thiết kế và in ấn. Do đó, platform này giúp kết nối các nhà cung cấp ở các thành phố lớn với đối tượng khách hàng ở các địa phương.
Ngoài ra, mô hình agency này giúp gia tăng sự thuận tiện cho các bên. Cụ thể, các nhà thiết kế có thể tận dụng thời gian thông qua hệ thống HUE Packaging để nhận những dự án quy mô vừa và nhỏ, chẳng hạn như việc chỉnh sửa thiết kế sẵn có của khách hàng.
Về phía khách hàng, có nhiều khách hàng có nhu cầu tự thiết kế và chỉnh sửa thiết kế của mình nhưng các công cụ chỉnh sửa hiện nay như Photoshop, Vector hay Illustrator khá phức tạp. Do đó, HUE Packaging cung cấp cho khách hàng những công cụ cơ bản hỗ trợ việc thiết kế, chỉnh sửa theo ý của khách hàng một cách đơn giản. Chúng tôi vẫn tận dụng những công cụ thiết kế chuyên nghiệp nhưng đặt dưới sự kiểm soát của hệ thống để làm đơn giản hóa việc thực hiện.
Trong một số trường hợp, sau khi bộ phận thiết kế hoàn thành công việc, bản thiết kế được đẩy lên trang web, với những lỗi nhỏ hoặc do sức ép về thời gian, khách hàng hoàn toàn có thể tự chỉnh sửa và đặt in theo số lượng ở mọi thời điểm trong ngày. Nếu ở các công ty agency và in ấn bình thường, họ chỉ làm việc trong giờ hành chính, đó là một trong những điểm tối ưu nữa của HUE Packaging.
Để sử dụng các công cụ thiết kế và đặt hàng in ấn trên HUE Packaging, khách hàng cần đăng ký tài khoản, tuy nhiên, việc đăng ký này là hoàn toàn miễn phí.
HUE Packaging là đơn vị trung gian, bảo vệ lợi ích cho cả người mua và nhà cung cấp. Tức là khi đặt hàng, khách hàng phải thanh toán 100% chi phí trước nhưng chi phí đó sẽ được thanh toán theo từng bước, nếu khách hàng thông báo dừng ở bước nào thì số tiền của các bước chưa thực hiện sẽ được hoàn trả lại khách hàng, số tiền của bước đã hoàn thành sẽ được đưa tới đơn vị thực hiện bước đó. Như vậy, lợi ích của các bên đều được tối ưu và rõ ràng.
- Nhóm đối tượng khách hàng chủ yếu của HUE Packaging là các doanh nghiệp vừa và nhỏ?
Mục tiêu chính hướng đến của HUE Packaging là những khách hàng vừa và nhỏ, các cửa hàng thời trang, cửa hàng online… tức là các doanh nghiệp mới startups hoặc những đơn vị có mô hình hoạt động chưa được quy chuẩn, gặp vấn đề về chi phí đầu tư, nhân sự triển khai.
Tính đến thời điểm hiện tại, HUE Packaging đã được xây dựng trong 9 tháng và chuẩn bị xâm nhập thị trường. Chúng tôi cũng đã đến các địa phương và tổ chức những workshop để giới thiệu platform đến cho các doanh nghiệp ở quy mô này. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, HUE Packaging là sự kế thừa của NetBrand nên các khách hàng vừa và nhỏ được hưởng lợi rất nhiều từ kinh nghiệm triển khai phát triển thị trường tích luỹ trong quá trình chúng tôi hợp tác với những thương hiệu, nhãn hàng lớn.
- Trong 9 tháng đó, ông đã gặp phải những khó khăn nào?
Một trong những khó khăn khi làm HUE Packaging đó là vấn đề về mặt nhân sự. Đối với các nhân viên có kinh nghiệm, có sự kiên nhẫn trong công việc đã quen làm việc với những dự án thông thường và đạt được các thành công nhất định nên họ khó có thể thay đổi theo một hướng làm việc mới, một mô hình khá rủi ro.
Những nhân viên mới thì độ thực tế của họ không cao và dễ bị cuốn theo những ý tưởng, do đó, sự tập trung, nhẫn nại để thực hiện một dự án không được bằng những người đã có kinh nghiệm. Tuy vậy, họ lại có nhiều những ý tưởng sáng tạo, sức khỏe và có tinh thần sẵn sàng theo đuổi những dự án có tính mạo hiểm như của HUE Packaging.
Về mặt thời gian, ban đầu, chúng tôi dự kiến sẽ mất nửa năm để xây dựng HUE Packaging, tuy nhiên, thực tế việc này đã mất tới 8 tháng do những thay đổi về công cụ trên web, thời gian đi gặp khách hàng, khối lượng công việc lớn…
Ngoài ra, cũng có thể kể đến những khó khăn khác như việc HUE Packaging muốn liên kết với một số ví điện tử, tuy nhiên, hiện nay các ví điện tử chúng tôi đã liên hệ lại khôngcó tính năng hoàn trả tiền cho khách hàng, dẫn đến rủi ro về thanh toán nếu một trong hai bên không tuân thủ theo thoả thuận khi triển khai dịch vụ. Do đó, chúng tôi phải là người xây dựng một công cụ thanh toán riêng để kiểm soát được việc hoàn trả tiền cho khách hàng, bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.
Tuy nhiên, chúng tôi đã nhận được nhiều sự hỗ trợ về mặt vốn, quan hệ đối tác, truyền thông từ Bộ KHCN và các sở ban ngành,Vietnam Silicon Valley (VSV), hiệp hội tại các địa phương nên việc tiếp cận với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
- Trong tương lai, ông dự định phát triển HUE Packaging như thế nào?
Hiện tại, HUE Packaging đã được tối ưu hóa trên website. Dự kiến sau 3 tháng tới, platform sẽ có thể được sử dụng trên các nền tảng khác như máy tính bảng, điện thoại…
Trong tương lai, HUE Packaging sẽ tập trung vào nhóm khách hàng ở địa phương kết hợp với các tổ chức, các Sở ở địa phương như Sở KHCN, Sở Kế hoạch đầu tư… để mở ra các workshop nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ về thương hiệu, quy chuẩn công bố chất lượng sản phẩm và cách sử dụng các công cụ trong HUE Packaging.
Ngoài ra, chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường sang các nước có đặc điểm tương đồng với Việt Nam như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc... để gia công in ấn cho họ hoặc hỗ trợ sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tiến vào những thị trường này.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận