Chiều qua, chị bạn tôi chia sẻ trên Facebook cá nhân rằng, con gái lớp 4 đi học về mắt đỏ hoe. Tưởng con bị ai bắt nạt, mẹ gặng hỏi mãi mới vỡ lẽ: Sợ nhiều cây to trồng trong sân có nguy cơ đổ như cây phượng ở trường THCS Bạch Đằng (TP.HCM) làm học sinh tử nạn ngày 26/5 vừa qua, nên trường thuê người đến đốn hạ gần hết những cây cổ thụ.
Người mẹ trẻ phải thốt lên rằng: “Ô hay, cây xanh làm chi nên tội tình mà đốn hạ vô tội vạ vậy? Sao trường không đề nghị cơ quan chuyên môn kiểm tra cụ thể thân cây thế nào, cây nào cần chặt, cây nào chỉ cần tỉa cành, hoặc tạo giá đỡ chống bằng thép kiên cố?
Cứ chặt cây vô tội vạ thế này, tuổi học trò chỉ biết làm bạn với những sân gạch, sân bê tông trơ trọi đầy nắng và vô cảm, biết lấy gì để nhớ, để yêu thương và nuôi dưỡng tâm hồn?”.
Việc nhận diện những thân cây nào nên cắt bỏ là điều không quá khó. Quan sát bằng mắt thường có thể thấy cây này bị khô cành, thân có mục rỗng; thế cây nghiêng so với trục thẳng đứng; cây có dấu hiệu bật gốc sau những trận mưa gió trước đây... Đây đều những cây cần phải xử lý chặt hạ tức thì.
Thực tế tại nhiều trường, những ngày qua không ngần ngại đốn hạ luôn cả cây đang xanh tốt, ngại phải mời chuyên gia về xem xét. Vì vậy họ cứ quy cho cây to là thiếu an toàn, cần chặt trụi hoặc đốn hạ để tránh những rắc rối không may từ trên trời rơi xuống.
Rõ ràng, tâm lý và việc làm thể hiện “cắt nhầm còn hơn… bỏ sót” này cho thấy sự lúng túng và yếu kém trong công tác quản lý của trường học và địa phương.
Không phải ngẫu nhiên hoa phượng lại là biểu tượng gắn bó biết bao thế hệ học sinh Việt Nam từ trước đến nay. Và việc hoa phượng đỏ được trồng rộng rãi trên khắp các tuyến đường khiến Hải Phòng được biết đến với mỹ danh thành phố hoa phượng đỏ suốt mấy chục năm qua. Cớ sao chúng ta lại đốn hạ loài cây đó khốc liệt như vậy.
Tôi từng đọc ý kiến của GS.TS Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp Hà Nội trên một tờ báo, cho hay có hai nguyên nhân tác động tới cây xanh từ con người. Với các khu đô thị, trường mới xây dựng thì muốn cho đẹp mắt ngay nên trồng cây lớn.
Tại những chỗ rễ cái, cành to bị cắt, hay những chỗ trong quá trình vận chuyện bị xước vỏ thì đều là nguyên nhân dẫn đến mục rỗng. Sau này khi thấy cây sống, mọi người tưởng rằng thế là an toàn nhưng khi gặp gió bão, những cây này dễ đổ, gãy.
Bên cạnh đó, quá trình làm sân trường, với lớp bê tông sát gốc cây cũng ảnh hưởng đến cây trồng ở đó. Đặc điểm của phượng là rễ ăn nổi, ngang, không đâm sâu xuống đất, nên khi đổ những lớp bê tông dày 15-20 cm thì toàn bộ lớp rễ nằm dưới phần bê tông rơi vào tình trạng yếm khí, không hô hấp được và lâu dần sẽ chết dần. Qua đó cũng là nguyên nhân khiến cây dễ đổ.
"Việc xây bồn quanh gốc cây kết hợp với ghế ngồi nghỉ cho học sinh, giáo viên cũng dễ làm tổn hại đến rễ cây” - GS.TS Trần Văn Chứ nói.
Vẫn biết việc đảm bảo an toàn cho học sinh trong trường học là việc cần quan tâm hàng đầu, nhưng cách xử lý thế nào để vừa an toàn cho học sinh, vừa đảm bảo cảnh quan môi trường, giúp các em được học tập, vui chơi trong không gian xanh mát lành của thiên nhiên là điều mà ban lãnh đạo các trường và sở, ngành liên quan cần có phương án và lựa chọn hành động phù hợp hơn.
Tôi cho rằng, không cứ cây phượng, mà cho dù là bàng, sấu, xà cừ, nhãn… hay bất cứ loại cây trồng nào đi chăng nữa, cũng đều có tuổi thọ nhất định, sẽ đến ngày già nua, đổ gãy, hệt như quy luật sinh – lão – bệnh – tử của con người.
Vậy nên cây phượng không có lỗi. Việc trồng cây gì trong sân trường không quan trọng bằng việc ‘hiểu” cây, chăm sóc khoa học, không làm tổn hại đến đời sống của cây và môi trường xung quanh.
Đừng để khi nghỉ hè hay chuyển cấp học, học sinh hát lên giai điệu ca khúc “Nỗi buồn hoa phượng” – nhưng không phải cho nỗi buồn chia xa bạn bè, xa tuổi học trò, mà lại là nỗi buồn vì những người quản lý, liên quan mang áp lực tâm lý, thụ động sau vụ việc tại trường THCS Bạch Đằng (TP.HCM).
Bình luận