Trong vài tháng trở lại đây, nhiều lần quan chức ngoại giao Nga nói vấn đề Biển Đông nên giải quyết song phương và không nên quốc tế hóa, có sự tham dự của bên thứ 3.
Những tuyên bố này phần nào tương đồng với quan điểm của Trung Quốc trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông khiến nhiều người Việt yêu mến nước Nga bị tổn thương và cảm thấy nghi ngờ độ tin cậy của Nga trong giai đoạn hiện nay.
Để hiểu thêm về vấn đề này, VTC News phỏng vấn Nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương, người nghiên cứu sâu về Nga và TS. Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, chuyên gia lâu năm về Biển Đông.
- Tổng thống Nga Putin thăm Trung Quốc ngay trước thềm phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện của Manila với Bắc Kinh, theo ông chuyến thăm này thể hiện điều gì?
Nhà báo Nguyễn Đăng Phát:
Theo cá nhân tôi, chuyến thăm này của ông Putin đến Trung Quốc không liên quan đến việc Tòa trọng tài thường trực sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện của Manila với Bắc Kinh ở Biển Đông.
Có thể nói như vậy vì mỗi chuyến thăm của các nguyên thủ quốc gia, đặc biệt là một nước lớn như Nga cần có sự sắp xếp, lên kế hoạch từ lâu chứ không thể đột xuất đưa ra liên quan đến một sự kiện nào đó không có ngày giờ cụ thể như việc Tòa trọng tài thường trực đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines.
Thêm nữa, chuyến thăm này của ông Putin được lên kế hoạch để kỷ niệm 2 dịp, đó là 20 năm quan hệ Đối tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc và 15 năm 2 nước ký Hiệp ước hữu nghị, quan hệ láng giềng tốt và hợp tác.
Ngoài ra, trong dịp này cũng có nhiều quan hệ hợp tác kinh tế giữa Bắc Kinh và Matxcơva đã chín muồi, cần được ký kết trong giai đoạn này.
TS. Trần Công Trục:
Hiện nay, những ký kết giữa Nga và Trung Quốc trong chuyến thăm lần này của ông Putin đa phần liên quan đến vấn đề kinh tế, chứ không liên quan đến lập trường của Nga về vấn đề Biển Đông hay vụ kiện của Philippines với Trung Quốc lên Tòa trọng tài thường trực – PCA.
- Ông đánh giá thế nào về việc Ngoại trưởng Nga rồi mới đây là Đại sứ Nga tại Trung Quốc nói vấn đề Biển Đông nên giải quyết song phương hay có thể cho là ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về vấn đề này?
- Nhà báo Nguyễn Đăng Phát:
Lập trường về Biển Đông của Nga không phải là hoàn toàn ủng hộ Trung Quốc. Mỗi lần Nga có phát biểu, đương nhiên Trung Quốc sẽ khoét sâu vào những khía cạnh có lợi cho mình.
Bắc Kinh làm vậy để tỏ ra có nước ủng hộ mình và còn mang mục đích chia rẽ.Với mỗi phát ngôn của Nga, chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng, theo dõi cả toàn văn bài phát biểu.
Lập trường của Nga ở Biển Đông từ trước đến nay rất thống nhất, không dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp, căn cứ vào luật pháp quốc tế (trong đó có UNCLOS 1982), thông qua thương lượng và muốn các nước trực tiếp liên quan đến tranh chấp tìm cách giải quyết chứ không nên quốc tế hóa, cho nước không liên quan trực tiếp tham gia.
Những lập trường trên, đa số đều phù hợp với quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, bản thân Nga cũng đang có nhiều hoạt động khai thác, hợp tác với Việt Nam trên Biển Đông.
Người Nga vẫn ở đó, tiếp tục làm việc mong muốn một môi trường hòa bình, ổn định để cùng phát triển chứ không ủng hộ quan điểm Trung Quốc hay rời bỏ Việt Nam.
TS. Trần Công Trục:
Dư luận Việt Nam hết sức băn khoăn, thậm chí có ý kiến cho rằng Nga đưa ra một số tuyên bố bất lợi cho chúng ta và ủng hộ chủ trương của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, các tuyên bố của Nga, có thể nói là phù hợp khi Matxcơva phản đối mạnh mẽ việc quân sự hóa, thay đổi hiện trạng hay tạo ra những nguy cơ xung đột bằng vũ lực ở Biển Đông.
Theo tôi, chúng ta nên xem xét, đánh giá những phát ngôn đó một cách cẩn trọng, làm sáng tỏ các vấn đề ẩn bên trong để tránh hiểu nhầm và thể hiện lập trường của Việt Nam.
Trong tuyên bố của mình, ông Lavrov nói nên giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp song phương, không quốc tế hóa.
Nếu xét sơ qua, có cảm giác Nga đã phát biểu theo chủ trương của Trung Quốc nhưng chúng ta cần lưu ý rằng, Nga chỉ nói giải quyết song phương các vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Rõ ràng, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ có thể giải quyết song phương, ví dụ như vấn đề Hoàng Sa thì chỉ có Việt Nam và Trung Quốc xử lý chứ không thể để một nước không liên quan tham gia.
Tuy nhiên, ở Trường Sa lại không chỉ có Việt Nam và Trung Quốc mà còn nhiều quốc gia khác nên vấn đề này không thể giải quyết song phương được.
Có thể những phát ngôn đó không phù hợp hoàn toàn với xu hướng chung của quốc tế hay quan điểm của Việt Nam, chúng ta cần tìm hiểu rõ nguyên nhân và khắc phục nó để không làm ảnh hưởng đến quan hệ rất tốt đẹp giữa Việt Nam và Nga.
- Nhưng rõ ràng, người Việt Nam, nhất là những người yêu mến nước Nga rất đau lòng, thậm chí có cảm giác như bị ‘phản bội’ trước những tuyên bố của ông Lavrov về lập trường trên Biển Đông. Mà ông biết đấy, tỷ lệ người Việt yêu mến, ủng hộ nước Nga nói chung và ông Putin nói riêng nằm trong nhóm cao nhất thế giới. Người Nga quá rõ câu thành ngữ: “Bạn cũ bạn tốt, rượu cũ rượu ngon”…
Nhà báo Nguyễn Đăng Phát:
Xét về tổng thể, phát ngôn của ông Lavrov là đúng nhưng phía Trung Quốc khai thác ý họ cho là cần thiết và khiến dư luận Việt Nam cảm thấy phật lòng. Theo tôi, có 2 nguyên nhân khiến Ngoại trưởng Nga không im lặng mà đưa ra phát biểu này.
Thứ nhất, vì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, Matxcơva cần phải thể hiện một lập trường khá tương đồng với Bắc Kinh.
Thứ hai, đây cũng là một phương án dùng để cảnh báo Washington. Điều Nga muốn nói là Mỹ không có liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông thì không nên tham gia.
Tuyên bố này của Nga không nhằm gửi đến Việt Nam, không phải là thông điệp Nga ngừng ủng hộ Việt Nam và quay sang phía Trung Quốc. Nga vẫn ủng hộ Việt Nam qua các quan điểm giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế.
TS. Trần Công Trục:
Theo tôi, các phát ngôn của phía Nga được đưa ra một cách chung chung, có thể do Matxcơva chưa hiểu rõ về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông hoặc có thể là vì động cơ chính trị nào đó.
Các phát ngôn không cụ thể, muốn hiểu sao cũng được của Nga đã tạo điều kiện cho truyền thông Trung Quốc lợi dụng nhằm đưa ra những câu nói mang lại lợi ích cho Bắc Kinh.
Chúng ta cũng không được xem nhẹ điều này vì trên thực tế, bối cảnh quốc tế hiện nay có sự tranh chấp quyền lợi giữa các nước lớn, trong đó có sự đối lập giữa Nga với Mỹ và một số nước phương Tây trong nhiều vấn đề.
TS Trần Công Trục
Tuy nhiên, chúng ta cũng không được xem nhẹ điều này vì trên thực tế, bối cảnh quốc tế hiện nay có sự tranh chấp quyền lợi giữa các nước lớn, trong đó có sự đối lập giữa Nga với Mỹ và một số nước phương Tây trong nhiều vấn đề.
Chính điều đó khiến Matxcơva gặp khó khăn trong nhiều mặt, bị cô lập trong một số lĩnh vực và thúc đẩy họ đi tìm kiếm đồng minh, tìm tiếng nói chung, ở đây là Trung Quốc.
Trong khi đó, các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông vấp phải sự phản đối rất mạnh mẽ không chỉ của các nước trong khu vực mà cả cộng đồng quốc tế. Chưa kể đến tòa PCA sắp đưa ra phán quyết nhiều khả năng gây bất lợi cho Bắc Kinh ở khu vực này, vì vậy họ cũng đang đi tìm đồng minh cho mình.
Video Trung Quốc quân sự hóa ở các đảo thuộc Hoàng Sa của Việt Nam
- Thế còn về phần mình, các ông có tâm tư ra sao với người bạn thủy chung, truyền thống này trong giai đoạn hiện nay?
Nhà báo Nguyễn Đăng Phát:
Truyền thông Trung Quốc có nhiều thủ đoạn và mục đích của họ trong việc trích dẫn các phát ngôn của quan chức Nga một cách thiếu đầy đủ, có chủ đích là điều dễ hiểu. Chính vì vậy, những thông tin này dễ khiến người dân Việt Nam cảm thấy phật lòng.
Theo tôi, truyền thông Việt Nam hiện nay cần làm tốt hơn nữa, cần xem xét kỹ càng nguồn tin, các phát ngôn cần được thể hiện đầy đủ, trong các văn cảnh cụ thể, không nên sử dụng các nguồn đã được lược, trích quá đà.
Với quan điểm của Nga về vấn đề Biển Đông, chúng ta cần đọc kỹ để xem lập trường đó có thay đổi so với trước đây không, có đi ngược với những tuyên bố của mình không.
Nếu quan điểm này vẫn nhất quán, chúng ta cần đánh giá đúng về quan hệ Nga – Việt, không nên thay đổi quan điểm về người bạn truyền thống này chỉ vì những thông tin đã bị cắt lược với mục đích riêng.
TS. Trần Công Trục:
Theo tôi, chúng ta cần làm rõ cho bạn bèn quốc tế hiểu về bản chất của những tranh chấp và các thủ tục cần thiết để giải quyết những tranh chấp đó. Chúng ta không nên nhận định phiến diện, chê trách Nga vì những phát biểu trên vì rõ ràng Nga không phải Việt Nam.
Nga chỉ đứng ngoài và nghe thông tin. Điều Việt Nam cần làm là làm cho các đối tác hiểu rõ về bản chất của vấn đề. Tuy nhiên, chúng ta không nên quá dĩ hòa vi quý, không can thiệp khi các nước bạn có những phát biểu sai về pháp lý liên quan đến Việt Nam.
Chúng ta không nên quá dĩ hòa vi quý, không can thiệp khi các nước bạn có những phát biểu sai về pháp lý liên quan đến Việt Nam.
TS Trần Công Trục
Ngoài ra, truyền thông trong nước cũng cần đánh giá đầy đủ, làm rõ các tuyên bố của Nga để tránh người dân Việt Nam hiểu nhầm về mối quan hệ truyền thống với Nga trong giai đoạn hiện nay.
- Theo ông, sau những động thái trên, Matxcơva liệu có còn là một đối tác tin cậy hoàn toàn với Việt Nam hay không?
Nhà báo Nguyễn Đăng Phát:
Với tôi, những phát biểu trên sẽ không ảnh hưởng đến độ tin cậy trong mối quan hệ Việt – Nga. Một trong những đặc điểm khác biệt giữa mối quan hệ Việt – Nga với các cặp quan hệ khác là độ tin cậy chính trị rất cao.
Điều này được thể hiện qua việc Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam chọn Nga là điểm đến đầu tiên sau khi nhậm chức trong nhiệm kỳ mới.
Ngoài vấn đề kinh tế, Nga và Việt Nam còn nhiều lĩnh vực hợp tác thiết yếu với chúng ta như năng lượng hay kỹ thuật quân sự.
TS. Trần Công Trục:
Dư luận Việt Nam hết sức quan tâm đến những phát ngôn của Nga về vấn đề Biển Đông khi 2 nước có mối quan hệ rất đặc biệt.
Có những giai đoạn, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ phía Liên Xô trước đây và Nga hiện nay, không chỉ trong giai đoạn chống ngoại xâm mà còn trong quá trình xây dựng, bảo vệ tổ quốc.
Mặc dù Nga đã có những thay đổi nhưng rõ ràng mối quan hệ với Việt Nam vẫn được duy trì ở mặt quan hệ đối tác chiến lược và Việt Nam cũng ủng hộ Nga rất nhiều kể cả khi Matxcơva đang thuận lợi hay khó khăn.
Xin cảm ơn!
Bình luận