• Zalo

Không mắc bệnh tâm thần mới được ứng cử đại biểu Quốc hội

Thời sựThứ Tư, 05/11/2014 08:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Nhiều ý kiến cho rằng, phải quy định người không mắc bệnh tâm thần mới được ứng cử đại biểu Quốc hội.

(VTC News) – Nhiều ý kiến cho rằng, phải quy định người không mắc bệnh tâm thần mới được ứng cử đại biểu Quốc hội.

Chiều 5/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Các đại biểu đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM thảo luận khá sôi nổi xung quanh một số quy định như người ứng cử phải có hồ sơ ứng cử, lý lịch tư pháp, giấy khám sức khỏe.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng ứng cử viên phải vượt qua cuộc kiểm tra sức khỏe tâm thần mới được ứng cử đại biểu Quốc hội 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng trong dự thảo Luật quy định hồ sơ người ứng cử còn đơn giản và phải bổ sung thêm lý lịch tư pháp và giấy khám sức khỏe.

Vị đại biểu này cho rằng giấy khám sức khỏe không phải loại khám qua loa rồi tích vào cho đủ như giấy khám sức khỏe để lấy giấy đăng ký lái xe, mà phải có trắc nghiệm về trình độ thần kinh, tâm lý.

“Tâm thần của anh không qua được trắc nghiệm thì không nên ứng cử. Nhiệm kỳ 5 năm dài lắm, nhiều áp lực mà tinh thần không tốt thì khó hoàn thành nhiệm vụ với dân”, ông Nghĩa nói.

Vì vậy, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị phải luật hóa về tiêu chuẩn sức khỏe và lý lịch tư pháp.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Võ Thị Dung cũng cho rằng cần phải bổ sung quy định về hồ sơ giấy khám sức khỏe.

Người đại biểu phải có đủ sức khỏe để đảm nhiệm nhiệm vụ là “tiếng nói của cử tri” trong suốt nhiệm kỳ.

Đại biểu Trần Du Lịch (Ảnh: Phạm Thịnh)
Đại biểu Trần Du Lịch (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Đại biểu Trần Du Lịch cũng đồng tình và cho rằng  tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội đơn giản quá, thậm chí “một người mới từ bệnh viện tâm thần cũng ứng cử được”.

Thảo luận nội dung này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM) cũng đề nghị người ứng cử đại biểu Quốc hội phải khám sức khỏe. Đặc biệt là sức khỏe tâm thần.

Thậm chí, đại biểu Phạm Văn Gòn còn cho rằng những người “tưng tưng” cũng không nên cho ứng cử đại biểu Quốc hội.

“Người ứng cử phải có giấy chứng nhận sức khỏe, không chỉ khám qua loa ở phòng khám là được. Có những người hơi tưng tưng cũng không được ứng cử vì đại biểu Quốc hội là người đóng vai đặc biệt, đại diện cho nhân dân”, đại biểu Gòn nói thêm.

Bên cạnh đó, các đại biểu TP.HCM cũng đề nghị loại bỏ việc đi bỏ phiếu hộ.

Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị người đi bầu phải trình thẻ cử tri và giấy tờ tùy thân chứng minh đó là mình. Tránh việc, sắp hết giờ bầu cử đi gõ cửa từng nhà, một người bầu chung cho cả xóm.

Bên cạnh đó, ông Lịch cũng cho rằng các ứng viên phải kê khai tài sản một cách minh bạch. Vị đại biểu này cho rằng trước bầu cử thì kê khai đại biểu nào cũng nghèo, nhưng sau đó lại không kiểm soát tài sản sau đó.

Đại biểu Đinh Thị Bạch Mai đề nghị cần quy định một ứng cử viên không nên gánh quá nhiều cơ cấu như trẻ, ngoài đảng, chuyên trách, dân tộc…

“Đề nghị nghiên cứu đưa vào luật tỷ lệ giới tham gia đại biểu quốc hội phù hợp”, đại biểu Mai đề xuất.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn