Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Thời điểm này, dân công sở lại rộn ràng chủ đề thưởng Tết. Bên cạnh những người hỉ hả chờ sẽ được 1 khoản to to, nhiều người lại ngậm ngùi vì có thể năm nay cũng như năm ngoái, chẳng có gì.
Còn nhớ năm ngoái, một doanh nghiệp ở tỉnh Bến Tre đã khiến người lao động không khỏi sốc khi thưởng Tết cho nhân viên 50.000đ. Ngay tại Hà Nội, nơi có chi phí đắt đỏ bậc nhất cả nước, cũng có những công ty chỉ thưởng Tết cho nhân viên 450.000đ. Oái oăm hơn, đã có cả chuyện ở nhiều nơi không thể chi tiền mặt mà quy đổi thành... quà (gạo, trứng, mắm muối hoặc chính sản phẩm do công ty sản xuất) khiến người lao động rơi vào cảnh: nhận không được, từ chối không xong.
Với người Việt Nam, Tết là dịp quan trọng nhất năm. Vào dịp này, bất cứ ai cũng cần tiền để sắm sửa, trang hoàng nhà cửa, biếu xén các bậc sinh thành, mừng tuổi người già, trẻ nhỏ, hay đơn giản là đi ăn đi chơi, tự thưởng cho bản thân sau một năm vất vả. Đấy là chưa kể cứ đến dịp này, giá cả hàng hóa lại tự động leo thang. Thế nên, với những người lao động có mức lương trung bình, thưởng Tết chính là chìa khóa để đón xuân về.
Nhiều doanh nghiệp nói rằng: Cũng muốn thưởng Tết to lắm, nhưng doanh thu kém nên chỉ có thể ở mức "tượng trưng". Tuy nhiên, khi đã tham gia vào thương trường, để có thể phát triển bền vững, bất cứ công ty nào cũng phải có kế hoạch tài chính ổn định trong cả năm, chuẩn bị đủ ngân sách để chi trả cho người lao động phần lương và phần thưởng.
Nếu nhận thấy những bất thường trong doanh thu, công ty đã phải có biện pháp để cân bằng như: tiết kiệm chi phí, cắt bớt lao động dư thừa, hạch toán để cân đối được lương thưởng sau tròn 1 năm sử dụng lao động. Nếu không làm được việc này, có lẽ, doanh nghiệp nên đóng cửa.
Thực tế cũng cho thấy, ở những doanh nghiệp quan tâm đến đời sống người lao động, ngay cả khi mới thành lập hoặc chưa có nhiều lợi nhuận, nhân viên vẫn có thưởng Tết vì khoản này sẽ được hoạch toán vào chi phí. Thế nên, cái lí do “doanh thu kém” có vẻ như không thực sự đúng.
Hơn nữa, xét cho cùng, thưởng Tết không phải là khoản tiền trên trời mà công ty “tặng không” cho người lao động. Nó là sự đánh giá, ghi nhận những nỗ lực của nhân viên trong suốt một năm qua. Ngoài ra, khi chi trả thưởng Tết, nhiều doanh nghiệp căn cứ vào thời gian làm việc tại công ty của từng nhân viên để quyết định số tiền, và họ giải thích đó là vì: thưởng Tết là phần tiền được ngầm trích ra từ lương hàng tháng của người lao động. Như vậy, hiểu theo cách này, thưởng Tết chính là việc chúng ta nhận lại tiền của chính mình sau một năm công ty "giữ hộ".
Khoan nói đến những công ty thưởng Tết hậu hĩnh, nhân sự được xếp hạng và trao giải thưởng sau 1 năm làm việc, tiệc tất niên bốc thăm quà toàn iPhone, Macbook, khoan nói đến những ông sếp cực kỳ tâm lý, luôn tìm cách để nhân sự được "thêm một chút" cho cái Tết vẹn tròn hay những kỳ nghỉ cuối năm siêu xịn, với người lao động bình thường, mong mỏi cơ bản nhất vẫn là có 1 khoản thưởng Tết xứng đáng nỗ lực 1 năm của mình.
Sẽ thật "khó sống" khi nghe nói công ty A thưởng 3 tháng thu nhập, công ty B thưởng vàng SJC, còn công ty mình thì "xin thông cảm" vì năm nay "mất mùa".
Chăm lo, đảm bảo đời sống cho nhân viên là tiêu chí phát triển chung của các công ty. Bởi chỉ khi đời sống được đảm bảo, người lao động mới tình nguyện gắn kết lâu dài với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhờ thế mới giữ chân được người tài. Bởi thế, thưởng Tết xét cho cùng là thỏa thuận ngầm về sự gắn kết. Và một khi không muốn gắn kết với người lao động, doanh nghiệp có nên đóng cửa?
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)
Bình luận