Ô nhiễm không khí (bụi mịn PM2.5) đang là vấn đề nóng của nhiều thành phố trên cả nước, trong đó có Hà Nội và TP.HCM. Các số liệu quan trắc mấy năm gần đây tại Hà Nội cho thấy, có thời điểm hơn 30% số ngày trong năm chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu và mức kém. Đáng lo ngại hơn là xu thế này không giảm mà ngày càng tăng.
"Nhiều người dùng từ 'mùa ô nhiễm' thay cho 'mùa đông' ở các tỉnh miền Bắc", ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam nói và cho biết, các thành phố lớn đang bị uy hiếp bởi những hạt bụi mịn PM2.5 nhỏ li ti mang theo đầy chất độc hại với đường kính nhỏ hơn 2.5um, nhỏ hơn 30 lần sợi tóc con người.
Bụi mịn đặc biệt nguy hiểm vì có thể luồn sâu vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu. Các chuyên gia của Cơ quan bảo vệ Môi trường Mỹ nhận định, hạt PM2.5 chứa nhiều kim loại nặng có khả năng gây ung thư, hoặc tác động đến DNA và gây ra đột biến gene. Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố PM2.5 là nguyên nhân đứng thứ tư gây tử vong sớm. Theo ước tính, hàng năm có đến 4,3 triệu người chết do các bệnh liên quan đến ô nhiễm bụi mịn PM2.5.
Ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông
Một trong những nguyên nhân dẫn ô nhiễm không khí nghiêm trọng theo các chuyên gia là từ phương tiện giao thông cá nhân. Hiện có rất nhiều xe máy, ô tô chạy nhiên liệu hóa thạch, trong khi xe máy chưa có quy định kiểm soát khí thải, xả khói đen bao nhiêu cũng được, đều là những nguồn ô nhiễm không khí rất đáng kể với thành phố.
PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng nhận định, hiện các thành phố lớn phải hứng chịu nhiều nguồn khí thải độc ra không khí. Trong đó, giao thông đô thị và khí thải từ phương tiện cá nhân chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn.
Điều này cũng được các nghiên cứu chỉ rõ, giao thông vận tải là nguồn phát thải PM2.5 lớn nhất với tỷ lệ lên tới 58% - 74%. Tại Hà Nội và TP.HCM, xe mô tô, xe gắn máy chiếm đến 95% về số lượng, mặc dù chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra tới 94% lượng HC; 87% CO; 57% NOx... trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới.
Khi các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch để vận hành, động cơ sẽ phát thải lượng lớn các chất khí có thành phần độc hại gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tham gia giao thông, những người sinh sống dọc các tuyến đường giao thông. Lượng phát thải các khí này tăng lên hàng năm cùng với sự gia tăng về số lượng của các phương tiện giao thông đường bộ.
Đặc biệt, khi xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông, mức độ ô nhiễm hơi xăng dầu có thể tăng lên 4 - 5 lần so với lúc bình thường. Ô nhiễm khí CO và hơi xăng dầu (HC) thường xảy ra ở các nút giao thông lớn. Do đó, nguồn khí thải từ giao thông vận tải đang trở thành một nguồn gây ô nhiễm chính đối với môi trường không khí ở đô thị, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Bên cạnh đó, chất lượng của các phương tiện giao thông cũng là vấn đề đáng quan ngại. Hầu hết những loại xe ô tô cũ và xe máy đang lưu hành đều không có bộ kiểm soát khí thải ra môi trường. Các phương tiện giao thông sau một thời gian sử dụng, hệ thống phun xăng sẽ bị hở khiến xăng có nguy cơ dễ bốc cháy cao. Động cơ đốt không hết xăng cũng sẽ sinh ra benzen trong ống xả. Do đó, nhiều phương tiện đã qua nhiều năm sử dụng nên chất lượng kỹ thuật thấp, khiến mức tiêu thụ nhiên liệu và nồng độ chất độc hại trong khí xả cao.
Nhiều người tham gia giao thông tại Việt Nam chưa có thói quen bảo dưỡng phương tiện định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Với mật độ các loại phương tiện giao thông cao, chất lượng các loại phương tiện giao thông kém và hệ thống đường giao thông chưa tốt khiến cho thải lượng ô nhiễm không khí từ giao thông vận tải đang có xu hướng gia tăng.
Làm thế nào để 'bầu trời xanh' trở lại?
"Làm thế nào để “bầu trời xanh” trở lại là trăn trở và trách nhiệm của nhiều người", Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam nói và đặt câu hỏi: "Liệu có thể có không khí trong lành khi nhiều cơ sở sản xuất coi thường pháp luật, liên tục nhả khói bụi?.
"PM2.5 liệu có giảm khi số lượng xe máy (6 triệu xe máy ở Hà Nội, 8 triệu ở TP.HCM), xe ô tô (hàng triệu ô tô tại Hà Nội và TP.HCM) sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngày càng tăng trong thành phố?".
Từ băn khoăn trên, ông Tùng cho rằng, chuyển đổi xanh là con đường tất yếu phải đi để bảo vệ môi trường sống của chúng ta. Tại Việt Nam, Chính phủ rất quyết tâm chuyển đổi xanh trong giao thông vận tải. Tại Quyết định số 876 Thủ tướng đã ban hành Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải.
Mục tiêu là đến năm 2040, Việt Nam từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch sử dụng trong nước. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm cả xe cá nhân và xe vận tải công cộng, xe chuyên dụng chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, bên cạnh việc mở rộng hệ thống giao thông công cộng, trồng cây xanh, các tuyến đường sắt trên cao thì việc chuyển sang các phương tiện chạy điện, không dùng những nhiên liệu hóa thạch nữa là hướng đi rất đúng đắn, phải đi chứ không còn cách nào khác, nếu không ô nhiễm sẽ lại tiếp tục.
Bình luận