• Zalo

'Không hiểu biết vẫn bảo tồn di sản thì rất dễ thành phá hoại'

Sao ViệtThứ Năm, 24/11/2022 08:01:08 +07:00Google News
(VTC News) -

"Ở nhiều nơi, việc bảo tồn giá trị văn hóa lại theo tâm lý riêng, sở thích cá nhân, vì doanh nhân đó thích như thế", Giáo sư sử học Lê Văn Lan nói.

Các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng nguồn lực từ doanh nhân, doanh nghiệp đã góp công lớn trong việc bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa. Tuy nhiên việc bảo tồn còn cần sự hiểu biết, cần nghiên cứu và cái tâm trong sáng của các doanh nhân, doanh nghiệp.

Không thể bảo tồn nếu thiếu hiểu biết

Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mỗi năm cộng đồng doanh nghiệp đã đóng góp vài nghìn tỷ đồng để bảo tồn các di tích, tương đương với ngân sách Nhà nước phân bổ cho công tác này. 

"Nhiều đình, đền, chùa đã được các doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư tôn tạo với kinh phí nhiều hơn cả ngân sách Nhà nước. Đó là những con số khẳng định vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp", ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá phát biểu tại diễn đàn "Doanh nhân, doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa", do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam tổ chức.

'Không hiểu biết vẫn bảo tồn di sản thì rất dễ thành phá hoại' - 1

Một di tích tại Bắc Ninh bị xâm hại trong quá trình trùng tu, bảo tồn vào năm 2021.

Tuy nhiên, ông Trần Đình Thành đề nghị cộng đồng doanh nghiệp khi đầu tư bảo tồn văn hóa thì phải có hiểu biết về di sản, khi đó nguồn lực mà các doanh nhân đầu tư đạt đúng mục tiêu, quan trọng nhất là không làm di sản suy giảm giá trị, giữ gìn tính nguyên gốc và giá trị cốt lõi của di sản. 

"Nếu không hiểu biết mà vẫn đầu tư cho di sản thì vấn đề phá hoại di sản rất dễ xảy ra. Đã đầu tư cho bảo tồn di sản, ngoài tâm huyết của doanh nhân, doanh nghiệp còn cần hiểu biết và cơ sở khoa học. Khi đó chúng ta mới đáp ứng được yêu cầu vừa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa" - ông Trần Đình Thành nhấn mạnh.

Tại diễn đàn, GS. Lê Văn Lan nêu ví dụ về công tác bảo tồn tại 2 di tích ở Ninh Bình và Nam Định, nơi mà nguồn vốn khổng lồ từ các doanh nghiệp đã xâm hại giá trị lâu đời của di tích bằng những lầu gác, đền đài khang trang, hoành tráng. "Đó không phải là bảo tồn, gìn giữ văn hóa” - GS Lê Văn Lan kết luận.

"Đang có vấn đề rất lớn về sự hiểu biết các giá trị đích thực và truyền thống của di sản với những doanh nhân đứng ra để bảo tồn. Nhiều nơi thì việc bảo tồn giá trị văn hóa lại theo tâm lý riêng, sở thích cá nhân, vì doanh nhân đó thích như thế; hay thậm chí để kiếm lời, biến những di tích thành đền đài, kiến trúc khang trang…để làm du lịch và thu tiền". Vì vậy, GS Lê Văn Lan khẳng định các doanh nhân, doanh nghiệp cần có sự hiểu biết, cần nghiên cứu và giữ tâm trong sáng để thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm và mong đợi của ngành văn hóa và của xã hội.

'Không hiểu biết vẫn bảo tồn di sản thì rất dễ thành phá hoại' - 2

Diễn đàn "Doanh nhân, doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa".

Trách nhiệm của doanh nghiệp du lịch

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam lâu nay dựa trên nguồn tài nguyên văn hóa, tuy nhiên trong quá trình khai thác giá trị văn hóa để làm du lịch, nhiều đơn vị chưa chú trọng bảo tồn các giá trị nguyên gốc mà chỉ đơn thuần vì mục đích kinh tế.

"Các doanh nghiệp có nguồn lực tài chính, vì nôn nóng khai thác lợi nhuận đã đầu tư công trình tại các khu di sản văn hóa nhưng lại không chú tâm đến các giá trị; vậy nên vô tình phá vỡ các giá trị, tài nguyên văn hóa và ảnh hưởng đến sự phát triển. Vừa qua chúng tôi có đi thực tế nhiều địa phương cả nước thì có nhiều công trình, nói là bảo tồn nhưng thực chất lại phá vỡ giá trị văn hóa. Đó là thực tế đau buồn", TS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Tại diễn đàn, TS. Nguyễn Anh Tuấn gửi thông điệp tới các doanh nghiệp du lịch: “Doanh nghiệp phải có trách nhiệm trong quá trình khai thác, phát huy giá trị văn hóa để phát triển kinh tế du lịch. Khai thác phải đi cùng với bảo tồn để giữ gìn giá trị, tài nguyên văn hóa cho hiện tại, tương lai và đạt mục tiêu phát triển bền vững".

'Không hiểu biết vẫn bảo tồn di sản thì rất dễ thành phá hoại' - 3

Một góc trưng bày mỹ thuật trên du thuyền Heritage Bình Chuẩn. Nguồn: Heritagecruises

Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group khẳng định doanh nghiệp du lịch phải trân quý di sản vì đây giống như "mỏ kim cương" để Việt Nam nâng tầm, định vị thương hiệu du lịch quốc gia. Doanh nghiệp này đã đưa các giá trị văn hóa Việt Nam để tạo sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch của mình và được du khách đón nhận. Ví dụ như du thuyền Heritage Bình Chuẩn của Lux Group lấy cảm hứng từ câu chuyện "vua tàu thủy" Bạch Thái Bưởi, kết hợp cùng các yếu tố văn hóa, mỹ thuật, ẩm thực, kiến trúc... để người Việt Nam và du khách quốc tế khám phá vùng vịnh tuyệt đẹp trên một con thuyền di sản.

"Du khách rất thích nghe kể chuyện, nhất là chuyện hay. Mong rằng các doanh nghiệp du lịch cố gắng đưa những yếu tố văn hóa, di sản Việt Nam để giới thiệu cho du khách; cùng chung tay lan tỏa các giá trị truyền thống để người Việt Nam và du khách quốc tế cùng trân quý di sản văn hóa Việt Nam", ông Phạm Hà chia sẻ.

Hải Nam(Vov.vn)
Bình luận
vtcnews.vn