Sau nửa tháng đăng thông tin sang nhượng cơ sở mầm non của mình tại huyện Nhà Bè trên mạng xã hội, chị Phương Mai vẫn chưa bán được trường vì bị người mua ép giá.
Cơ sở mầm non của chị Phương Mai mới thành lập từ tháng 6 năm ngoái nhưng hoạt động chưa được bao lâu đã phải đóng cửa do dịch COVID-19. Không còn cách nào khác, chị phải "dứt ruột" rao bán trường dù đã đầu tư gần 700 triệu đồng.
"Lúc đầu mình nghĩ chỉ nghỉ chừng 1, 2 tháng thôi, ai đâu có nghĩ là nghỉ lâu như vậy, ông chủ nhà cũng chỉ giảm 1, 2 tháng tiền thuê chứ đâu giảm mãi được. Họ cũng phải lo cuộc sống của họ nữa. Cực chẳng đã mình phải buông thôi, chứ không biết khi nào hết dịch mà giờ cũng không trụ nổi nữa", chị Phương Mai nghẹn ngào nói.
Theo chị Phương Mai, không riêng gì cơ sở của chị, tại huyện Nhà Bè đã có 4 cơ sở giáo dục mầm non phải giải thể và còn nhiều cơ sở khác đang chờ được sang nhượng.
Hệ thống các cơ sở giáo dục mầm non tư thục là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19. Rất nhiều chủ cơ sở không chịu nổi "nhiệt", không thể trụ được với gánh nặng chi phí mặt bằng, điện, nước… đã phải đóng cửa hoặc sang nhượng.
Chị Trần V. A., chủ cơ sở mầm non Thiên Phúc, phường 7, quận 8 cho biết, sau 6 năm mở trường mầm non chưa bao giờ gặp khó khăn như hiện tại.
2 năm trước chị đầu tư 300 triệu đồng để sửa sang, cải tạo mặt bằng, mua sắm trang thiết bị sau khi chuyển về cơ sở mới rộng rãi hơn. Nhưng dịch bệnh đã làm đảo lộn tất cả, cơ sở của chị nhiều lần phải đóng cửa khiến chị vô cùng khó khăn.
"Dừng hoạt động quá lâu khiến mình sắp không trụ nổi nên đang cần người để cùng hợp tác. Thực sự thì mình cũng không nỡ buông xuôi vì còn tâm huyết với nghề, vả lại đây là đứa con tinh thần của mình, dù nó có ốm đau, què quặt thế nào mình cũng không bỏ được", Chị V.A. nói.
Theo chị V. A., hiện cơ sở vật chất bị xuống cấp, tiền thuê mặt bằng mặc dù chủ nhà đã giảm giá nhưng vẫn là gánh nặng hàng tháng.
"Mình vẫn hỗ trợ cho các giáo viên mất việc mỗi người vài trăm ngàn/tháng. Tuy ít ỏi nhưng giúp các cô có thêm phần nào vì hiện nay nhiều cô đang rất khó khăn, có cô giáo của trường phải chạy bàn cà phê, có người thì theo chồng buôn bán qua ngày mưu sinh, rất tội nghiệp", chị V. A. tâm sự.
Theo chị A., nếu thành phố cho mở cửa lại giáo dục mầm non thì phụ huynh cũng không dám đưa con em đến lớp vì còn lo sợ dịch bệnh. Mặt khác, nhiều lao động nhập cư tại thành phố đã trở về quê nên có mở cửa cũng sẽ còn rất ít trẻ đến lớp.
Hiện nay, trên các hội nhóm Facebook có tên "Sang nhượng trường mầm non", "Sang nhượng trường mầm non tại TP.HCM"... nhiều chủ cơ sở rao bán trường với nhiều ưu đãi. Hầu hết lý do phải bán trường vì dịch bệnh không thể trụ nổi.
Tài khoản có tên Minh Ngọc chia sẻ: "Mùa dịch khó khăn quá, không lo nổi nữa nên sang trường... Thuận lợi: Trường mới hoàn toàn 100%, giấy phép đầy đủ, lượng học trò rất tiềm năng. Đường lớn và gần khu dân cư đông đúc... Chủ trường sẽ hỗ trợ miễn phí 1 tháng sau dịch để công việc ổn định".
Hay tài khoản Nguyễn Phương Ngọc cho biết: "Do dịch không hoạt động, không có chi phí đóng lãi ngân hàng nên muốn sang lại cơ sở giữ trẻ cho ai cần. May mắn dịch chủ nhà không lấy tiền mặt bằng từ tháng 5 đến giờ. Giá Sang 200 triệu bao gồm 50 triệu tiền cọc nhà. Giá thương lượng.
Nhóm mới mở hồi tháng 4/2021 hợp đồng được 1 tháng. Đã có giấy phép hoạt động. Mong muốn sang nhượng cho chủ mới yêu nghề, tâm huyết với nghề và thiện chí".
Theo chia sẻ của nhiều chủ cơ sở mầm non tư thục, phải mất rất nhiều thời gian, tâm huyết, tiền bạc mới gây dựng được một cơ sở nhưng dịch COVID-19 đã làm đảo lộn mọi thứ. Các cơ sở liên tục phải đóng cửa nhiều tháng mà chưa hẹn ngày được hoạt động trở lại. Điều này khiến các chủ cơ sở mầm non phải gồng gánh lo tiền mặt bằng, tiền lãi ngân hàng… Một số chọn giải pháp sang nhượng hoặc bỏ ngang.
Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM, đến nay đã có khoảng 12.341 nhân viên ngành giáo dục bị mất việc, trong đó ảnh hưởng nhiều nhất là bậc mầm non với 10.129 nhân sự, chiếm 82,08%. Năm học này, TP.HCM có 920 trường mầm non ngoài công lập với 16.260 giáo viên cùng 183.458 trẻ. Trong đó, có khoảng 151 cơ sở giáo dục mầm non tư thục giải thể dưới tác động của dịch COVID-19.
Bình luận