Sáng 20/11, tại tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tê - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng.
Cùng dự có Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh; các ủy viên trung ương, lãnh đạo các ban bộ ngành trung ương và địa phương, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư, đối tác phát triển trong nước và nước ngoài. Chương trình do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
Hội nghị nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên. Cùng với đó là các hoạt động triển lãm, quảng bá hình ảnh, vùng đất văn hóa, con người và giới thiệu nông sản của Vùng; công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị; xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên.
Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, là vùng "phên dậu phía Tây của Tổ quốc"; nằm ở ngã ba biên giới Việt - Lào - Campuchia, tiếp giáp các vùng Duyên hải Trung Bộ, Đông Nam Bộ; có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.
Qua hơn 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW Vùng đạt được một số kết quả nổi bật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng khá nhanh, bình quân giai đoạn 2002-2020 là 7,98%, cao nhất trong 6 vùng của cả nước.
Tuy nhiên, vùng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức như phát triển kinh tế chưa ổn định, bền vững; Quy mô GRDP, năng suất lao động thấp nhất trong 6 vùng của cả nước. Cơ cấu nội ngành và giữa các ngành chuyển dịch chậm. Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa được chú trọng đúng mức.
Để phù hợp với sự phát triển đất nước trong tình hình mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23 ngày 06/10/2022 về phương hướng phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là Nghị quyết rất quan trọng, cần thiết và cũng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên.
Ngay sau đó, Chính phủ đã có Nghị quyết số 152/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị với nhiều tiêu chí cụ thể và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến tham luận sâu sắc, khách quan, trách nhiệm, tâm huyết và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp phù hợp, sát thực tiễn và khả thi; qua đó thể hiện sự quyết tâm, đồng thuận cao để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững vùng Tây Nguyên, góp phần đưa Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị vào thực tiễn đời sống, xã hội.
Đặc biệt, về lĩnh vực Giao thông vận tải, nông nghiệp và văn hóa, thể thao và du lịch, lãnh đạo các bộ này nêu ý kiến.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn nói: "Đường địa phương thì phát triển chậm, chất lượng xấu. Việc đi lại vùng sâu, vùng xa có nhiều khó khăn, đặc biệt là mưa lũ, địa hình đồi núi bị chia cắt, kết nối mạng lưới giao thông với địa phương và các quốc gia cửa khẩu còn rất hạn chế, chưa được đồng bộ về cấp hạng đường, chưa phát huy được lợi thế của vùng.
Chúng tôi cũng kiến nghị phải đổi mới tư duy tầm nhìn trong lĩnh vực quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch giao thông, phát huy sự năng động sáng tạo của các địa phương trong quy hoạch các địa phương. Chúng tôi rất mong các đồng chí sớm hoàn thành quy hoạch tỉnh, Trung ương cũng sớm có quy hoạch vùng để chúng tôi trên cơ sở đó triển khai các dự án thuận lợi hơn. Trong quy hoạch, đặc biệt quan tâm đến tính liên kết vùng, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng và lựa chọn các tuyến cao tốc ngắn nhất, đảm bảo cảnh quan để tạo thêm không gian động lực mới cho sự phát triển".
Theo Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thông Phùng Đức Tiến: "Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản gắn với chỉ dẫn địa lý. Quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tận dụng tối đa lợi thế sân nhà của thị trường rất lớn với quy mô gần 100 triệu dân.
Đối với thị trường xuất khẩu, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu hướng tới các sản phẩm nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch với sản lượng lớn, chất lượng cao, có thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Về tổ chức sản xuất, cần tiếp tục có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm nông sản. Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp định hướng quy mô vùng trồng, vật nuôi. Thúc đẩy liên kết sản xuất, hình thành các chuỗi nông sản tự chủ từ nuôi trồng đến tiêu thụ, tiếp tục hỗ trợ các địa phương, cá nhân, đơn vị xây dựng công nhận sản phẩm OCOP".
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng: "Du lịch các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng còn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng du lịch vốn có, tốc độ tăng trưởng kinh tế từ du lịch còn ở mức độ thấp.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của từng tỉnh trong khu vực. Trong đó, cần xây dựng một khung pháp lý cần thiết để chúng ta quản lý các loại hình du lịch sinh thái và cộng đồng gắn với việc bảo vệ quyền lợi cho các thành phần dân tộc ở Tây Nguyên khi tham gia các chương trình.
Cần tạo môi trường đầu tư một cách thông thoáng để thu hút nguồn đầu tư phát triển du lịch nói chung khu du lịch sinh thái du lịch cộng đồng nói riêng; cần quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa các điểm du lịch, đặc biệt đó là giao thông tiếp cận đến các vườn quốc gia đến các khu bảo tồn thiên nhiên, đến các khu vực vùng đồng bào dân tộc. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp làm du lịch cũng như là hình thành các tour du lịch trải nghiệm để thu hút đông đảo du khách".
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu thảo luận, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phân tích tiềm năng thế mạnh cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và những tồn tại hạn chế của Vùng. Đồng thời chỉ rõ mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu chương trình hành động của Chính phủ đề ra một số chỉ tiêu cụ thể như tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7 - 7,5%; Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng, tương đương 5.000 USD. Tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 37,2 - 40,7%; tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 85%.
Để thực hiện được mục tiêu đó thủ tướng đã chỉ rõ quan điểm chỉ đạo nhiệm vụ giải pháp, theo đó Thủ tướng yêu cầu: "Như trong tinh thần chung của Nghị quyết lần này, tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của phát triển kinh tế xã hội để góp phần quan trọng quyết định vào ổn định trật tự an toàn xã hội của Tây Nguyên để phát triển.
Phải tự lực tự cường đi lên từ bàn tay khối óc khung trời mảnh đất của mình. Lấy nguồn lực bên trong là cơ bản chiến lược lâu dài và quyết định nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm làm chủ thể là mục tiêu là động lực là nguồn lực cho sự phát triển; phải có cách tiếp cận toàn cầu toàn diện toàn dân để đối phó với các thách thức mang tính toàn cầu, mang tính toàn dân phải phát triển đột phá bao trùm toàn diện nhưng mà lại phải bền vững và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo an sinh xã hội mà không đề ai bị bỏ lại phía sau. Chúng ta phải tích cực đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng thì chúng ta mới đủ khả năng để chúng ta phát triển".
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng chương trình hành động thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị; hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù trình Chính phủ để cho làm thí điểm; thực hiện xây dựng quy hoạch với tầm nhìn chiến lược và tư duy đột phá; xây dựng hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng y tế, giáo dục, trong đó xây dựng các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt kiết nối Đông - Tây; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển các trường Đại học, trường dạy nghề, trong đó có phát triển trường Đại học Y, các trường đào tạo cán bộ quản lý; tập trung phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế rừng; phát triển công nghiệp chế biến gắn với kinh tế nông nghiệp; phát triển văn hóa gắn với du lịch; huy động các nguồn lực vào đầu tư, trong đó có hợp tác giữa Trung ương và địa phương, hợp tác công tư và thu hút đầu tư nước ngoài; xây dựng thương hiệu mạnh cho các sản phẩm của Tây Nguyên.
Về xúc tiến đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng phải dựa vào quy hoạch, dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Tây Nguyên và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Do đó, các địa phương phải sớm hoàn thiện và ổn định cơ chế chính sách thu hút đầu tư phù hợp, sát thực tiễn, mang tính khả thi, mang lại hiệu quả.
Đối với các doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác phát triển tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần hợp tác cùng có lợi, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng.
Theo đó, xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác; nghiêm túc tuân thủ luật pháp; thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, nói không với tiêu cực; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp...
"Không đánh đổi môi trường, an sinh xã hội lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư vào Tây Nguyên "đã nói rồi thì phải làm; đã hứa, cam kết thì phải thực hiện; đã thực hiện phải có hiệu quả; trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn và đề nghị các doanh nghiệp, đối tác phát triển, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục chung tay, đồng hành cùng Chính phủ, các địa phương; tích cực tham gia thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; khai thác, tận dụng cơ hội để phát triển, tham gia sâu vào những ngành kinh tế được xác định là trọng tâm, ưu tiên.
Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu các địa phương hoàn thiện quy hoạch; thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh thực hiện 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia; thực hiện tăng thu, tiết kiệm chi, trong đó tiếp tục cắt giảm 10% chi tiêu; hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững.
Đặc biệt, các địa phương phải tăng cường thực hiện tiêm vaccine phòng, chống dịch COVID-19 bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân; tiếp tục thực hiện các giải pháp góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung cho các động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu...; tăng cường thông tin, quảng bá về vùng đất, con người, văn hóa, lịch sử, tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh Tây Nguyên, góp phần tích cực thúc đẩy du lịch, thu hút đầu tư cho vùng.
Bình luận