Hiệp hội Vận tải Hà Nội mới đây đã đề xuất Sở Tài chính thiết lập cơ chế trợ giá vé cho các đơn vị vận tải khu vực Hà Nội, trong thời gian tăng cường vận tải dịp cao điểm.
Cụ thể, đối với những tuyến vận tải từ 150km trở lên, Hiệp hội đề xuất được trợ giá với mức 30% giá vé. Đối với tuyến từ 300 km trở lên được hỗ trợ giá bằng 40% giá vé. Thời điểm áp dụng cơ chế trợ giá tính từ trước ngày nghỉ chính thức 3 ngày và sau ngày nghỉ 4 ngày. Đồng thời miễn thu trợ giá với người có thẻ thương binh và người khuyết tật.
Tuy nhiên, đề xuất này đã không nhận được sự đồng tình của Bộ Tài chính. Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, chủ trương của Bộ Tài chính là không đưa giá cước vận tải vào diện bình ổn giá, trợ giá.
Ảnh minh họa. |
Bộ Tài chính cũng cho biết, giá xăng dầu đang giảm rất mạnh và với lần giảm gần 2.000 đồng/lít ngày 21.1 vừa qua, giá cước vận tải sẽ còn phải tính toán để giảm giá nữa. Do vậy, không có lý do gì để phải trợ giá cho các doanh nghiệp vận tải.
Lĩnh vực vận tải hiện nay đã khá cạnh tranh nhưng vẫn cần phải có các giải pháp quyết liệt để kiểm tra, kiểm soát giá cước vận tải giảm phù hợp. Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, sẽ siết chặt hoạt động vận tải, kiểm soát chặt chẽ cước phí theo hướng không làm khó doanh nghiệp nhưng bảo đảm công bằng, minh bạch để quyền lợi người tiêu dùng cũng không bị ảnh hưởng.
Được biết, Hiệp hội vận tải đề xuất với Sở Tài chính chỉ xem xét trợ giá cho những doanh nghiệp đã giảm giá cước vận tải phù hợp với mức giảm giá xăng dầu, còn với những đơn vị không giảm cước sẽ không nằm trong diện được trợ giá.
Hiệp hội này còn cho rằng, thực chất của việc trợ giá chính là bảo vệ người dân. Nếu không trợ giá, các doanh nghiệp lại không được tăng giá cước trong dịp nghỉ Tết sẽ dẫn đến tâm lý ngại huy động xe để giải tỏa khách những ngày cao điểm. Bên cạnh đó, trợ giá tạo sự công khai, minh bạch, nếu không rất dễ xảy ra tình trạng nhà xe bắt khách dọc đường và tự ý tăng giá vé khi khách đã lên xe.
Theo Dân Việt
Bình luận