Tử cung nhân tạo là gì?
Tử cung nhân tạo là một công nghệ đang được phát triển và vượt bậc hơn thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Đứa trẻ sẽ được nuôi lớn trong những lồng ấp bên ngoài cơ thể người mẹ, con người chỉ cần đưa noãn bào và tinh trùng vào trong lồng ấp để tạo ra một đứa trẻ mới.
Những nhà nghiên cứu của trường đại học Eindhoven đã thành công phát triển nguyên mẫu tử cung nhân tạo, qua đó giúp cứu sống trẻ sinh thiếu tháng và có khả năng giúp phụ nữ khỏi mang nặng đẻ đau sau này. Lợi thế mà công nghệ này mang lại là người mẹ không cần phải mang nặng đẻ đau đứa con 9 tháng 10 ngày nữa, không còn chịu ốm nghén, thai sản để sinh ra đứa con.
Nguyên mẫu này được xây dựng bởi các nhà nghiên cứu thuộc đại học công nghệ Eindhoven khi xây dựng một môi trường nhân tạo như tử cung người, bao bọc các em bé bằng chất lỏng rồi bơm oxy và dinh dưỡng qua đường rốn.
Dạ con này mô phỏng hoàn toàn dạ con trong bụng mẹ. Khi chúng ta đặt phổi trở lại môi trường nước để chúng tiếp tục phát triển, chúng có thể phát triển toàn diện trong khi trẻ sẽ nhận được oxy từ dây rốn như trong dạ con của mẹ.
Nhóm nghiên cứu của trường Eindhoven cho biết nguyên mẫu của họ không đơn giản là một chiếc túi sinh học bằng nhựa, mà được mô phỏng dựa trên dạ con thật của phụ nữ và có cả âm thanh tiếng tim đập của mẹ.
Những tranh cãi xoay quanh tử cung nhân tạo
Công nghệ tử cung nhân tạo không phải điều gì mới mẻ. Viện Karolinska tại Thụy Điển đã đăng tải bài nghiên cứu vào năm 1958 về sử dụng tử cung nhân tạo. Một số nhóm nghiên cứu tại Canada đã thực hiện thí nghiệm trên cừu non vào đầu thập niên 1960 và Nhật Bản cũng đã thực nghiệm vào năm 1963.
Trong khi một số ủng hộ công nghệ này vì chúng cứu sống được trẻ sinh non và có thể giúp phụ nữ bớt đau đẻ, nhưng nhiều người lại cho rằng hành động này phá hoại kết cấu xã hội loài người và đi ngược quy luật tự nhiên.
"Mối đe dọa lớn nhất từ kỹ thuật này không phải đến từ những bà mẹ không đủ sức khỏe mang thai mà đến từ những phụ nữ không muốn sinh con. Nếu tử cung nhân tạo được phát triển thì chúng có khả năng kích thích nạn phá thai bởi những bào thai này sẽ được ấp trong lồng nhân tạo và nhận nuôi", tiến sĩ Anna Smajdor của trường đại học Oslo - Thụy Điển cảnh báo.
Từ bây giờ cho đến khi công nghệ tử cung nhân tạo được hoàn thiện, các nhà khoa học, đạo đức học và cả các nhà lập pháp sẽ phải tranh luận rất kịch liệt để giải quyết một loạt các câu hỏi:
Liệu tử cung nhân tạo có thể làm thay vai trò mang thai của người mẹ được hay không? Liệu nó có giúp phụ nữ đạt tới sự bình đẳng tuyệt đối so với đàn ông, hay ngược lại, khiến vai trò của họ trong xã hội bị lung lay?
Điều gì sẽ xảy ra với một đứa trẻ sinh ra từ một cỗ máy chứ không phải một người mẹ? Liệu con người có phải đối mặt với những tương lai như Brave New World hay Matrix? Công nghệ tử cung nhân tạo có ảnh hưởng đến sự tiến hóa của loài người hay không?
Hơn 40 năm về trước, chúng ta cũng đã từng phải đặt những câu hỏi tương tự với thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Từ đó đến giờ, hơn 5 triệu đứa trẻ đã được ra đời bằng công nghệ sinh sản này.
Vậy điều gì có thể xảy ra vào 40 năm nữa? Biết đâu chúng ta sẽ có 5 triệu đứa trẻ được sinh ra bên ngoài cơ thể những người phụ nữ vào những thập niên 60 và 70 của thế kỷ này?
Không thể đoán trước được điều gì sẽ diễn ra ở một xã hội như vậy, nhưng chắc chắn, chúng ta sẽ phải chuẩn bị trước cho rất nhiều xáo trộn sẽ xảy ra trong thời đại đó, nếu như có những đứa trẻ không còn sinh ra từ bụng mẹ như giả thiết từ những nghiên cứu này.
Bình luận