Những người phải điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đều rất nặng, đồng nghĩa với chi phí điều trị không hề nhỏ, nhất là bệnh nhân nghèo không có bảo hiểm y tế. Nhiều người bán cả nhà cũng không đủ tiền chữa bệnh. Bệnh nhân Nguyễn Thị Bàn 50 tuổi là một trong số rất nhiều câu chuyện khiến các bác sĩ ở đây trăn trở.
Ông Nguyễn Quang Sức, chồng bệnh nhân cho biết, sau trận cảm cúm ngày 29/4, vợ ông bắt đầu có biểu hiện tê bì chân tay, yếu 2 chân sau đó lan lên tay, rất nhanh sau đó không thể vận động hay đi lại được, khó thở.
Đến Bệnh viện Bạch Mai, bà Bàn được điều trị tại khoa Thần kinh từ ngày 1/5, 4 ngày sau chuyển lên khoa Hồi sức tích cực. Tại đây, bà được chẩn đoán mắc hội chứng Guillain Barre hay viêm đa rễ thần kinh gây liệt cơ hô hấp.
Guillain Barre là một rối loạn tương đối hiếm gặp (tỷ lệ 1 trên 100.000 người), ở Việt Nam những năm gần đây bệnh xuất hiện với tần suất lớn hơn. Triệu chứng đầu tiên thường là yếu và tê ở tứ chi. Những cảm giác này có thể nhanh chóng lây lan, cuối cùng làm tê liệt toàn bộ cơ thể và đặc biệt là cơ hô hấp khiến bệnh nhân suy hô hấp nhanh chóng nếu không được điều trị, hỗ trợ kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Quỳnh Phương, khoa Hồi sức tích cực cho biết, từ ngày 5/5 bệnh nhân đã được thay huyết tương 6 lần để loại bỏ kháng thể trong máu gây tổn hại rễ thần kinh, đặt nội khí quản thở máy và hồi sức tích cực. Hiện giờ, bà Bàn đã có thể nhấc cổ và đầu, xoay được chân tay.
Tuy nhiên tối thiểu bệnh nhân cần thay huyết tương 6-10 lần nữa (tùy thuộc vào đáp ứng) với chi phí khoảng 15-20 triệu đồng một lần.
“Giá như cô ấy có bảo hiểm y tế thì gia đình tôi đâu đến nông nỗi này. Số tiền vay mượn như muối bỏ bể, những gì được coi là giá trị trong nhà tôi cũng đã bán cả", chồng bệnh nhân tần ngần nói khi biết chi phi điều trị ban đầu cho vợ đã lên tới 300 triệu đồng. Là gia đình làm ruộng, chủ yếu trông cậy vào cây lúa, vợ nằm viện, ông Sức không biết trông cậy vào đâu.
Theo giáo sư tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, tại khoa thường xuyên có hàng chục bệnh nhân thập tử nhất sinh, bệnh rất nặng thường do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tổn thương tim phổi, suy gan cấp...
Nhiều trường hợp phải tiến hành lọc máu, dùng kháng sinh đặc trị, có khi sử dụng cả kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO). Trung bình mỗi ngày chi phí điều trị lên tới vài, ba chục triệu đồng là bình thường. Có thai phụ mắc cúm A/H1N1 bị suy hô hấp viêm phổi, phải điều trị cách ly, chi phí mỗi ngày lên đến 50 triệu đồng.
Ước tính tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai hiện có khoảng 25% bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế. Rất nhiều bệnh nhân ở ranh giới giữa nghèo và cận nghèo, gia đình không có tiền tích lũy, chỉ cần một người ốm nặng khiến cả nhà lâm vào tình trạng khó khăn. Không ít gia đình phải cầm cố nhà cửa, thậm chí bước đường cùng xin cho người thân về nhà để chết vì không thể lo nổi số tiền hàng trăm triệu để chữa bệnh.
“Việt Nam có tỷ lệ đóng bảo hiểm y tế rất thấp trong khi mức số tiền đóng bảo hiểm với nhiều người có khi chỉ hơn một bữa nhậu. Chỉ đến khi bệnh mới thấy tầm quan trọng của bảo hiểm y tế", thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai nói.
Ít nhất người bệnh được bảo hiểm chi trả 80% chi phí, phần nào giảm bớt gánh nặng kinh tế nếu phải nằm viện điều trị. Đặc biệt đối với những ca bệnh nặng, phải cấp cứu hồi sức, kinh phí có thể lên tới hàng trăm triệu, lúc ấy mới thấy giá trị của tấm thẻ bảo hiểm y tế.
Video: Trục lợi bảo hiểm y tế - Những con số không tưởng
Không đành lòng để bệnh nhân phải chết vì không có tiền điều trị, các y bác sĩ nhiều lần phải kêu gọi các cá nhân, tổ chức ủng hộ. Sau gần 2 năm, phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bạch Mai đã kêu gọi cộng đồng trợ giúp cho gần 40 bệnh nhân bị bệnh nặng có hoàn cảnh khó khăn, vì không có bảo hiểm y tế nên không lo được viện phí, với tổng số tiền hỗ trợ lên đến gần 2 tỷ đồng.
Trong số những bệnh nhân phải nhờ cộng đồng giúp này có cả những người ở Hà Nội, sinh viên... Có trường hợp chồng bệnh nhân phải cầm cố nhà ở Thanh Oai, Hà Nội, cũng không đủ tiền điều trị cho vợ.
"Hãy dành cơ hội được cộng đồng giúp đỡ cho những người thực sự không đủ điều kiện tham gia bảo hiểm y tế. Tham gia bảo hiểm y tế là 'cứu cánh' cho người bệnh, dù có thể lúc khỏe mạnh cả năm bạn không dùng đến nó", bác sĩ Phạm Thị Bích Mận, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.
Bình luận