Ngày 8/1, bà Pelosi tung ra một thông báo gây ngạc nhiên, khi bà cho biết đã đề nghị Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, tướng Mark A. Milley, giữ tổng thống tránh xa mã hạt nhân.
"Tình trạng của vị tổng thống thiếu ổn định này không thể nguy hiểm hơn nữa. Chúng ta phải làm tất cả để bảo vệ người Mỹ khỏi cuộc tấn công vào đất nước và nền dân chủ", Washington Post ngày 8/1 dẫn lá thư của bà Pelosi gửi các nghị sĩ đồng nghiệp.
Một người phát ngôn của tướng Milley cho biết bà Pelosi là người chủ động thực hiện cuộc gọi, và vị tướng "đã phản hồi các thắc mắc của bà chủ tịch về quy trình của thẩm quyền chỉ đạo (tấn công) hạt nhân".
Người này không cung cấp thêm thông tin về cuộc gọi.
Theo Foreign Policy, về mặt pháp lý, cả chủ tịch Hạ viện - người đứng thứ 2 trong danh sách kế vị tổng thống - và chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đều không nằm trong nhóm có quyền ra quyết định phát động tấn công hạt nhân.
Thẩm quyền ra lệnh hoàn toàn thuộc về tổng thống Mỹ. Ông Trump cần phải phối hợp với bộ trưởng Quốc phòng nếu muốn phát động tấn công.
Mỗi tổng thống khi bước vào Nhà Trắng sẽ nhận một chiếc thẻ nhựa, còn gọi là “bánh quy” cùng với vali hạt nhân.
Chiếc thẻ dùng để xác nhận danh tính tổng tư lệnh quân đội và mật mã để khởi động vũ khí chiến lược, thông qua vali hạt nhân, từ bất kỳ nơi đâu.
Điều đó cho phép tổng tư lệnh nhanh chóng ra lệnh tấn công hạt nhân, được xác nhận bằng thẻ nhận dạng do Nhà Trắng quản lý, xác nhận với các quan chức Lầu Năm Góc tính hợp pháp của lệnh tấn công.
Ông Trump có toàn quyền phát động tấn côngNhững quan chức như chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng và chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược, đơn vị giám sát kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, có trách nhiệm truyền lệnh tới bộ phận vận hành vũ khí và tư vấn cho tổng thống về cuộc tấn công.
Ông Trump không cần một sự đồng ý từ quốc hội hay quân đội để ra lệnh tấn công.
Khi trả lời báo chí đầu tuần này về việc có chấp hành mệnh lệnh từ ông Trump để tấn công hạt nhân nhằm vào Iran hay không, Đô đốc Charles Richard - chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ - nói: "Tôi sẽ tuân thủ bất kỳ mệnh lệnh hợp pháp nào được ban hành".
Các chuyên gia thừa nhận không có cách nào thách thức thẩm quyền của tổng thống trong việc phát động tấn công hạt nhân.
"Nếu bạn cho rằng điều này là điên rồ, tôi đồng ý với bạn. Nhưng những người được ông Biden bổ nhiệm vào các chức vụ an ninh quốc gia sắp tới thì sẽ không như vậy", Jeffrey Lewis, chuyên gia về giải trừ hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury nói.
Ông Lewis nói tổng thống chỉ có 8 phút để quyết định có ra lệnh tấn công hay không. Tuy nhiên, các kế hoạch tấn công hạt nhân do Lầu Năm Góc xây dựng cũng cho phép tổng thống trì hoãn tấn công, hoặc phản công.
Các tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất sẽ được phóng đi trong 2 phút ngay sau mệnh lệnh của ông Trump. Những tên lửa phóng từ tàu ngầm thì mất thời gian nhiều hơn, trong 15 phút.
Hồi tháng 11/2020, New York Times cho biết ông Trump từng muốn tấn công hạt nhân nhằm vào Iran, không lâu sau khi ông thất cử.
Ý tưởng này cuối cùng cũng bị dập tắt sau một hồi khuyên giải của các cố vấn thân tín.
Tuy nhiên, lo ngại mới đây của bà Pelosi xuất phát từ việc tổng thống tỏ ra ngày càng mất kiểm soát, đặc biệt trong vụ ông kích động đám đông gây ra vụ chiếm đóng tòa nhà quốc hội.
Từ đó, chủ tịch Hạ viện đề nghị phó tổng thống và nội các kích hoạt Tu chính án thứ 25 để tước quyền của ông Trump, với lý do tinh thần không ổn định để đảm đương chức trách.
Năm 2017, phe Dân chủ soạn thảo một dự luật buộc tổng thống cần phải nhận được tuyên bố chiến tranh từ quốc hội trước khi phát động tấn công hạt nhân. Dự luật không được sự đồng thuận lưỡng đảng, và nó không được thông qua.
Tướng không quân về hưu Robert Kehler, người từng là chỉ huy ở Bộ Tư lệnh Chiến lược, tỏ ra khó xử khi được các nghị sĩ hỏi về cảm giác giả định nếu tiếp nhận một lệnh tấn công không chính đáng.
"Tôi không biết chính xác (câu trả lời). Nhưng may mắn là chúng tôi chưa bao giờ trải qua. Tất cả chỉ là những kịch bản giả định", tướng Kehler nói.
Bình luận