• Zalo

'Khôn ngoan thì không 'hét' giá vé show Khánh Ly'

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 02/10/2012 11:05:00 +07:00Google News

(VTC News)- Theo Nguyệt Ca lần trở về này của Khánh Ly là cơ hội của cả ca sĩ và khán giả. Cô cũng cho rằng, việc bán vé đắt show diễn không phải là khôn ngoan.

(VTC News) – Theo Nguyệt Ca thì lần trở về này của Khánh Ly là cơ hội của cả ca sĩ lẫn khán giả. Bên cạnh đó, cô cũng nhấn mạnh, việc bán vé đắt trong show Khánh Ly không phải là cách tính khôn ngoan của nhà tổ chức.

Khánh Ly về nước hát là tin khiến bao nhiêu trái tim người yêu nhạc Trịnh rung động, trong đó, gia đình của Trịnh Công Sơn cho biết cũng mong mỏi điều này từ lâu. Giọng hát đóng đính với Trịnh ca trở lại thổi lên những tình yêu vốn thầm kín nhưng âm ỉ của những người yêu thứ âm nhạc mê hoặc này.

Nhân sự kiện này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng với Nguyệt Ca, người đã từng hơn 10 năm điều hành box nhạc Trịnh trên diễn đàn Trái tim Việt Nam (TTVNOL), đã từng gắn bó mật thiết với cộng đồng yêu nhạc Trịnh và đã từng ra mắt những album chung và riêng với những ca khúc của nhạc sĩ nổi danh này.

Nguyệt Ca, người đã đồng hành cùng cộng đồng yêu nhạc Trịnh hơn 10 năm. 

- Với một người nhiều năm gắn bó với nhạc Trịnh và những hoạt động của những người yêu nhạc của ông, sự kiện Khánh Ly được cấp phép và về nước biểu diễn, có ý nghĩa thế nào đối với những người như chị?

Không cần phải là một người gắn bó với nhạc Trịnh 10 năm như Nguyệt Ca cũng quá háo hức với sự kiện được mong chờ hàng chục năm nay này rồi. Với những người đam mê nhạc Trịnh thì Khánh Ly không phải chỉ là một ca sĩ, mà giống như một người thổi hồn, truyền lửa cho âm nhạc Trịnh Công Sơn tới với tâm hồn người nghe.

Bao nhiêu năm qua những người yêu nhạc Trịnh chỉ được truyền lửa qua băng, đĩa thì bây giờ được nghe trực tiếp, hẳn sẽ thấy ngọn lửa của tình yêu nhạc Trịnh mạnh mẽ hơn rất nhiều. Còn với bản thân Nguyệt Ca, là người 10 năm nay điều hành cộng đồng yêu nhạc Trịnh, là thế hệ “tiếp lửa” thì lại càng trân trọng cơ hội hiếm có này.

- Trong nhiều năm qua, với những hoạt động mà chị đã từng làm, chị có thấy Khánh Ly vẫn giữ vị trí độc tôn trong lòng những người yêu Trịnh?

Đã có quá nhiều ca sĩ thử sức với dòng nhạc Trịnh. Có cả những ca sĩ tuyên bố “chỉ hát nhạc Trịnh” và cũng để lại nhiều dấu ấn như Trịnh Vĩnh Trinh, Thái Hòa và ca sĩ Hồng Nhung một thời, nhưng hỏi bất kì người yêu nhạc Trịnh thực sự nào, thì vị trí số một vẫn là Khánh Ly.

Vị trí này không thể thay thế được. Chỉ có Khánh Ly mới có thể hát hay gần như tất cả các ca khúc Trịnh, các ca sĩ khác chỉ ghi dấu ở một số bài cụ thể.

NÓNG THÔNG TIN CUỘC TRỞ VỀ CỦA KHÁNH LY, BẰNG KIỀU

- Bản thân chị, có thích cách hát của Khánh Ly không? Vì sao?

Tôi yêu giọng hát của cô Mai, nhưng nói một cách công bằng, không phải lúc nào tôi cũng nghe cô Mai hát Trịnh, vì đôi khi chất liêu trai của giọng hát cô có đôi chút ám ảnh, ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của tôi trong ngày.

Tôi thường tìm đến giọng hát Khánh Ly vào ban đêm,  khi tâm hồn cảm thấy cô đơn, trống trải, cần sự đồng cảm, sẻ chia khoắc khoải. Ban ngày, hoặc những khi vui, tôi thích nghe Trịnh Vĩnh Trinh hoặc Thái Hòa hơn, hoặc thậm chí… nghe chính mình hát chẳng hạn.

- Trước khi Khánh Ly về nước, bản thân những người như chị, có tìm cách liên lạc hay tìm hiểu về danh ca này?

Trong 10 năm điều hành cộng đồng yêu nhạc Trịnh, tôi và các bạn đều thống nhất với nhau tôn chỉ: yêu nhạc Trịnh chứ không phải yêu Trịnh, tức là hãy yêu giai điệu, ca từ của những ca khúc ông sáng tác, chứ đừng gắn nó với con người, tính cách, tiểu sử ông. Khánh Ly cũng là một phần đậm nét trong tiểu sử Trịnh Công Sơn.

Chúng tôi đọc, để biết, chứ không lấy đó làm thước đó đánh giá để thêm yêu hay ghét ông và âm nhạc của ông. Còn thông qua những người có cơ hội đi nhiều, biểu diễn nhiều, có quan hệ thân thiết với gia đình Trịnh Công Sơn như anh Thái Hòa, cô Vĩnh Trinh… tôi vẫn thường được cập nhật tình hình của cô Mai, biết cô vẫn khỏe mạnh, say mê ca hát…

Nguyệt Ca với mini show "Ca khúc jazz vàng" tổ chức tháng 4/2011 

- Chị từng hát, ra cả album nhạc Trịnh, vậy theo chị, hát nhạc Trịnh như thế nào mới là chuẩn mực?

Đúng là nhiều người “đóng đinh” nhạc Trịnh với hai chữ “mộc mạc” và phủ nhận mọi sự sáng tạo của các ca sĩ đã tìm đến và cố gắng thể hiện nhạc Trịnh theo cách riêng của mình. Tôi không phải là một trong số cực đoan đó.

Tôi đã từng “jazz” hóa nhạc Trịnh trong mini show “Ca khúc jazz vàng” tổ chức vào 2/4/2011 cùng ca sĩ – nhà báo Khôi Minh và nhận được nhiều tràng pháo tay bất ngờ từ hàng ghế khán giả. Tôi nghĩ, bất kì sự cố gắng sáng tạo từ nghệ sĩ nào cũng sẽ được một bộ phận khán giả hưởng ứng và ủng hộ. Tôi tôn trọng họ.

- Ở trong nước, chị thích nghe ai hát nhạc Trịnh: Hồng Nhung, Quang Dũng hay một ai khác, như Lô Thủy chẳng hạn?

Như đã trả lời ở trên, tôi thích nghe Trịnh Vĩnh Trinh, Thái Hòa (một người hát Trịnh tài tử, có quan hệ mật thiết với gia đình Trịnh Công Sơn, từng ra 9 album nhạc Trịnh) và nghe… chính mình hát.

Với tôi, hát nhạc Trịnh giống như kể một câu chuyện của mình, khi vui tôi hát nhạc Trịnh để thấy vui hơn, khi buồn thì cất giọng hát lên khe khẽ “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” để tự xoa dịu mình và thấy mạnh mẽ hơn trong cuộc sống. Đừng tưởng nhạc Trịnh chỉ toàn những bài não nề, ủy mị nhé.

- Gần đây, có một đạo diễn đăng đàn chỉ trích nhạc Trịnh. Chắc chị có đọc qua. Người ta thì nói, cứ muốn nổi thì vin vào Trịnh mà nói kiểu như thế. Còn chị thì thấy sao?


Đúng, tôi đã đọc bài phỏng vấn của ca sĩ – nhạc sĩ Đoàn Quang Anh Khanh. Tôi được biết ban đầu bài viết kí tên chung với một cô “Trầm Hương” nào đó, là ca sĩ đã kí hợp đồng độc quyền với đạo diễn Khanh để được lăng-xê trong giới showbiz.

Nhưng sau đó chính cô ấy lên báo phủ nhận việc đồng trả lời phỏng vấn, và khẳng định chính đạo diễn Khanh đưa tên cô ấy vào. Tôi nghĩ đây chỉ là một chiêu PR khá “thông minh”, vừa đơn giản lại đạt hiệu quả cao của đạo diễn Khanh: đó là vin vào sự nổi tiếng của người đã khuất.

Người đã khuất thì làm sao sống dậy để tranh luận được đúng không? Nhưng theo dõi phản hồi của độc giả trên internet những ngày qua thì tôi tin là nhiều triệu tín đồ nhạc Trịnh đã một lần nữa khẳng định giá trị và sức trường tồn của nhạc Trịnh rồi.

Nguyệt Ca và Thái Hòa, người được nhắc đến ở bài viết trong một chương trình hát nhạc Trịnh 

- Chị và những người yêu nhạc Trịnh đã nghĩ đến việc tiếp đón Khánh Ly thế nào chưa?

Chúng tôi thường vui đùa với nhau: với thần tượng thì nên “kính nhi viễn chi” để khỏi bị sụp đổ hình tượng. Nói vui vậy thôi, chắc chúng tôi sẽ là những người đầu tiên săn lùng mua vé, trật tự xếp hàng tới xem và vỗ tay thật nhiệt tình để giúp cô ấy biểu diễn thêm thăng hoa. Vậy thôi.

- Chị cho rằng, lần trở về này là cơ hội của cả Khánh Ly lẫn công chúng yêu nhạc Trịnh?

Đúng. Chúng tôi tin cô Mai cũng mong chờ sự trở về này nhiều năm rồi, mặc dù cô đã có hai lần về Việt Nam thăm gia đình, bè bạn (từ sau năm 1975).

Sự đứng trên sân khấu một cách “đường đường chính chính” này có lẽ giúp cô Mai khẳng định một lần nữa rằng tôi yêu Việt Nam, yêu quê hương, nguồn cội và cũng là cơ hội để khán giả Việt Nam bao nhiêu năm ủng hộ, yêu mến cô một cách âm thầm cũng có cơ hội bày tỏ trực tiếp lòng yêu mến này.

- Chị có đi nghe Khánh Ly hát nếu giá vé cao bất thường (mà điều này dễ xảy ra)?

Tôi tin nếu nhà tổ chức suy xét một cách thông minh, sẽ không để tình trạng đó xảy ra, vì nhạc Trịnh không phải thứ âm nhạc để đem vào tháp ngà thờ phụng, không phù hợp với các đại gia giàu có, vừa nghe nhạc vừa nhâm nhi whisky…

Nhạc Trịnh là của số đông, từ cả những cô gái ăn sương, bác xích lô, ba gác… Đó là âm nhạc nói hộ cho những tiếng lòng bình thường nhất, nên nó cần đến được với những tiếng lòng bình thường nhất. Tôi nghĩ với một địa điểm tổ chức thật lớn, chắc sẽ có không ít cơ hội mua vé giá thấp cho sinh viên, người lao động…

- Xin cảm ơn chị!


Gia Vũ (Thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn