Táo bón sau sinh - Nỗi khổ khó nói
Trên một diễn đàn tâm sự kín của hội chị em, mẹ bỉm sữa có tên FB T.A mới đây đã kêu than, kể khổ rằng: “Có mẹ nào đẻ thường xong bị táo bón không ạ. Nếu táo thì làm thế nào? Các mẹ cứu em, gần một tuần rồi đau hơn đau đẻ.”
Không riêng gì chị, mẹ T.H.N cũng than thở: “Vấn đề muôn thủa: Táo sau sinh. Có ai sinh thường mà gần tuần rồi không đi nặng được không. Đau vết khâu rồi lại đau cả… nữa. Rặn không dám rặn mà ngày nào cũng ăn bao nhiêu chất nữa nó dồn vào. Stress vì táo bón.”
Lý giải về hiện tượng này, các bác sĩ sản phụ cho rằng: trong quá trình bà mẹ mang thai, máu được tập trung để nuôi dưỡng em bé. Sau khi sinh đẻ bị mất máu nhiều, cơ thể lại phải tiếp tục gồng mình sản xuất sữa cho con bú nên người mẹ trở nên khô héo do thiếu nước. Từ đó, máu nuôi đại tràng bị kém đi gây nên hiện tượng táo bón.
Ngoài ra, sau sinh do phải kiêng cữ nên các mẹ thường hạn chế đi lại. Nằm một chỗ cơ thể ít vận động khiến ruột yếu đi. Phân lưu lại ruột sẽ bị tái hấp thụ nước nhiều lần nên khô cứng gây táo bón. Chế độ dinh dưỡng sau sinh cũng là một “kẻ giấu mặt tiếp tay cho hiện tượng táo bón”. Các mẹ đều được bổ sung rất nhiều dinh dưỡng giàu đạm như chân giò, chân dê.. để lợi sữa mà ít chú ý đến rau củ quả.
Video: Uống nước lộc mại chữa táo bón, người đàn ông Nghệ An suýt chết
Táo bón sau sinh- Đừng có chịu đựng, dễ gây hậu quả
Táo bón mạn tính, táo bón kéo dài góp phần gây nguy cơ ung thư đại trực tràng. Điều này đã được chứng minh trong một nghiên cứu ở Boston, Mỹ.
Nghiên cứu của trường Đại chọ Tennessee (Mỹ) cũng công bố mối liên quan giữa táo bón và bệnh thận mãn tính. Theo đó, những người bị táo bón có nguy cơ phát triển bệnh thận mạn tính cao hơn 13% và 9% phát triển suy thận so với người không bị táo bón. Đặc biệt hơn, những người bị táo bón mạn tính nặng có nguy cơ cao hơn bị cả bệnh thận mạn tính và suy thận.
Tiến sĩ Kovesdy, người dẫn đầu nghiên cứu nói: “Rõ ràng, táo bón có liên quan đến bệnh lý về thận. Việc điều trị táo bón đặc biệt những người táo bón mạn tính có thể bảo vệ chức năng thận của họ".
Vì vậy, nếu bị táo bón sau sinh kéo dài mà không điều trị dứt điểm thì gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của các bà mẹ.
Chị em bày nhau “trăm mưu, nghìn kế” để thoát “kiếp nạn” và ý kiến chuyên gia
Vì đây là nỗi khổ chung nên nhiều chị em sẵn sàng bày mưu, ủ kế, chia sẻ với nhau những phương pháp mà mình đã áp dụng nhằm hạn chế tình trạng này.
Có mẹ khuyên chị em nên ăn nhiều rau và khoai lang, mẹ khuyên mua tảo vàng của Nhật về uống, mẹ bảo ăn chuối, canh rau, uống nước, ăn thanh long, uống hạt chia... Mẹ nào không chịu đựng được thì uống thuốc xổ ruột hay mua đồ về tự “thụt”.
Tuy nhiên, theo nhiều bác sĩ, chị em nên phòng bệnh ngay từ sớm tốt hơn là bị táo bón rồi mới hoảng loạn tìm cách chữa trị. Các bác sĩ cũng đưa ra 1 vài lời khuyên nhằm khắc phục tình trạng này như sau.
1. Uống nhiều nước và ăn nhiều chất xơ
Đây là hai phương thuốc đơn giản mà hiệu quả nhất để phòng bệnh táo bón. Ngoài ra, nó còn hiệu quả cả trong việc tăng cường sức khỏe bà mẹ sau sinh. Chất xơ không bị phá vỡ trong hệ tiêu hóa nhưng lại di chuyển dễ dàng trong lòng ruột. Đồng thời giúp các thành phần khác dễ di chuyển hơn.
2. Đi vệ sinh đúng giờ
Cơ thể chúng ta là một chiếc đồng hồ sinh học cho nên, hệ thống tiêu hóa cũng phối hợp nhịp nhàng với các cơ quan khác. Thời điểm tốt mà các bà bầu nên đi vệ sinh là từ 5-7h sáng. Khi đó ruột đang bài tiết chất độc. Sau đó, từ 7-9h sáng là thời điểm ruột non hấp thụ chất dinh dưỡng, cần ăn sáng vào thời điểm này. Nhớ thực hiện đúng giờ “đi” để tạo thành thói quen kể cả sau khi sinh.
Ngoài ra, chị em tuyệt đối không được nhịn “đi” vì có thể dẫn đến táo bón. Chức năng của ruột cũng suy giảm và làm tăng hấp thụ độc tố.
3. Tập thể dục nhẹ nhàng
Sau khi sức khỏe cơ thể đã ổn định, chị em nên chú ý vận động cơ thể. Có thể đi bộ, chạy nhẹ nhàng, tập yoga…để các cơ trong thành ruột di động theo cơ thể, làm hệ tiêu hóa được lưu thông tốt hơn.
4. Không nên tự điều trị khi bị táo bón
Với các phương pháp mà chị em chia sẻ ở trên thì việc tăng cường nhiều chất xơ, rau củ quả như khoai lang, chuối…là điều phù hợp. Nhưng với trường hợp tự ý mua thuốc và dụng cụ thụt hậu môn để xử lý là điều không nên. Hãy đến bác sĩ để được nghe tư vấn vì tự ý hành động có thể gây ra tổn thương cho các vùng xung quanh, nhất là cơ quan sinh sản.
5. Giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan
Căng thẳng, buồn bã sẽ ảnh hưởng đến quá trình co bóp của dạ dày, khiến quá trình tiêu hóa bị chậm lại. Quan trọng nhất là các mẹ hãy gạt bỏ tâm lý sợ hãi mỗi khi có nhu cầu đại tiện. Hãy thoải mái, thả lỏng cơ thể có khi dễ dàng hơn.
Bình luận