• Zalo

Khởi tố, bắt giam hàng loạt lãnh đạo, tướng lĩnh: Không còn khái niệm ‘vùng cấm’

Chính trịThứ Tư, 29/01/2020 07:31:22 +07:00Google News
(VTC News) -

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng việc hàng loạt lãnh đạo, tướng lĩnh quân đội, công an bị xem xét kỷ luật, khởi tố, bắt giam thể hiện không còn khái niệm “vùng cấm” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Tháng 6/2018, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng mở hội nghị toàn quốc do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì. Đây là sự kiện quan trọng, khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Sau hơn 1 năm thực hiện, Đảng và Nhà nước đã thu được những thành tựu quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tạo ra những xung lực mới cho công cuộc phát triển xã hội, lấy lại niềm tin yêu của đông đảo tầng lớp nhân dân.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên VTC News phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Khởi tố, bắt giam hàng loạt lãnh đạo, tướng lĩnh: Không còn khái niệm ‘vùng cấm’  - 1

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp 17 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

-Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã thu được những thành tựu quan trọng thế nào trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, thưa ông?

Trước hết, phải nói rằng, tham nhũng là hiện tượng xã hội, không chỉ riêng Việt Nam chúng ta mà có tính phổ biến toàn cầu. Nhìn rộng ra thế giới, hiện tượng tham nhũng diễn ra rất ghê gớm, gây ra những hậu quả khôn lường ở nhiều khu vực. Ở đây, theo tôi, có hai khía cạnh chúng ta phải nhấn mạnh.

Thứ nhất là khía cạnh đạo đức. Tham nhũng là sự vi phạm đạo đức, trái với chuẩn mực hành vi của con người nói chung, đối với chế độ chính trị và đạo đức cách mạng nói riêng.

Xét về phương diện này, chúng ta phải phê phán nghiêm khắc, để làm rõ, tham nhũng là xấu xa, là trái với bản chất tốt đẹp của con người, nhất là con người của thời hiện đại. Chúng ta cần nhìn nhận tham nhũng ở khía cạnh đạo đức, từ đó đưa ra những chuẩn mực hành vi, lối sống và có cách phòng ngừa tha hóa về nhân cách.

Thứ hai, theo quan điểm cá nhân tôi, cần phải nhận thức tham nhũng là tội phạm về mặt pháp luật, cho nên cần phải xử lý theo khung dành cho tội phạm. Chúng ta có Luật Phòng chống tham nhũng, ban hành từ năm 2005. Hiện nay, Quốc hội vẫn đang tiếp tục thảo luận về các biện pháp phòng, chống tham nhũng. Do đó, để ngăn chặn được vấn nạn tham nhũng, cần phải điều tra và xét xử theo đúng quy định pháp luật.

Sau Đại hội XII, việc chuyển cơ quan chống tham nhũng từ Chính phủ sang cơ quan Trung ương Đảng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đứng đầu đã tạo ra bước ngoặt quan trọng. Kể từ lúc này, công cuộc chống tham nhũng mới thực sự diễn ra mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Cụ thể, một loạt vụ án lớn được xử lý. Nhiều cán bộ lãnh đạo, trong đó có cả Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng… bị kỷ luật và truy tố. Đảng và Nhà nước thống nhất làm quyết liệt, làm từ trên xuống, kiên quyết đẩy lùi quan điểm “nhẹ trên nặng dưới”, đấu tranh toàn diện từ cơ quan Trung ương đến các cấp địa phương.

- Với tư cách là nhà nghiên cứu lâu năm về lịch sử Đảng, việc chuyển cơ quan tham nhũng từ Chính phủ sang Trung ương Đảng có ý nghĩa thế nào, thưa ông ?

Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh rằng, với tư cách và trách nhiệm của Đảng cầm quyền, mọi thành tích, thắng lợi chung của đất nước đều nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mặt khác, những vấn đề tiêu cực xảy ra, Đảng cầm quyền phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước nhân dân.

Do đó, việc chuyển quyền lực chống tham nhũng từ cơ quan Chính phủ sang cơ quan Đảng là phù hợp với thực tế khách quan, thể hiện trách nhiệm cao của Đảng đối với sự tồn vong của chế độ, thể hiện vai trò lãnh đạo sáng suốt trước nhân dân. Theo tôi, đây là một quyết định rất đúng đắn và có tính bước ngoặt. Rõ ràng, chỉ dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng mới diễn ra thống nhất, toàn diện.

Việc Tổng Bí thư đứng đầu, chỉ đạo Ban Phòng chống tham nhũng Trung ương giúp tăng cường khả năng quy tập toàn bộ hệ thống chính trị, tạo ra mặt trận thống nhất trong cả nước, tập trung toàn lực cho công tác phòng, chống tham nhũng.

Tôi cho rằng, sau đại hội XII, chúng ta đã gặt hái được nhiều thành công trong công tác phòng, chống tham nhũng. Các vụ án lớn được phanh phui, kỷ luật và xét xử nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm. Đảng ta dần lấy lại kỷ cương phép nước, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân trong toàn xã hội.

Qua các vụ án hàng năm, đất nước bị thiệt hại, thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng. Tất cả đó là mồ hôi nước mắt, sức lao động của nhân dân.

Khởi tố, bắt giam hàng loạt lãnh đạo, tướng lĩnh: Không còn khái niệm ‘vùng cấm’  - 2

Empty

Hiện nay, không có khái niệm “vùng cấm”, không có trường hợp ngoại lệ và thậm chí không có việc “hạ cánh an toàn".

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc

- Hàng loạt các lãnh đạo, tướng lĩnh công an, quân đội cũng bị kỷ luật, khởi tố và đưa ra xét xử trong thời gian qua thể hiện điều gì, thưa ông?

Hiện nay, không có khái niệm “vùng cấm”, không có trường hợp ngoại lệ và thậm chí không có việc “hạ cánh an toàn”. Đơn cử, có cán bộ nghỉ hưu từ lâu nhưng vẫn bị đưa ra kỷ luật và hồi tố trách nhiệm.

Vấn đề này không chỉ áp dụng riêng ở Việt Nam mà ở nhiều nước tiên tiến cũng làm vậy. Tổng thống một nước rời nhiệm sở gần chục năm vẫn có thể bị đưa ra xét xử vì vi phạm pháp luật hoặc tham nhũng trong thời gian tại vị.

- Quy định 205 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức chạy quyền có quan hệ thế nào tới công cuộc phòng, chống tham nhũng?

Trước hết, Quy định 205 của Bộ Chính trị (Ban hành ngày 23/9/2019) về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền chỉ rõ 6 biểu hiện của chạy chức, chạy quyền và 8 hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức chạy quyền. Tôi cho rằng, đây là nội dung quan trọng nhất, là biện pháp hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng.

Quy định này sẽ làm trong sạch bộ máy chống tham nhũng của Đảng. Đây là giải pháp cực kỳ hiệu quả cho công tác phòng chống tham nhũng, bởi, chạy chức chạy quyền là liên quan đến tham nhũng. Thông thường, sau khi chạy chức chạy quyền, người ta sẽ tìm cách thu lại số tiền đã bỏ ra để mua chức tước.

Như vậy, nếu thực hiện tốt Quy định 205 của Bộ Chính trị về vấn đề nhân sự, chúng ta sẽ loại trừ được những phần tử xấu cố len vào bộ máy Nhà nước.

Về mặt phẩm chất cán bộ, chúng ta sẽ dần xây dựng những chuẩn mực đạo đức và giá trị tinh thần cho nguồn nhân lực lãnh đạo, không bị tha hóa quyền lực và chạy chức, chạy quyền.

- Những kết quả đạt được trong việc phòng chống tham nhũng không thể không nhắc tới vai trò của Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng?

Trong thời gian qua, nhờ sự làm việc không ngừng và đấu tranh quyết liệt của Ban Nội chính Trung ương, rất nhiều sai phạm nghiêm trọng đã được đưa ra ánh sáng. Tất nhiên, ở đây có sự phối hợp hiệu quả giữa Ban Nội chính và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, kết hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan hữu quan khác.

Tôi cho rằng, nếu ba cơ quan này không phối hợp đồng bộ thì khó đạt được hiệu quả cao như thời gian vừa qua. Cho nên, mới đây, Bộ Chính trị tiếp tục bổ sung thêm một số quyền hạn, chức năng và nhiệm vụ mới đối với Ban Nội chính Trung ương.

Tôi muốn nhấn mạnh vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trong việc bảo vệ chính trị nội bộ và kiểm soát cán bộ.

Đúng như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Cơ chế phải dần hoàn thiện, phải được kiểm soát trong cơ quan Đảng từ Trung ương đến các cấp địa phương.

Bên cạnh đó, các cơ quan khác như Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát và Tòa án Nhân dân cũng làm tốt công tác kiểm soát nội bộ, làm trong sạch bộ máy chính trị.

Việc tăng cường vai trò, chức năng của Ban Nội chính Trung ương sẽ giúp cơ quan này hoạt động mạnh mẽ hơn và hoàn thành tốt hơn nữa công cuộc phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.

- Bên cạnh những thành tựu nổi bật, công tác phòng chống tham nhũng hẳn còn nhiều hạn chế, thưa ông?

Theo tôi, hiện tượng tham nhũng diễn ra rất tinh vi. Trong lĩnh vực hành chính hay kinh tế, những thành phần tham nhũng rất khéo che đậy hành vi của mình. Hoặc bằng cách này hay cách khác, họ cố gắng hợp thức hóa việc chiếm đoạt tài sản công và thực hiện hành vi tham nhũng.

Ngoài ra, vấn đề chạy chức, chạy quyền cũng rất kín kẽ. Cho nên, những cán bộ làm công tác phòng chống rất khó truy tìm và phát hiện. Trong mỗi vụ án tham nhũng, cần làm rõ rất nhiều chứng từ, hóa đơn. Điều này đòi hỏi cán bộ điều tra phải có trình độ chuyên môn và kiến thức sâu rộng mới tìm ra hành vi tham nhũng.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ phòng, chống tham nhũng nhìn chung có trách nhiệm và nhiệt tình, nhưng trình độ hiểu biết về lĩnh vực kinh tế tài chính là còn hạn chế. Bản thân người trong đội ngũ vẫn chưa thực thi đúng quyền lực được giao.

Một hạn chế nữa là thủ tục truy tố diễn ra rất chậm. Tất nhiên, vì nó liên quan đến con người nên cẩn trọng là rất tốt, nhưng cẩn trọng quá lại gây nên tình trạng trì trệ trong thực thi nhiệm vụ, tạo điều kiện cho những người tham nhũng có cơ hội lấp liếm, phi tang.

Phần lớn các vụ án xét xử vừa qua đều xảy ra trong quá khứ, thậm chí cách đây gần 10 năm. Nghĩa là các vụ án đang xảy ra hiện nay vẫn chưa được phát hiện. Nếu tham nhũng xảy ra và phải đợi đến 5 -10 năm sau mới được phát hiện thì hậu quả để lại là vô cùng nguy hiểm.

Cho nên, làm thế nào để có thể chặn ngay tức thì, phòng ngừa sớm, để hiện tượng tiêu cực này không còn diễn ra nữa là một yêu cầu thực tế và là bài toán cấp thiết trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Khởi tố, bắt giam hàng loạt lãnh đạo, tướng lĩnh: Không còn khái niệm ‘vùng cấm’  - 3

Tháng 12/2019, hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bị đưa ra xét xử tội "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và "Nhận hối lộ" trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG.

- Những khó khăn và thách thức trong cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay cần được nhận diện thế nào, thưa ông?

Hiện nay, khó khăn nằm ở tính chất phức tạp của tham nhũng. Dù đội ngũ cán bộ có trách nhiệm, có bản lĩnh chống tham nhũng nhưng không dễ để phát hiện được hành vi tham nhũng tinh vi.

Do đó, theo tôi, lực lượng phòng chống tham nhũng phải tự xây dựng bản lĩnh, tự hoàn thiện về nhân cách, đạo đức và cả trình độ nghiệp vụ để có thể sớm phát hiện ra những trường hợp tham nhũng. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước phải tăng cường giáo dục đội ngũ cán bộ.

Bộ Chính trị đã nêu rõ quy định “19 điều Đảng viên không được làm”. Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, các cơ quan, đơn vị cần in ra và đặt trên bàn làm việc của từng cán bộ để luôn luôn nhắc nhở và tự huấn bản thân. Đó sẽ là một biện pháp hiệu quả cho công tác tự giác phòng, chống tham nhũng trong hệ thống hành chính sự nghiệp.

Từ nay đến Đại hội Đảng khóa XIII, công cuộc chống tham nhũng sẽ tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, nghiêm túc và hiệu quả hơn, nhằm loại bỏ các phần tử tiêu cực có dấu hiệu tham nhũng tiêu cực, không lọt vào danh sách Ủy viên Ban chấp hành Trung ương.

Tất nhiên, còn nhiều dấu hiệu tiêu cực khác như: cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, bao che lợi ích nhóm,… Đảng và Nhà nươc cần đánh giá sâu rộng và nghiêm khắc để lựa chọn những người lãnh đạo ưu tú, xứng đáng vào cấp ủy, trung ương. Theo tôi, đây là vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay.

Khi những người trong sạch, có phẩm chất đạo đức, trình độ, trách nhiệm được bầu, chắc chắn năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng sẽ tăng lên, uy tín của Đảng sẽ được củng cố. Để lựa chọn được cán bộ như trên, trước hết, phải kiểm tra hành vi tham nhũng, vì nếu tham nhũng, cán bộ sẽ suy thoái về nhiều lĩnh vực khác như chính trị, tư tưởng, lối sống, uy tín, trách nhiệm.

- Hiện nay, để tiếp tục gặt hái kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, Đảng ta cần phải xem xét và chú ý điều gì, thưa ông?

Rõ ràng, những đại án kinh tế lớn đang làm đất nước chúng ta nghèo đi, kéo lùi sự phát triển của xã hội. Theo tôi, chúng ta cần tìm ra biện pháp giải quyết triệt để. Đó là, việc “chống” tham nhũng phải đi đôi với “phòng” tham nhũng.

Thứ nhất, cho dù chúng ta có xử nghiêm bao nhiêu đi chăng nữa, thì sự việc cũng đã xảy ra và thất thoát là rất lớn. Ngoài việc mất mát tiền bạc của nhân dân, đất nước cũng phải xử lý rất nhiều cán bộ, trong đó có những người chuyên môn giỏi. Trong một hoàn cảnh nào đó, vì nguyên nhân sâu xa, họ bị biến thành người xấu, phải chịu án kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự.

Thứ hai, điều tôi muốn nhấn mạnh là phải “phòng” tham nhũng. “Phòng” để không có kẽ hở, “phòng” để kẻ xấu không thể lợi dụng tham nhũng được. Cho nên, chúng ta cần phải có cơ chế quản lý, cơ chế lãnh đạo kiểm soát quyền lực hiệu quả thì công tác “phòng” tham nhũng mới tiến triển. Tôi cho rằng, “phòng” tốt, sẽ đỡ phải “chống”.

Rõ ràng, nếu vụ án tham nhũng xảy ra rồi mới xử lý thì chúng ta vừa mất tiền của, vừa mất cán bộ. Dù thu hồi thì tài sản tham nhũng cũng đã bị tẩu tán đi rất nhiều.

Tham nhũng ở quy mô lớn thì dễ phát hiện và phòng chống hiệu quả. Tuy nhiên, “tham nhũng vặt” là hiện tượng vô cùng nguy hiểm và gây hiệu ứng lan tràn toàn xã hội. Cá nhân tôi thật sự lo lắng về vấn đề này.

Ví dụ, một cô nhân viên có thể lợi dụng vị trí công tác của mình để bắt người khác hối lộ, nếu muốn được việc. Hay để lấy một loại giấy tờ, đóng một cái dấu cũng phải đưa phong bì.

Do đó, “tham nhũng vặt” có thể len lỏi vào đời sống xã hội, làm tha hóa một thế hệ cán bộ, công chức. Tôi cho rằng, chúng ta cần phải nhìn nhận và đánh giá sâu sắc vấn đề này.

Thuật ngữ “tham nhũng vặt” gắn liền với sự tha hóa đạo đức, lối sống. Đảng ta cần tìm mọi cách để ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn này. Theo quan điểm của tôi, thứ nhất, chúng ta phải có chế tài, cách thức quản lý cán bộ, công chức, để họ không có cơ hội kiếm chác, vòi vĩnh, gây khó dễ doanh nghiệp và người dân. Thứ hai là cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Theo đó, lãnh đạo phải quản lý chặt chẽ nhân viên, đồng thời ban hành các thủ tục hành chính rõ ràng, minh bạch. Các cơ quan hành chính sự nghiệp cần phải thông tin về quy định lệ phí cụ thể để nhân dân nắm rõ và không phải nộp thêm bất cứ khoản nào khác. Điều này không chỉ có lợi về mặt kinh tế cho người dân, mà còn giúp rèn rũa nhân cách của đội ngũ cán bộ.

- Xin cảm ơn ông!

 

Minh Tuấn (Thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn