• Zalo

Khởi tố 26 đối tượng giả danh 'bác sĩ', 'tiến sĩ'

An ninh hình sựChủ Nhật, 10/12/2023 10:19:37 +07:00Google News

Cơ quan điều tra Công an huyện Tiên Du, Bắc Ninh đã khởi tố những bị can trong đường dây giả danh các bác sĩ bệnh viện lớn để bán thuốc giả.

Khởi nghiệp 100 triệu đồng, doanh thu hơn 30 tỷ

Cầm đầu đường dây trên là Phạm Viết Trung (SN 1995, trú ở Xuân Thành, Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình, tạm trú ở chung cư Riverside Garden, Vũ Tông Phan, Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội).

Trung vốn xuất thân từ nông thôn, học xong đại học ở lại Hà Nội và đầu quân cho một số công ty chuyên bán hàng đa cấp.

Cũng từ việc bán hàng đa cấp, Trung nhận thấy nhu cầu của rất nhiều người dân cần sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng để điều trị bệnh tiểu đường và huyết áp. Chính vì vậy, Trung đã nghĩ ra việc chiếm đoạt tài sản của người bệnh bằng cách quảng cáo loại thuốc này để bán hàng.

Theo đó, Trung cùng với Lưu Đức Tịnh (ở xã Ninh Xuân, Hoa Lư, Ninh Bình); Nguyễn Hải Đăng (SN 1997, trú ở xã Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội) và Nguyễn Xuân Tuyên (ở xã An Lưu, Kinh Môn, Hải Dương) góp cổ phần với tổng số tiền là 100 triệu đồng để “khởi nghiệp”.

Theo đó, chúng viết kịch bản giả danh bác sĩ của các bệnh viện lớn như Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, rồi chạy quảng cáo để bán thuốc qua mạng cho người bệnh.

Với số tiền 100 triệu đồng ban đầu, các đối tượng thuê mặt sàn tầng 7 của tòa nhà ở 251 Vũ Tông Phan, Khương Đình, Hà Nội để mở văn phòng, đồng thời nghĩ ra mẫu mã các loại thuốc, sản xuất bao bì rồi đặt hàng một nhà thuốc gia truyền sản xuất với các sản phẩm như: Hạ đường QY, Thanh mạch QY, Mộc gan QY...

Sau khi có “văn phòng” đại diện, Trung đăng ký thành lập Công ty cổ phần Dược phẩm SPARTA (Công ty SPARTA), có địa chỉ trụ sở chính tại 104, khu liền kề, thị trấn Văn Điển, Hà Nội để có tư cách pháp nhân, hoạt động theo hình thức Công ty cổ phần do Trung làm Giám đốc.

Chuẩn bị xong các điều kiện, từ kịch bản đến trụ sở, thành lập công ty, các đối tượng tiến hành tuyển nhân viên, thành lập các nhóm kinh doanh có mô hình hoạt động giống nhau do Trung trực tiếp điều hành.

Theo đó, mỗi nhóm kinh doanh gồm 2 đối tượng, 1 đối tượng có nhiệm vụ lập fanpage trên mạng xã hội rồi chạy quảng cáo, mời chào bệnh nhân; đối tượng còn lại làm sale có nhiệm vụ giả danh bác sĩ để tư vấn, bán thuốc.

Chúng lập các fanpage có tên “Bệnh viện Quân đội 108 - Chuyên khoa Nội tiết”, hoặc “Bệnh viện Quân y 103” đăng tải các hình ảnh, logo của các bệnh viện kể trên. Các trang này có tiêu đề, nội dung, hình ảnh có liên quan đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Quân y 103 để thu hút những người bệnh có nhu cầu tìm hiểu, chữa bệnh.

Khi người dân kích vào các fanpage trên, chúng mời chào để lại thông tin, số điện thoại để “bác sĩ” gọi điện lại tư vấn. Có thông tin, số điện thoại của người bệnh, đối tượng sale sẽ giả danh bác sĩ bệnh viện gọi lại cho bệnh nhân tư vấn, mời chào mua liệu trình điều trị tiểu đường, huyết áp.

Để tạo niềm tin cho bệnh nhân, không chỉ giả danh bác sĩ, Vũ Quang Vinh, SN 2002, ở Mường Khoa, Chiềng Khoa, Vân Hồ, Sơn La còn tự xưng là Thiếu tướng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để tư vấn khiến bệnh nhân rất tin tưởng.

Các đối tượng sale nói với bệnh nhân là các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng này đều là sản phẩm độc quyền do Bệnh viện 108, 103 điều chế, sản xuất.

Mỗi hộp thuốc, chúng đặt hàng sản xuất có giá 25 nghìn đồng, được bán với giá 2 triệu đồng; “ưu đãi” cho người già, người có công; thương bệnh binh… với giá 700.000 - 1 triệu đồng/sản phẩm.

Điều đáng nói là, sau khi bán 1 loại thuốc, chúng tiếp tục lôi kéo, lừa đảo bệnh nhân bằng cách mời chào họ mua sản phẩm tốt hơn, giá tiền cao hơn để tiếp tục bán sản phẩm khác cho họ. Với thủ đoạn trên, từ tháng 5/2022 đến tháng 10/2023, các đối tượng đã bán thành công 12.817 đơn hàng cho hơn 8.000 bị hại ở 63/63 tỉnh, thành trên cả nước, thu về hơn 30 tỷ đồng.

Công an tỉnh Bắc Ninh khám xét văn phòng của các đối tượng.

Công an tỉnh Bắc Ninh khám xét văn phòng của các đối tượng.

“Bác sĩ”, “Thiếu tướng - Phó Giám đốc” sa lưới

Qua công tác nắm tình hình, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bắc Ninh đã phát hiện đường dây lừa đảo trên nên đã báo cáo Giám đốc đề nghị lập chuyên án, phối hợp với Công an huyện Tiên Du đấu tranh.

Sau khi có đủ tài liệu, chứng cứ về việc phạm tội của các đối tượng, các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Bắc Ninh và Công an huyện Tiên Du đã đồng loạt kiểm tra tại 6 địa điểm tại Hà Nội gồm: Toà nhà 251 Vũ Tông Phan; Bưu cục Thường Tín tại thôn Bình Vọng, Thường Tín, Hà Nội; một số địa điểm tại huyện Ba Vì, TP Hà Nội và nhà riêng, nhà trọ của các đối tượng liên quan.

Kết quả, đã triệu tập hơn 30 đối tượng, kiểm tra, thu giữ nhiều điện thoại và máy tính xách tay, máy tính để bàn các loại, hơn 3.000 hộp sản phẩm thuốc đặc trị, thực phẩm chức năng gồm hơn 30 loại sản phẩm như: hạ đường QY, Huyết đường NT, An mạch ngọc VY…; nhiều giấy tờ, tài liệu, hình dấu, đồ vật khác có liên quan đến hành vi của các đối tượng.

Bước đầu, Cơ quan điều tra đã làm rõ, nhóm đối tượng quản lý, điều hành chung gồm Phạm Viết Trung; Lưu Đức Thịnh; Nguyễn Hải Đăng.

Trong đó, Trung phụ trách điều hành chung, làm “tổng quản” tất cả các hoạt động; Lưu Đức Thịnh phụ trách liên hệ, nhập sản phẩm và trực tiếp điều hành “hộ kinh doanh” Bắc Thịnh (gồm Thịnh và Tạ Quang Bắc, SN 1995 ở ngõ 77 Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội); Nguyễn Hải Đăng phụ trách tiền hàng của đơn vị thu chuyển phát hộ tại các bưu điện sau đó nộp lại vào tài khoản của Phạm Viết Trung.

Ngoài ra, tại tầng 7 số nhà 251 Vũ Tông Phan có 24 đối tượng gồm tất cả “bác sĩ”, “Tiến sĩ”, “Trưởng khoa”, “Thiếu tướng - Phó Giám đốc bệnh viện”…

Các đối tượng trên được chia thành 3 nhóm có cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ tương tự như nhau nhưng hoạt động độc lập với nhau. Theo đó, mỗi nhóm chia thành 4 bộ phận gồm Marketing, sale, hành chính nhân sự và bộ phận vận đơn (xác nhận đơn hàng).

Bộ phận Marketing có nhiệm vụ quảng cáo trên Fanpage đã lập, khi khách hàng để lại thông tin, số điện thoại sẽ chuyển đến ứng dụng bán hàng để sale tư vấn. Sale có nhiệm vụ xưng là bác sĩ, trưởng khoa, thậm chí Phó Giám đốc bệnh viện để tư vấn, giới thiệu sản phẩm và chốt đơn khách hàng sau đó chuyển cho bộ phận vận đơn… Theo quy trình như vậy, các đối tượng đã dẫn dắt, bán hơn chục nghìn đơn hàng cho người bệnh.

Sau khi thu được tiền, các đối tượng chia theo cổ phần và đóng góp trong quá trình bán hàng. Trong đó, 3 nhóm “hộ kinh doanh” gồm Thanh Huy, Bắc Thịnh, Hải Trọng sẽ được chia khoảng 60% lợi nhuận cho 2 đối tượng; số còn lại thuộc về nhóm đối tượng cầm đầu của Công ty SPATRA do Trung đứng tên.

Cụ thể, hộ kinh doanh Thanh Huy do Nguyễn Liên Thanh, SN 1998, ở Đường Lâm, Sơn Tây làm trưởng hộ; Nguyễn Quang Huy, SN 1998, ở Quang Trung, Sơn Tây, Hà Nội làm phó hộ, mỗi đối tượng được chia 32,5% cổ phần; Phan Viết Trung được 6% cổ phần; Công ty SPATRA được 29% cổ phần. Các nhóm còn lại cũng tương tự như vậy.

Số tiền cổ phần của Công ty SPATRA sẽ được chia cho nhóm cầm đầu gồm Phạm Viết Trung; Lưu Đức Thịnh, Nguyễn Hải Đăng và Nguyễn Xuân Tuyên (là 4 đối tượng góp 100 triệu ban đầu) theo tỷ lệ Trung được 26,5%, mỗi đối tượng còn lại được 24,5%.

Thượng tá Nguyễn Trung Kiên, Phó Trưởng Công an huyện Tiên Du cho biết, bước đầu, Cơ quan điều tra Công an huyện Tiên Du đã khởi tố 26 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; bắt tạm giam 24 đối tượng, cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú 2 đối tượng là Cao Thuỳ Dương (SN 1998, trú ở Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) và Lưu Thị Thuỷ (SN 1999, trú ở Thanh Lãng, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) do đang mang thai.

Cơ quan điều tra cũng đang tiếp tục mở rộng, làm rõ để xử lý các đối tượng liên quan.

(Nguồn: Báo Công an Nhân dân)
Bình luận
vtcnews.vn