Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cùng đoàn công tác vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận và nhà đầu tư, đơn vị thiết kế về dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm (Ninh Thuận) - Đà Lạt (Lâm Đồng) theo hình thức đối tác công - tư (PPP), với kinh phí dự kiến hơn 27.780 tỷ đồng.
Dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt có chiều dài khoảng 83,5km (đoạn qua tỉnh Ninh Thuận 49 km), 17 ga và trạm khách (12 ga cũ, mở mới 2 ga và 3 trạm, trong đó 7 ga thuộc địa bàn Ninh Thuận).
Trước đó, đầu tháng 7/2022, Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận việc lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này. Bộ GTVT cũng chấp thuận cho Công ty CP Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng (Công ty Bạch Đằng) lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Về một số ý kiến băn khoăn tính khả thi của dự án khi nguồn vốn đầu tư khá lớn cho tuyến đường sắt chỉ khoảng 83,5km, ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Ninh Thuận, cho biết dự án đi qua địa bàn 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng nên Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền triển khai.
Theo ông Vinh, tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt nằm trong Quy hoạch tổng thể về phát triển mạng lưới đường sắt Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2050, được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1769 năm 2021.
Trước đó, năm 2013, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có Quyết định 1346 phê duyệt Quy hoạch khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Quy hoạch mà Chính phủ phê duyệt hiện tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh.
Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 tổ chức chiều 14/7, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, nhấn mạnh khi dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt được hiện thực hóa sẽ "tạo ra con đường di sản", tạo ra một giá trị rất độc đáo không chỉ cho Ninh Thuận, Lâm Đồng, khu vực Nam Trung Bộ mà còn với cả nước.
"Công trình này đã được nghiên cứu rất kỹ lưỡng từ cả trăm năm nay… Thế giới chỉ có 2 đường sắt răng cưa và tuyến từ Ninh Thuận lên Đà Lạt là tuyến đường thứ 2 của thế giới", ông Nam cho biết.
Tỉnh Lâm Đồng cũng hết sức ủng hộ dự án này. Ngày 16/7, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Trần Văn Hiệp, cho biết theo báo cáo hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi dự án khôi phục tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm, đây được xem là cơ hội lớn để phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của địa phương.
Về việc khôi phục tuyến đường sắt leo núi có một không hai ở khu vực, tỉnh Lâm Đồng ủng hộ doanh nghiệp đề xuất dự án này.
Theo ông Hiệp, lãnh đạo Lâm Đồng đã giao các sở, ngành và địa phương liên quan ở tỉnh nghiên cứu hồ sơ để tham mưu cho UBND tỉnh văn bản góp ý với cơ quan có thẩm quyền và hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình lập hồ sơ dự án.
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu UBND huyện Đơn Dương và TP Đà Lạt tuyên truyền để người dân biết về việc khôi phục tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm; không xây dựng các công trình trong phạm vi hành lang an toàn của tuyến này.
Sở Tài nguyên và Môi trường được giao tham mưu cho UBND tỉnh Lâm Đồng văn bản kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung phạm vi, diện tích đất của tuyến đường sắt này vào quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025 để làm cơ sở thực hiện.
Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt được xây dựng năm 1908, hoàn thành sau đó 24 năm. Toàn tuyến có 12 nhà ga, 5 hầm chui và 2 đoạn răng cưa dài gần 14km để vượt đèo.
Tuyến này dừng hoạt động từ năm 1968 và hiện chỉ còn 7km đoạn Trại Mát - Đà Lạt dùng để khai thác du lịch.
Bình luận