Gần đây, nhiều câu chuyện đáng kinh ngạc về startup trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã lan tỏa và tạo ra những làn sóng khởi nghiệp sáng tạo trên mọi nơi.
Làn sóng startup đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với hàng loạt chương trình, phong trào của đối tượng thanh niên, sinh viên, doanh nghiệp... tham gia khởi nghiệp sáng tạo, theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Khởi nguồn từ sự kiện của Nguyễn Hà Đông với Flappy Bird vào năm 2014, làn sóng startup lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam và chính cơ hội này giúp Việt Nam trở thành điểm sáng về phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong công nghệ tại châu Á.
Video: Chàng trai 8X tài năng bỏ lương khủng về Việt Nam khởi nghiệp
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy có không ít startup đã thu hút được cả triệu đô từ nhà đầu tư từ nước ngoài.
Cụ thể, công ty cổ phần Lozi Việt Nam nhận khoản đầu tư lên đến cả triệu đô từ quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures và Tập đoàn DesignOne Japan; Foody được rót vốn từ quỹ đầu tư tỷ đô của Tiger Global Management – một quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu của Mỹ, đang quản lý 20 tỷ USD; Công ty khởi nghiệp Vexere.com nhận đầu tư vòng 2 từ hai quỹ đầu tư của Nhật Bản và Singapore gồm CyberAgent Ventures và Pix Vine Capital khoảng 1 triệu USD…
Các chuyên gia kinh tế cho rằng khởi nghiệp sáng tạo thường dựa trên việc khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có khả năng tăng trưởng nhanh.
Trong giai đoạn khởi nghiệp cần rất nhiều những sự hỗ trợ khác nhau như nhân lực, tài chính, thị trường, cơ sở vật chất kỹ thuật.
Các hỗ trợ này đến từ khu vực trường đại học, viện nghiên cứu, là nguồn cung nhân lực chất lượng cao; các kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ; các cơ sở ươm tạo; các tổ chức thúc đẩy kinh doanh; các cơ sở đào tạo; các khu không gian làm việc chung; các tổ chức cung cấp các công cụ thí nghiệm thử nghiệm để xây dựng sản phẩm mẫu; các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư tư nhân... đó chính là các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp và tất cả những sự hỗ trợ đó hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp của một vùng, một quốc gia.
Thời gian gần đây, các chuyên gia kinh tế cũng đã nhận định về sự bùng nổ về công nghệ, thị trường mở rộng, tư duy quản lý thông thoáng hơn, thị trường mở cửa rộng hơn qua hàng loạt thỏa thuận tự do thương mại từ châu Á đến châu Âu của Việt Nam là điều kiện không thể tốt hơn cho các startup phát triển.
Các chuyên gia nhận định, nếu tiếp tục duy trì làn sóng khởi nghiệp như hiện tại, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư nước ngoài và hứa hẹn sẽ là tâm điểm của khởi nghiệp sáng tạo trong khu vực và trên toàn thế giới.
Bình luận