Đây là chương trình được Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Cục PTTTDN), Bộ KHCN phối hợp với Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh (Viện Hàn lâm) tổ chức, nằm trong khuôn khổ Quỹ Newton Việt Nam năm thứ 5.
Ông Nguyễn Văn Trúc, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ Phát triển thị trường công nghệ cho biết: Đây là chương trình nối tiếp những thành công của các năm trước với nhiều ứng viên đã có nhiều kết quả tích cực trên con đường thương mại hóa sản phẩm KHCN của mình, điển hình như: ThS. Thạch Lê Anh, người sáng lập, Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley; TS. Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty BK Holdings…
Mục tiêu của chương trình là đào tạo nâng cao năng lực và tăng cường hợp tác quốc tế cho các nhà khoa học Việt Nam trong việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Chi phí cho khóa đào tạo tại Vương Quốc Anh bao gồm vé máy bay, đi lại và ăn ở được Quỹ Newton tài trợ.
Chương trình năm nay được thiết kế với 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 là đào tạo cơ bản về thương mại hóa kết quả nghiên cứu trước chuyến tập huấn tại Vương quốc Anh, do Cục PTTTDN phối hợp với các giảng viên từ Vương quốc Anh thực hiện.
Giai đoạn 2 là tập huấn trong 2 tuần từ 14 – 25/1/2019 tại London, Vương quốc Anh cho 14 nhà sáng chế Việt Nam và 1 đại diện của Cục PTTTDN, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia quốc tế và sự bảo trợ của Viện Hàn lâm. Khóa học sẽ cung cấp các kiến thức và kỹ năng cập nhật về mô hình kinh doanh KHCN, phát triển và thuyết phục khách hàng dựa trên kinh nghiệm thành công của các doanh nghiệp Vương quốc Anh. Đồng thời, học viên có cơ hội tham vấn, thực hành và kết nối với mạng lưới chuyên gia của Viện Hàn lâm và các nước khác tham gia Quỹ Newton.
Giai đoạn 3 là các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm và kết nối tại Việt Nam cho các nhà sáng chế Việt Nam dưới sự hướng dẫn của Cục PTTTDN và sự cộng tác của các viện nghiên cứu, trường đại học có ứng viên tham gia.
Đối tượng thụ hưởng của chương trình là các nhà nghiên cứu đang trong giai đoạn xây dựng kế hoạch kinh doanh cho những sản phẩm sáng tạo có tiềm năng thương mại hóa và tối thiểu phải ở giai đoạn vật mẫu của mình (ưu tiên các sản phẩm dựa trên nền tảng nghiên cứu kỹ thuật).
Để tham gia chương trình, ứng viên được yêu cầu nộp các bản đề xuất ý tưởng cho một sản phẩm, phát minh hoặc giải pháp đổi mới sáng tạo thuộc các nhóm: Y tế và khoa học sự sống; nông nghiệp; môi trường; năng lượng; kỹ thuật đô thị/đô thị hóa; kỹ thuật số; các giải pháp sáng tạo khác có tác động tích cực đến kinh tế - xã hội.
Các tiêu chí đánh giá đề xuất bao gồm 6 tiêu chí chính: Chất lượng, tính mới và hiệu quả của giải pháp sáng tạo; Tính khả thi, kích thước thị trường mục tiêu và khả năng lợi nhuận tiềm năng của mô hình kinh doanh; Những đóng góp tiềm năng và thực tế cho sự phát triển kinh tế và xã hội cấp địa phương/vùng/quốc gia; Kinh nghiệm về hoạt động nghiên cứu chuyên nghiệp và tinh thần doanh nhân của ứng viên; Khả năng và sự sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với các nhà nghiên cứu khác về thương mại hóa công nghệ và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam của ứng viên; Khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của ứng viên.
Cục PTTTDN sẽ tổ chức 2 hội thảo tư vấn và hướng dẫn ứng viên hoàn thiện hồ sơ theo tiêu chí của chương trình nhằm cung cấp thêm thông tin và giải đáp các câu hỏi, vướng mắc liên quan đến chương trình LIF lần thứ 5 tại số 39 Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Hà Nội vào ngày 16/8 và số 79 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3, TP.HCM vào ngày 17/8.
Hạn nộp đơn đăng ký Đề xuất ý tưởng trực tuyến đến hết ngày 31/8 tại địa chỉ http://docs.google.com/ĐXYT_LIF5. Thông tin chi tiết tham khảo trên website www.most.gov.vnhoặcwww.tsc.gov.vn.
Bình luận