Hàng nghìn người tuần hành xung quanh tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Budapest, Hungary và trụ sở đài truyền hình trung ương trong cuộc biểu tình thứ tư và lớn nhất kể từ khi điều luật lao động mới được thông qua cuối tuần trước.
Theo điều luật lao động mới, các công ty có thể yêu cầu người lao động làm thêm giờ 400 tiếng mỗi năm và trì hoãn trả lương làm thêm giờ đến 3 năm.
Chính phủ Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng cải cách này sẽ có lợi cho cả người lao động cũng như các công ty đang cần bù vào nguồn lao động thiếu hụt.
Cuộc biểu tình ngày 16/12 do các sinh viên và những người trong các nghiệp đoàn dẫn đầu. Cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để phân tán những người biểu tình quanh đài truyền hình quốc gia.
Trong một khảo sát do Republikon Institute, một cơ quan nghiên cứu thực hiện, khoảng 63% những người ủng hộ ông Orban phản đối điều luật làm thêm giờ mới. Hơn 95% những người phê bình ông cũng phản đối điều luật này.
Các lãnh đạo công đoàn lao động chỉ ra rằng người Hungary vốn đã không hài lòng về tình trạng lương thấp và điều kiện làm việc nghèo nàn. “Giờ lại cho phép các chủ lao động, đặc biệt là các công ty đa quốc gia muốn lương thấp hơn, có thêm quá nhiều quyền đối với người lao động, như vậy thật không công bằng” – Laszlo Kordas, đứng đầu Liên hiệp công đoàn Hungary cho biết.
Theo NPR, tỷ lệ thất nghiệp ở Hungary khá thấp, khoảng 3,7%, một phần vì những người công nhân lành nghề di cư sang các nước thành viên EU khác như Đức, Áo và Anh, nơi có mức lương cao hơn. Các nước thiếu hụt nhân lực thường tìm đến người di cư, nhưng Thủ tướng Orban được cho là rất tích cực chống lại người di cư.
>>> Đọc thêm: Biểu tình 'Áo vàng' ở Pháp kéo dài sang tuần thứ 5: 8 người thiệt mạng
Bình luận