Nghiên cứu mới đây cho thấy con người ngẫm nghĩ về cuộc sống ở độ tuổi “chín” nhất là trước ngưỡng 60. Các nhà khoa học cho biết, dù con người cảm nhận được hạnh phúc với gia đình, bạn bè, sự nghiệp hoặc những thứ khác nữa thì phải tới độ tuổi trung niên mới thực sự trân trọng các giá trị đó.
Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học University of California, San Diego (Mỹ) được thực hiện trên 1000 người độ tuổi từ 21 đến 100 cho kết quả: Ở độ tuổi trung niên con người nhận thức được sâu sắc nhất về cuộc sống.
Cảm nhận được mục đích cuộc sống cũng kéo theo những ích lợi về mặt tinh thần và sức khỏe hơn so với khi còn trẻ tuổi. Các nhà khoa học nói: “Sức khỏe và nhận thức về mục đích sống có quan hệ chặt chẽ với nhau” .
Giáo sư Dilip Jeste, một chuyên gia trong lĩnh vực tâm thần và khoa học não bộ chia sẻ: “Rất nhiều thứ về ý nghĩa và mục đích sống xuất phát từ một quan điểm triết học. Nhưng ý nghĩa của cuộc sống có liên hệ tới sức khỏe tốt và tuổi thọ lâu dài. Những người sống có ý nghĩa thì hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn những người sống không có mục đích.”
Nghiên cứu trên được phát hành trên tạp chí khoa học về tâm thần lâm sàng Journal of Clinical Psychiatry. Nhóm nghiên cứu thực hiện trên 1000 người trưởng thành. Để khẳng định những người tham gia có mục đích sống hay không, các nhà khoa học đưa ra những câu hỏi nghiên cứu: “Tôi đang tìm kiếm mục đích hay nhiệm vụ phải thực hiện trong cuộc sống của mình?”, “Tôi đã tìm thấy và hài lòng với mục đích sống của mình?”.
Giáo sư Jeste tiếp tục chia sẻ: “Khi bạn còn trẻ, như là độ tuổi đôi mươi, bạn không chắc chắn về sự nghiệp của mình, về một người bạn đời hay về việc bạn là một người như thế nào. Bạn đang đi tìm ý nghĩa của cuộc sống. Khi bạn bắt đầu bước sang độ tuổi 30, 40 và 50, bạn bắt đầu ổn định các mối quan hệ, có thể kết hôn, có một gia đình riêng và bắt đầu ổn định sự nghiệp.
Bạn sẽ bớt tìm kiếm và ý nghĩa của cuộc sống dần có vị trí lớn hơn. Khi bước qua độ tuổi 60, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Mọi người bắt đầu về hưu và bắt đầu đánh mất bản ngã. Họ bắt đầu quan tâm tới các vấn đề sức khỏe khi một số người bạn, người trong gia đình của họ ra đi."
Một nghiên cứu khác hồi đầu năm nay trên 7000 người trung niên ở Mỹ cũng chỉ ra rằng những người có ý chí và mục đích sống mạnh mẽ có xu hướng sống lâu hơn khoảng 5 năm. Những nghiên cứu này bỏ qua yếu tố giàu nghèo, giới tính và trình độ học vấn.
Bình luận