Trong phiên thảo luận chung tại hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội chiều 30/5, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa ủy quyền của Chính phủ đã báo cáo giải trình 2 nội dung quan trọng.
Đó là việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện.
Chính sách cho cán bộ dôi dư chưa hấp dẫn
Trước hết, về nội dung sáp nhập huyện, xã, ông Tân cho biết đã có 4 nghị quyết của Trung ương và văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ Nội vụ. Mục tiêu của việc này nhằm tổ chức hợp lý các đơn vị cho phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước.
“Bộ máy hiệu lực, hiệu quả sẽ góp phần phát huy mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, tinh giản biên chế, thực hiện chính sách tiền lương mới vào 2021”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.
Ông cũng quán triệt tinh thần phải đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, thực hiện từng giai đoạn. Mỗi giai đoạn có trọng tâm, có cách làm thận trọng, phù hợp, nơi nào rõ làm trước, không phải sắp xếp bằng mọi giá gây xáo trộn lớn, làm mất ổn định xã hội.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thông tin, giai đoạn 2019-2021, chúng ta sắp xếp 16 huyện và 631 xã chưa đạt 50% cả 2 tiêu chí về diện tích và quy mô dân số. Ngoài ra, nhiều địa phương được khuyến khích sắp xếp thêm các đơn vị ngoài quy định.
Một số kết quả sau sáp nhập: Cao Bằng giảm được 3 huyện, 4 xã; Hòa Bình giảm 1 huyện và 59 xã; Hà Tĩnh giảm 47 xã; Thanh Hóa giảm 76 xã.
Chia sẻ khó khăn trong thực hiện chủ trương này, ông Tân nhắc đến phản ánh của nhiều địa phương về việc số lượng cán bộ dôi dư còn lớn, đặc biệt là cấp lãnh đạo, quản lý. Dù nghị quyết đã ban hành có nêu một số giải pháp nhưng chưa thực sự hấp dẫn để giải quyết chế độ cho lực lượng dôi dư.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ cam kết thời gian tới sẽ tham mưu xây dựng, ban hành các chính sách tốt hơn theo yêu cầu của thực tiễn.
Chính phủ sẽ thảo luận việc sáp nhập sở, ngành
Vấn đề thứ hai được Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề cập là việc sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện.
Bộ Nội vụ cho biết đã tham mưu Chính phủ ban hành 2 nghị định mới theo nguyên tắc Chính phủ chỉ quy định khung cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó số lượng cơ quan chuyên môn sau sắp xếp không được nhiều hơn số cơ quan hiện có.
Việc sắp xếp này chia theo 4 nhóm, gồm: Số cơ quan thống nhất quản lý chung trên cả nước, tổ chức sắp xếp cho phù hợp, tổ chức thí điểm và nhóm đặc thù. Khung biên chế tối thiểu và số lượng cấp phó tối đa giao HĐND tỉnh quyết định.
"Lần này chúng ta đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương. Đây là vấn đề mới, phức tạp nên Chính phủ đã có nhiều cuộc họp”, ông Tân nói và cho biết thêm để tạo sự đồng thuận giữa bộ, ngành Trung ương, Chính phủ sẽ thảo luận và cho ý kiến việc sắp xếp đơn vị cơ quan chuyên môn thuộc cấp tỉnh, huyện tại cuộc họp thường kỳ ngày mai, 31/5.
Báo cáo về kết quả, ông Tân cho biết đã có 4 địa phương thí điểm sắp xếp cơ quan chuyên mốn cấp tỉnh gồm Bạc Liêu, Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Giang. Kết quả, giảm được 5 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Bên cạnh đó, có 15 tỉnh, thành phố thí điểm sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp huyện, giảm được 185 đơn vị.
Bình luận