• Zalo

Khó khăn bủa vây, Eximbank tính bán cổ phần, ‘đòi’ thù lao đã trả

Kinh tếChủ Nhật, 09/04/2017 16:58:00 +07:00Google News

Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đang tính nhượng toàn bộ cổ phần tại Sacombank, đồng thời “đòi” lại hơn 51,8 tỷ đồng tiền thù lao chi vượt nhằm giảm bớt khó khăn và lấy lại hình ảnh của ngân hàng từng là “gạo cội”.

Tiếp tục lỗ luỹ kế

Eximbank đang trong những ngày tái cơ cấu mạnh mẽ. Các hoạt động thanh kiểm tra toàn diện kéo dài trong thời gian qua tuy tác động tích cực giúp ngân hàng từng bước minh bạch hóa tình hình hoạt động và tài chính song cũng tạo ra những tác động bất lợi không mong muốn.

eximbank

 Lợi nhuận của Eximbank từ năm 2011 tới nay và kế hoạch 2015. (Ảnh: CafeF)

Eximbank hiện đang gặp khó khăn trong việc xây dựng các chiến lược kinh doanh dài hạn do xung đột của các nhóm cổ đông lớn và danh mục cho vay đang giảm dần theo thời gian trong vài năm qua.

Theo HSC, trong 2016, lợi nhuận trước thuế Eximbank đạt 390 tỷ đồng, tăng trưởng 542,25%, chỉ hoàn thành 39% kế hoạch đề ra là 1.000 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh không khả quan do cả tăng trưởng cho vay và huy động khách hàng kém.

Được biết, năm 2016, cho vay khách hàng của Eximbank tăng 2,51% lên 86,89 nghìn tỷ đồng. Trong đó, cho vay ngắn hạn tăng 7,58% lên 34,02 nghìn tỷ đồng, cho vay trung dài hạn giảm 0,5% xuống còn 52,87 nghìn tỷ đồng.

Vốn huy động khách hàng tăng 3,98% lên 102,35 tỷ đồng. Vốn huy động kỳ hạn ngắn tăng 3,80% lên 86,87 nghìn tỷ đồng, vốn huy động không kỳ hạn tăng 4,96% lên 14,56 nghìn tỷ đồng.

Thu nhập lãi thuần giảm 9,29% so với năm 2015 là 3.082 tỷ đồng do cho vay khách hàng chỉ tăng trong quý IV/2016. Tuy nhiên, tổng thu nhập ngoài lãi tăng mạnh 62,53% so với năm 2015 đạt 652,83 tỷ đồng chủ yếu nhờ lãi tỷ giá.

Hiện, Eximbank đang lỗ lũy kế là 461,4 tỷ đồng, theo báo cáo tài chính hợp nhất tại thời điểm 31/12/2016. Năm 2016, Eximbank tiếp tục không thực hiện chia cổ tức.

HSC đánh giá, năm 2017, Eximbank vẫn thiếu động lực thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận do ngân hàng sẽ đối mặt với gánh nặng trích lập dự phòng trong thời gian tới và thiếu sự ổn định về cơ cấu cổ đông và sự đồng thuận trong chiến lược dài hạn.

Trong năm 2017, Eximbank dự kiến sẽ tăng trưởng quy mô tổng tài sản lên 150.000 tỷ đồng. Huy động vốn đạt 120.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 108.875 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%.

Lợi nhuận trước thuế năm 2017 dự kiến đạt 600 tỷ đồng, tăng trưởng 53% so với kết quả thực hiện năm 2016.

Bán cổ phần, ‘đòi’ thù lao đã trả

Eximbank đang có kế hoạch bán toàn bộ cổ phần đang sở hữu tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Hinh anh

Tờ trình gửi Đại hội đồng cổ đông mới đây về xử lý thù lao của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát trong các năm 2013, 2014, 2015 của Eximbank. 

Hiện số lượng cổ phần mà Eximbank đang nắm giữ của Sacombank là hơn 165 triệu cổ phần, tương đương 8,76%.

Theo tính toán của Hội đồng quản trị, trường hợp giá giao dịch cổ phiếu STB của Sacombank dự kiến tăng hơn so với giá hiện tại (12.400 đồng tại ngày 4/4/2017), thì có khả năng sẽ làm tổng giá trị giao dịch bán cổ phiếu STB vượt 20% vốn điều lệ...

Ngoài ra, việc Eximbank bán cổ phần tại STB còn nhằm đảm bảo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Cùng với bán cổ phần tại STB, Eximbank cũng sẽ xin ý kiến cổ đông việc yêu cầu các lãnh đạo ngân hàng những năm 2013, 2014, 2015 trả lại hơn 51,8 tỷ đồng tiền thù lao chi vượt do kết quả kinh doanh ngân hàng không đạt như kế hoạch đề ra. 

Trong tờ trình gửi Đại hội đồng cổ đông mới đây về xử lý thù lao của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát trong các năm 2013, 2014, 2015, Eximbank cho biết mức ứng thù lao đã vượt quá mức quy định. 

Cụ thể, trong 2013, tổng mức thù lao cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát được phê duyệt là 1,5% lợi nhuận sau thuế của ngân hàng, tương đương 9,88 tỷ đồng. 

Nhưng Eximbank đã chi tới 34,4 tỷ đồng (vượt 24,5 tỷ đồng) để ứng trước thù lao cho các thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát ngân hàng. 

Năm 2014, trong khi lợi nhuận của Eximbank chỉ đạt hơn 56 tỷ đồng (tương đương mức chi quỹ thù lao của dàn lãnh đạo ngân hàng chỉ là 841,3 triệu đồng) thì ngân hàng này đã phải chi ra 34,9 tỷ đồng tiền thù lao, vượt hơn 34 tỷ đồng.

Tương tự, năm 2015, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng chỉ đạt 40 tỷ đồng, tương đương mức thù lao cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát là 599,9 triệu đồng. Nhưng trên thực tế, ngân hàng đã chi vượt 23,99 tỷ đồng, đạt 24,59 tỷ đồng tiền thù lao cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát.

Tính chung, trong 3 năm 2013, 2014, 2015 Eximbank đã chi tổng cộng khoảng 94 tỷ đồng thù lao cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, vượt quy định hơn 82,5 tỷ đồng.

Video: Vừa ra khỏi ngân hàng, người đàn ông bị gió cuốn bay xấp tiền trên tay

Eximbank cũng sẽ trình cổ đông phê duyệt tổng mức thù lao trong các năm 2013, 2014, 2015 là 14 tỷ đồng/năm (10 tỷ đồng/năm cho Hội đồng quản trị và 4 tỷ đồng/năm cho Hội đồng quản trị), số còn lại sẽ yêu cầu thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát nộp lại.

Được biết, trong các năm 2013, 2014, 2015 người ngồi ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank là ông Lê Hùng Dũng.

Chủ tịch HĐQThiện tại của Eximbank là ông Lê Minh Quốc.

Hoà Bình
Bình luận
vtcnews.vn