(VTC News)- Scandal dàn xếp thi đấu dẫn tới hàng loạt VĐV cầu lông bị trục xuất khỏi Olympic 2012 đang gây dư chấn mạnh mẽ trong lòng giới mộ điệu toàn cầu.
Nhiều cáo buộc từ VĐV, HLV đội tuyển các nước cho rằng việc cầu lông Trung Quốc thi đấu không đúng sức nhằm tránh cảnh "huynh đệ tương tàn" là chuyện không có gì mới. Họ đã làm như vậy trong suốt nhiều năm qua, thậm chí còn được coi là kẻ dẫn đầu trào lưu dàn xếp các cặp đấu tại vòng loại knock-out.
Rất may, ở kỳ Olympic lần này, với sự vào cuộc quyết liệt của giới truyền thông, đặc biệt là truyền thông xã hội, ban tổ chức đã có những biện pháp ngăn chặn kịp thời "chiêu trò" của người Trung Quốc.
Scandal cầu lông, vết nhơ trong lịch sử Olympic 2012. |
Câu hỏi khiến nhiều người quan tâm là nếu được tiếp tục thi đấu và giả sử đụng độ nhau tại các vòng đấu tiếp theo, cặp đôi Trung Quốc 1 và Trung Quốc 2 sẽ thi đấu như thế nào trước hàng nghìn cặp mắt dò xét của khán giả trên khán đài Wembley Arena?
Người Trung Quốc làm gì khi "gà nhà" đấu nhau?
Câu trả lời nằm trong bảng số liệu mà trang web Badzine công bố đầu năm nay. Theo đó, các VĐV cầu lông Trung Quốc đã gặp gỡ nhau tổng cộng 99 lần tại mọi giải đấu cả nội địa lẫn quốc tế trong năm 2011. Trong đó, 20 trận không được tiến hành hoặc bị kết thúc giữa chừng. 19,8% các trận đấu nội bộ của người Trung Quốc không đi tới tận cùng hiệp đấu. Con số này giảm xuống chỉ còn 0,21% trong các trận đấu Trung Quốc với các quốc gia khác.
Theo lý giải của Yu Yang, VĐV vừa tuyên bố giải nghệ sau khi bị loại khỏi London 2012, lý do Trung Quốc không thi đấu hết mình hoặc chơi cho có ở các trận đấu nội bộ vì họ muốn dồn sức cho mục tiêu duy nhất: giành HCV.
Yang (trái) tuyên bố giải nghệ sau khi bị trục xuất khỏi London. |
Ví dụ điển hình cho lời nói của Yu Yang là trận bán kết thế vận hội Athens 2004. Khi đó, một VĐV người Trung Quốc đã chấp nhận thua cuộc dễ dàng trước Zhang Ning nhằm bảo toàn sức chiến đấu cho đàn chị khi bước vào chung kết. Kết quả rất rõ ràng: một Zhang Ning sung sức dễ dàng hạ gục Mia Audina (Hà Lan), người mất rất nhiều sức lực ở trận bán kết 2, và đoạt HCV về cho nước nhà.
Dù vậy, chiến thuật này vẫn vấp phải vô số chỉ trích từ phía người hâm mộ lẫn Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF). Thái độ thi đấu thiếu fair play, thiếu trung thực và hết mình của 8 VĐV Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia đã làm tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của bộ môn cầu lông.
Phải ngăn Trung Quốc, muộn còn hơn không
Scandal tại London càng thúc đẩy quyết tâm hoàn thiện các điều luật từ những nhà tổ chức. Sở dĩ Wang Xiaoli-Yang Yu, Jung Kyung Eun-Kim Ha Na, Greysia PoliiMeiliana- Jauhari và Ha Jung-eun-Kim Min-jung có thể vô tư đến mức trắng trợn "diễn kịch" trước sự tức giận của người chứng kiến là do những kẽ hở trong điều lệ.
Thậm chí, ngay trước khi scandal bùng nổ, cặp VĐV Trung Quốc 2 Tian Qing-Zhao Yunlei đã khiến hàng loạt nhà cái ôm đầu khóc hận khi bất ngờ để mất ngôi đầu bảng vào tay bộ đôi Đan Mạch Kamilla Rytter Juhl-Christinna Pedersen.
Đây là vị trí đưa Trung Quốc 2 sang nhánh khác với Trung Quốc 1 tại giai đoạn knock-out. Điều này đúng với kịch bản vạch ra ngay từ đầu khi họ chỉ phải đụng độ cặp đôi đồng hương Wang-Yang (nếu xảy ra) ở trận đấu cuối cùng.
Đội tuyển Hàn Quốc đơn giản là chỉ phản ứng theo hành vi của Trung Quốc? |
Có một điểm bất ngờ là chính những nhà điều hành dường như cũng lãng quên một điều luật quan trọng trong thời gian quá dài. Phải tới Olympic 2012, trước vấn nạn tiêu cực ngày càng bức bối, người ta mới nhớ tới điều 4 khoản 5 luật Olympic - khẳng định việc "không thi đấu hết mình để giành chiến thắng" nằm trong danh sách những hành vi bị nghiêm cấm.
Dù sao, muộn cũng hơn không, công lý đã được thực thi. Lời tuyên thệ của các VĐV trước ngọn lửa khai mạc Olympic đã không bị biến thành một thứ lố bịch trong mắt giới mộ điệu.
Hoài Thu
Bình luận