• Zalo

Khi quyền lực thao túng công tác cán bộ

Bạn đọcThứ Hai, 10/08/2020 15:57:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Công tác cán bộ có vai trò then chốt của then chốt nên nếu để quyền lực thao túng, lòng dân sao tránh khỏi “tâm tư”?

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém".

Lời dạy của Bác đã khái quát đầy đủ tầm quan trọng của khâu quan trọng nhất trong xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền. Cán bộ, Đảng viên không ai là không thuộc lòng lời dạy này của Người. Nhưng thuộc là một chuyện, còn hành động được như lời Bác dạy hay không lại là chuyện khác.

Dường như lường trước được điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra những chứng bệnh trong việc bố trí, sử dụng cán bộ khiến cho công tác này tự đánh mất vai trò “then chốt của then chốt”. Những chứng bệnh đó là:

1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài.

2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực.

3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình.

Vì những bệnh đó, kết quả những người kia đã làm bậy, mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ, khiến cho chúng ngày càng hư hỏng. Đối với những người chính trực thì bới lông tìm vết để trả thù. Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả đánh giá của người lãnh đạo”.

Cứ lời Bác dạy mà soi thì vụ ông Nguyễn Nhân Chinh, cử nhân cờ vua được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh không thông qua bầu cử tại Đại hội Đảng bộ TP Bắc Ninh là một ví dụ điển hình cho một trong những chứng bệnh trong việc bố trí, sử dụng cán bộ mà Người đã nghiêm khắc vạch ra. Đó là “Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn”. Bởi ông Nguyễn Nhân Chinh là con trai đương kim Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến.

Hôm 22/7, ông Chinh được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020-2025.

Khi quyền lực thao túng công tác cán bộ - 1

Ông Nguyễn Nhân Chinh (thứ hai từ phải qua) rời ghế Bí thư Thành ủy Bắc Ninh sau 15 ngày.

Điều đáng nói là Đại hội Đảng bộ TP Bắc Ninh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra trong các ngày 15,16 và 17/6/2020 đã bầu ra một BCH Đảng bộ TP gồm 39 người, do ông Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy là Bí thư (tái đắc cử) nhưng không hề có tên Nguyễn Nhân Chinh.

Tuy nhiên, hơn 1 tháng sau khi diễn ra Đại hội, ông Chinh được ông Chiến - Bí thư Tỉnh ủy điều động, chỉ định làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh thay ông Vương Quốc Tuấn vừa được HĐND tỉnh bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.

Vụ bổ nhiệm con ông cháu cha ngồi ghế cao này khiến truyền thông dậy sóng. Trước sự phản ứng quyết liệt của dư luận, sáng 6/8, Ban thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh buộc phải công bố quyết định thay ông Nguyễn Nhân Chinh; cử ông Tạ Đăng Đoan, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Ninh, giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh.

Tuy mất chức Bí thư Thành ủy sau hai tuần tại nhiệm nhưng ông Chinh vẫn được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Ninh. Nước cờ nhân sự lần này cũng ngoạn mục không kém lần trước bởi nghe đâu vị Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đương nhiệm cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu.

Đây là động thái chữa cháy của Ban thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh theo kiểu đèn cù chạy quanh, cố đấm ăn xôi. Vẫn loay hoay với căn bệnh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn”. Hệ quả của sự “bao dung, che chở, bảo hộ” kiểu này rất có thể sẽ không tránh khỏi vết xe đổ của những cậu ấm, cô chiêu thăng tiến thần tốc nhờ cái oai của phụ huynh mà dư luận đã từng chứng kiến trong vài ba năm qua.

Phải chăng lãnh đạo Bắc Ninh chưa biết hoặc biết mà phớt lờ lời dạy này của Bác Hồ, dù hằng năm vẫn rầm rộ phát động cán bộ, đảng viên “Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh”?

Điều nghi vấn này là có cơ sở bởi vì theo phản ảnh của dư luận, các vị tiền nhiệm của bí thư Chiến cũng đã từng bố trí, sắp xếp con trai, con rể mình vào những vị trí trọng yếu ở địa phương như bí thư thành ủy, trưởng ban dân vận,… Bản thân ông Chiến cũng có hàng chục người là vợ con, anh em, họ hàng giữ các chức vụ quan trọng trọng bộ máy công quyền ở địa phương. Người “nhường” ghế Bí thư Thành ủy Bắc Ninh “cho” ông Chinh cũng là diện “con cháu các cụ cả”.

Việc điều động bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo diễn ra ở Bắc Ninh như trường hợp của ông Nguyễn Nhân Chinh không phản ánh bản chất công tác  cán bộ của Đảng và Nhà nước. Đó là sự “sắp xếp bàn cờ” công tác tổ chức nhân sự trong tay những người có quyền bính ở địa phương liên kết với nhau để mưu lợi, đưa người nhà, bà con, bầu bạn vào các vị trí lãnh đạo, tạo nhóm lợi ích thao túng quyền lực.

Đảng muốn tự mình làm trong sạch, vững mạnh thì phải kiên quyết xóa bỏ vấn nạn này. Rất nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương đã đề cập một cách quyết liệt công tác tổ chức nhân sự, nhưng dường như việc thực hiện ở các cấp ủy Đảng đang bộc lộ những bất cập.

Ví như quy định của Trung ương không đề cập việc bí thư cấp ủy cấp trên bổ nhiệm con cháu làm bí thư cấp ủy cấp dưới trực thuộc. Thế cho nên khi vụ việc ông bố bí thư tỉnh ủy bổ nhiệm ông con làm bí thư thành ủy ở Bắc Ninh xảy ra, các quan chức địa phương đều lý giải là không vướng quy định nào của Trung ương, nghĩa là “đúng quy trình”.

Câu chuyện “cả họ làm quan” vẫn chưa có hồi kết dẫu thời gian qua đã có nhiều bài học, nhiều gương soi nhỡn tiền. Chỉ có thay đổi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ thì mới hy vọng chấm dứt được vấn nạn này để người hiền tài có đất dụng võ.

Lấy kinh nghiệm của ông cha, áp dụng triệt để luật hồi tỵ, theo đó không để tình trạng những người thân như anh em, cha con, họ hàng, đồng hương… được làm quan cùng một hệ thống trong bộ máy Đảng và chính quyền. Thực hiện được điều này sẽ giảm thiểu tình trạng cả họ làm quan đang khiến dư luận bức xúc, bất bình hiện nay.

Lấy việc sát hạch bằng các hình thức thi tuyển, phỏng vấn, bảo vệ đồ án,… làm công cụ đánh giá chất lượng cán bộ. Bằng cấp, lý lịch nhân sự chỉ là điều kiện cần. Thi tuyển, phỏng vấn trực tiếp một cách minh bạch, khách quan, công bằng thì chắc chắn sẽ loại bỏ được những cán bộ yếu kém về năng lực tư duy, năng lực chuyện môn, nói năng ngọng nghịu, thảo văn bản hành chính chưa sõi.

Không phải vô cớ mà cha ông xưa tuyển chọn nhân tài các cấp qua các kỳ thi nghiêm ngặt, từ thi Hương, thi Hội đến thi Đình. Riêng thi Đình được tổ chức ngay tại sân điện, do đích thân vua ra đề và chấm thi. Thi Đình thực chất là cuộc phúc tra cuối cùng nhằm thẩm định và xếp hạng các tân tiến sĩ, những người hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu hiền tài – nguyên khí của quốc gia.

Rồi chuyện Tỉnh ủy Trà Vinh công bố quyết định điều động, chỉ định bà Huỳnh Thị Hằng Nga - Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn - tham gia BCH Đảng bộ huyện, giữ chức bí thư Huyện ủy Càng Long nhiệm kỳ 2020 – 2025 ngay tại đại hội. Chức danh này được cấp trên quyết định bỏ trống cho đến khi có kết quả bầu cử BCH Huyện ủy mới.

Dư luận cho rằng tỉnh đưa bà Nga về huyện Càng Long là nhằm sắp xếp để con trai Bí thư Tỉnh ủy (hiện là Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn) lên làm Bí thư Tỉnh đoàn.

Ông Ngô Chí Cường - Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trà Vinh cho biết việc điều động bà Nga là không trái với quy định của Đảng và phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh.

Chuyện nhân sự như thế, lòng dân sao tránh khỏi “tâm tư”?

Nguyễn Duy Xuân
Bình luận
vtcnews.vn