(VTC News)- Trên góc độ kinh tế, việc người Mỹ mặc trang phục và giương quốc kỳ "made in China" tại thế vận hội London 2012 là một sự kiện hết sức bình thường.
Vài ngày trước khi lên đường sang London, dư luận Mỹ sôi sục trước thông tin toàn bộ trang phục và quốc kỳ của đoàn VĐV Olympic nước này là do Trung Quốc sản xuất. Một chiến dịch tẩy chay hàng Trung Quốc trên khắp các trang mạng, diễn đàn được phát động với khẩu hiệu: "Đốt hết chúng đi".
Có thể hiểu được sự giận dữ của người Mỹ bởi những căng thẳng về mặt chính trị giữa hai quốc gia thời gian gần đây. Sự trỗi dậy của đất nước đông dân nhất thế giới trên mọi lĩnh vực đang đe dọa vị thế siêu cường của Mỹ. Bên cạnh đó, người dân Mỹ vẫn chưa quên thể thao nước này đã bị truất ngôi bá chủ bởi chính Trung Quốc tại Bắc Kinh 4 năm về trước.
Mỹ-Trung đang cạnh tranh quyết liệt trên bảng tổng sắp huy chương sau 8 ngày tranh tài thế vận hội. |
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vấn đề ở góc độ kinh tế, mọi chuyện đã không nghiêm trọng đến thế. Ở thời đại toàn cầu hóa, mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Các công ty xuất khẩu hàng hóa tới mọi ngóc ngách của hành tinh thông qua những đại lý hợp tác địa phương. Việc ngành hàng dệt may của Mỹ (vốn là thế mạnh của nước này) thua trận ngay trên sân nhà là điều có thể giải thích.
"Những công việc liên quan đến ngành hàng gia công ngày một ít đi ở Mỹ là hệ quả từ chính hình mẫu kinh tế của họ. Người dân Mỹ có thể phàn nàn về việc các trang phục Olympic được sản xuất từ nước ngoài nhưng trên thực tế, họ không thể thay đổi được cấu trúc nền kinh tế nước này. Thực tế, chính Mỹ cũng được hưởng lợi từ sự toàn cầu hóa", Wang Zihong, giám đốc văn phòng kinh tế viện nghiên cứu Mỹ thuộc học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho hay.
Sự thực là scandal trang phục Olympic không thay đổi quan điểm của Mỹ và Trung Quốc về quan hệ hợp tác kinh tế giữa đôi bên. Giáo sư Dwight Perkins, đại học Harvard cho hay đó chỉ là một trò chơi tâm lý của các chính trị gia Mỹ. Họ rất biết cách khơi gợi chủ nghĩa dân tộc của người dân.
Quốc kỳ là biểu tượng của đất nước, trang phục Olympic đại diện cho tinh thần Mỹ tại các kỳ thế vận hội. Bởivậy, việc phản đối sản phẩm "made in China" cũng chính là cách để người Mỹ thể hiện sự đoàn kết, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc.
Mất chưa đến 100 giây, một công nhân Trung Quốc may xong đường viền của lá cờ Mỹ. Cô có thu nhập 313 USD/tháng, thấp hơn nhiều một nhân công của Mỹ. |
Theo thống kê, kim ngạch nhập khẩu cờ của Mỹ năm 2011 là 3,6 tỷ USD. Trong đó sản phẩm Trung Quốc chiếm 3,3 tỷ USD. Con số này trong 5 năm vừa qua không bao giờ dưới 2,8 tỷ USD.
Với sức mạnh của mình, Mỹ hoàn toàn có thể tác động tới tốc độ cũng như tính chất của quá trình toàn cầu hóa. Dĩ nhiên, họ có quyền lựa chọn đối tác nước ngoài khác ngoài Trung Quốc để nhập khẩu sản phẩm may mặc.
Nhưng họ không làm thế.
Giá thành rẻ, chất lượng tương đương, chính người dân Mỹ cũng được hưởng lợi từ chính sách nhập khẩu của chính phủ. Một lá cờ "made in USA" (sản xuất tại công ty Valley Forge Flag, Pennsylvania) có giá 10 USD khó bán hơn một chiếc khác làm từ Trung Quốc (công ty Tonggie Image, Thượng Hải) cũng có chất liệu poly-cotton tương tự giá chỉ 8 USD. Nếu pha chất liệu khác, cờ "made in China" có thể giá thấp hơn ở mức 6,5 USD.
Ngay cả ở lá cờ sản xuất ở Pennsylvania, dòng chữ nhỏ đính kèm cũng ghi: "Dệt, in và khâu tại Mỹ. Những công đoạn khác làm tại Trung Quốc".
"Có vẻ như bạn chẳng thể tránh được việc phải mua hàng có dính dáng tới Trung Quốc", một người dân Mỹ ngán ngẩm khi để ý đến lá cờ treo trước cửa nhà.
Scandal trang phục Olympic "made in China" chỉ là trò chơi tâm lý của các chính trị gia. |
Nhiều ý kiến cho rằng chính việc nhập khẩu quá nhiều hàng hóa từ Mỹ đã đánh mất đi cơ hội làm việc của hàng nghìn người dân, đặc biệt trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ đang khá cao, ở mức 8,2% (tính đến tháng 6/2012).
"Tôi hiểu mọi người vô cùng buồn về thực trạng kinh tế ảm đạm hiện nay. Nhưng việc người Mỹ mua hàng Mỹ cũng chẳng thể thay đổi được tình hình. Ngược lại, nếu sử dụng nguồn nhân công giá trẻ từ nước ngoài, các công ty của chúng ta mới còn đất sống. Và họ sống thì mới đóng góp tiền vào sự phát triển của nền công nghiệp công nghệ cao của đất nước", một chuyên viên nghiên cứu tại ủy ban thương mại Hoa Kỳ cho hay.
Hoài Thu
Bình luận