• Zalo

Khi người miền núi 'thoát ly ra biển'

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 21/11/2022 11:35:45 +07:00Google News

Họ gọi đó là "những cuộc thoát ly” khỏi vùng quê yên bình nhưng nghèo khó, để tìm kiếm cho mình cơ hội đổi thay số phận.

Họ không phải là người làng biển, mà ở vùng miền núi xã Mai Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình). Nhưng vì mưu sinh, họ đã lựa chọn ra với biển, làm thuyền viên lênh đênh trên tàu viễn dương. 

“Thoát ly” ra biển 

Trưa trật, Hà Thị Thơm (SN 1990) ở thôn Bắc Hóa, xã Mai Hóa vẫn còn loay hoay bếp núc. Thấy khách lạ hỏi thăm, Thơm nói như giải thích: “Ở nhà chỉ mỗi 3 mẹ con loanh quanh với nhà cửa, con cái mà cũng không kịp việc. Em đang nấu cơm cho mấy đứa nhỏ ăn để đi học”. 

Thoạt trông, ngôi nhà 2 tầng bề thế mới xây dựng phần thô của đôi vợ chồng trẻ này còn chưa kịp hoàn thiện cửa ngõ, tô quét. Thơm bảo: “Xây đến đây thì hết tiền, nên không gắng được nữa. Nhưng để có được cơ ngơi như thế này, thật lòng, lúc trước vợ chồng em không dám mơ”. Bởi chỉ mới 3 năm trước, đôi vợ chồng trẻ Hà Thế Diễn (SN 1985) và Hà Thị Thơm vẫn còn quay quắt kiếm việc làm, kiếm cái ăn, cái mặc. 

Cũng như nhiều thanh niên ở xã miền núi này, lúc vừa mới tốt nghiệp cấp 3, Thơm và chồng, khi ấy chưa lấy nhau, “thoát ly” vào TP.HCM làm công nhân. Chàng làm cơ khí, còn nàng may mặc. Ở nơi đất khách quê người, lại là người cùng làng xóm, quen biết từ trước, nên họ sớm bén duyên. Năm 2011, họ dắt nhau về quê tổ chức cưới hỏi rồi cả hai lại tiếp tục dắt nhau vào miền Nam làm công nhân. “Thời điểm đó mà không đi làm công nhân, ở nhà, chúng em cũng không biết làm gì, ngoài bám vào mười mấy thước đất ruộng. Thôi thì, cứ phải thoát ly cái đã, sướng khổ tính sau”, Thơm tâm sự.

Khi người miền núi 'thoát ly ra biển' - 1

Nghề thuyền viên đã giúp nhiều gia đình ở Mai Hóa khá lên về vật chất

Vào Nam được một thời gian, Thơm sinh con, phải nghỉ việc ở nhà chăm con nhỏ, nên tất tật gánh nặng mưu sinh của cả nhà đổ dồn lên vai chồng. “Lương công nhân cơ khí 9 triệu đồng/tháng của chồng thời điểm đó cũng là mức thu nhập khá cao. Nhưng cuộc sống ở thành phố làm sao cáng đáng được cả gia đình, trong khi thứ gì cũng phải cần tiền. Vợ chồng cầm cự được gần 3 năm thì quyết định về quê để làm ruộng. Biết về quê là sẽ khó khăn, vất vả, nhưng dù ở đâu vợ chồng ở bên nhau vẫn hơn. Rau cháo, sướng khổ rồi sẽ qua", Thơm chia sẻ. 

Từ khi về quê, Thơm được bố mẹ chồng cắt cho mảnh đất để dựng nhà ở. Nói là nhà, nhưng chỉ nhỉn hơn cái lều tạm một chút. Ba mẹ hai bên lại nhường cho thêm 5 sào ruộng nữa. Ngày ngày, chồng Thơm đi làm thuê. Ai kêu gì làm nấy, miễn sao có tiền nuôi con. 6 năm miệt mài lao động, có khi chồng Thơm phải sang Lào, nhưng tiền kiếm được cũng chỉ lo đủ cái ăn.

“Nhưng 3 năm nay, chúng em đã đỡ hơn rồi”, Thơm cho biết. 3 năm là thời gian kể từ lúc vợ chồng Thơm quyết định không thể “sống tạm” qua ngày. Lúc đó, ở xã Mai Hóa rộ lên phong trào đi làm thuyền viên tàu viễn dương. Sẵn trong gia đình có người em trai làm thủy thủ và có người giới thiệu, Diễn cũng kiếm cơ hội đổi đời, làm hồ sơ đăng ký. 

Sau 4 tháng ra Hải Phòng tham gia khóa học điều khiển tàu, Diễn lên tàu đi biển. Ban đầu lương của Diễn cũng chỉ có 13 triệu đồng/tháng, nhưng giờ đây đã được trên dưới 30 triệu đồng/tháng. “Có ít tiền, vợ chồng bàn nhau vay thêm ngân hàng để làm nhà ở. Năm nay, chồng em đi tàu chở dầu, nên hoạt động chủ yếu ở vùng biển trong nước và vẫn có sóng điện thoại để gọi về gặp vợ, gặp con. Thôi thì vì gia đình, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, vợ chồng đành mỗi người một nơi vậy”, Thơm tâm sự mà như tự động viên mình. 

Đổi thay số phận 

Những thuyền viên làm việc trên tàu tàu viễn dương, quanh năm suốt tháng lênh đênh trên biển gọi sự lựa chọn của mình là cuộc "thoát ly"- thoát ly để tìm kiếm cho mình cơ hội đổi thay số phận. 

Vừa trở về sau gần 10 tháng lênh đênh trên biển, anh Cao Văn Phong (SN 1972) ở thôn Bắc Hóa đang trong thời gian nghỉ ở nhà. Năm 2019, khi đã 47 tuổi, anh Phong mới lên tàu đi biển, sau 4 tháng tham gia khóa đào tạo vận hành máy trên tàu viễn dương ở Hải Phòng. Hôm chúng tôi đến, anh Phong mới trở về nhà được 5 ngày. 

Anh Cao Văn Phong kể, so với lứa tuổi thanh niên trong thôn, anh lựa chọn lối rẽ làm thuyền viên tàu viễn dương khá muộn. May sao mà sức vẫn còn chịu đựng được. Người ở miền núi vốn quen băng rừng, lội suối, nay ra biển, những ngày đầu ở trên tàu, anh tưởng khó có thể trụ lại trước những cơn say sóng. Thế rồi, cuối cùng anh cũng vượt qua. Vì cuộc mưu sinh mà buộc phải thích nghi, bởi với thế hệ 7X như anh, giờ đây thực sự không có nhiều lựa chọn.

Khi người miền núi 'thoát ly ra biển' - 2

Hà Thế Diễn (người ngồi thứ 2 từ trái sang) cùng thủy thủ đoàn trước khi lên tàu

Anh Phong kể, nhà bố mẹ anh nghèo, lại đông anh em. Bản thân anh không được học hành đến nơi đến chốn. Anh bỏ học năm lớp 6 (lúc đó anh đã 15 tuổi) cũng chỉ vì 2 chữ đói nghèo. Mà không đi học nữa, thì phải tự đi kiếm lấy cái ăn. Vậy là vừa bỏ học, anh liền theo đám bạn vào Ngư Hóa đào đãi vàng, thời đó gọi là đi “ăn vàng”. Đi làm được một thời gian, anh mới thấy kiếm cái ăn cũng không phải dễ. Anh bỏ về nhà, đi làm “lâm tặc”.

Anh thú nhận: “Đúng là làm "lâm tặc" thật chứ không phải nói chơi. Thời điểm đó, rừng còn gỗ lạt, nên dễ kiếm được tiền. Quãng đời “lâm tặc” của anh có thâm niên gần hai chục năm, từ lúc còn thanh niên đến lúc lập gia đình sau này, chứ không phải ít. Rồi đến lúc rừng hết gỗ, những lâm tặc như anh cũng buộc phải “hoàn lương”, rời bỏ rừng. Từ đấy, anh trở thành "thợ đụng". Đụng gì làm nấy. “Đói thì đầu gối phải bò mà, chứ cả nhà 5 người sống bám vào 1 sào ruộng lúa và 1 sào đất màu thì bao giờ cho đủ ăn”, anh Phong nhớ lại.

Rồi đến đời con anh. Thằng con trai đầu bước tiếp đường bố nó, cũng thôi học từ khi mới tốt nghiệp cấp 2. Thời điểm đó, nhà anh có người em vợ làm thủy thủ đi tàu biển. Thôi thì cũng phải kiếm lấy một nghề, chứ “thợ đụng” như đời bố nó thì còn khổ nữa. Nghĩ vậy, anh cho con ra Hải Phòng học trung cấp hàng hải, lớp vận hành máy tàu biển (hệ vừa học phổ thông vừa học nghề), kéo dài 3 năm. 

“Giờ đây, nó cũng theo nghề được gần 8 năm. May sao, nó cũng chịu khó bám nghề. Vì lúc đó, nghề đi tàu biển, lương thấp (5-6 triệu đồng/tháng chứ không cao như bây giờ, 30- 50 triệu đồng/tháng). Lúc lên bờ nghỉ, cháu nó lại tranh thủ học để nâng cao chứng chỉ vận hành máy (tương đương hệ cao đẳng) và sắp tới sẽ nhận bằng”, anh Phong kể.         

Còn riêng với anh Phong, sau 3 năm làm việc, mức thu nhập của anh giờ đây đã trên 30 triệu đồng/tháng. “Thế cũng coi như là thoát cảnh cơm đùm, áo vá. Giờ đây còn sức khỏe, còn cố gắng đi được năm nào, tốt năm đó. Bởi, thằng út năm nay còn đang học lớp 9 nữa”, anh Phong nói thêm. 

Chủ tịch UBND xã Mai Hóa Nguyễn Anh Tuấn cho biết, xã Mai Hóa đất chật người đông, việc làm ít, thu nhập không ổn định. Những năm gần đây, rất nhiều người dân trên địa bàn xã lựa chọn làm thuyền viên trên tàu viễn dương. Nhờ thu nhập cao, nghề thuyền viên đã giúp cho nhiều người, nhiều gia đình thay đổi số phận, hoàn cảnh. Hiện trên địa bàn xã có hơn 200 người là thuyền viên làm việc trên tàu viễn dương, trong đó riêng thôn Bắc Hóa đã có gần 90 người.

(Báo Quảng Bình)
Bình luận
vtcnews.vn