Theo một nghiên cứu mới đây, nếu nhân loại không giảm lượng khí thải carbon dioxide vào năm 2035, nhiệt độ trung bình hàng năm vào cuối thế kỷ XXI sẽ tăng 4,5-5 độ C. Khi đó, một nửa dân số trên thế giới sẽ chết vì thời tiết bất thường, một nửa khác sẽ tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang giành nguồn tài nguyên còn lại và hệ lụy là chiến tranh nổ ra.
Không phải lần đầu
Sự tuyệt chủng hàng loạt của gần như toàn bộ sự sống trên Trái Đất từng xảy ra ít nhất năm lần. Một trong số đó, sự biến mất của khủng long xuất phát từ cú va chạm tiểu hành tinh, những lần còn lại đều do sự nóng lên của khí hậu do hiệu ứng nhà kính gây ra.
Khoảng 252 triệu năm trước ghi nhận sự gia tăng nhiệt độ trung bình hàng năm lên tới 5 độ C. Cái giá phải trả là 96% mạng sống của tất cả các loài sinh vật biển và 73% các loài động vật có xương sống trên cạn, nhà báo khoa học Peter Brannen cho biết trong cuốn sách Ngày tận thế.
Các nhà khoa học Australia cảnh báo, với tốc độ ấm lên như hiện nay, nếu nhân loại không giảm lượng khí thải carbon dioxide, nhiệt độ trung bình hàng năm vào cuối thế kỷ XXI sẽ tăng 4,5-5 độ C. Nhưng nếu nhận ra và sớm có cách khắc phục, con số này có thể sẽ dừng ở mức 2 độ C, chỉ số tương đối an toàn. Trong trường hợp này, hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ không quá nghiêm trọng và nhân loại sẽ có thể đối phó với nó.
Cái nóng nguy hiểm chết người
Tuy nhiên, các nhà khoa học Thụy Điển, Đan Mạch và Anh không lạc quan như vậy. Theo họ, những thay đổi gây ra bởi mức độ ấm lên "an toàn" có thể kích hoạt các quá trình mà con người không thể tác động tới. Trước hết là tan băng vĩnh cửu, giải phóng hydrat mêtan từ đáy đại dương và rừng biến mất. Hàng loạt các thảm họa này sẽ gây ra sự gia tăng nhiệt độ trung bình thêm 3 đến 4 độ C. Hậu quả là hầu hết các rạn san hô sẽ sụp đổ, vùng ven biển bị ngập lụt, nông nghiệp chịu thiệt hại nghiêm trọng.
Ngoài ra, một phần dân số của hành tinh sẽ phải đối mặt với sức nóng bất thường. Trong điều kiện như vậy, cơ thể không thể làm mát hiệu quả, điều này rất quan trọng cho sự sống còn. Do đó, rất có khả năng nhiều người sẽ không thể sống ở những khu vực rộng lớn xung quanh đường xích đạo.
Ở những địa điểm khác, tỷ lệ tử vong do say nắng sẽ tăng đáng kể. Theo tính toán của một nhóm nhà khoa học quốc tế, từ năm 2031 đến 2080, con người sẽ chết nhiều hơn do nhiệt độ quá cao. Ví dụ, ở Brazil, tỷ lệ tử vong do nhiệt sẽ tăng 770%, ở Mỹ là 400-525% và châu Âu 400%.
Thế giới trên bờ vực chiến tranh
Cách đây 128.000 năm trước trên lãnh thổ nước Pháp hiện đại, nhiệt độ trung bình hàng năm tăng 2 độ C. Người Neanderthal sống ở đó phải trở thành những kẻ ăn thịt người. Môi trường nóng lên làm thay đổi nghiêm trọng cảnh quan xung quanh, những khu rừng xuất hiện thay vì đồng cỏ, gây khó khăn cho việc săn bắn. Voi ma mút và tuần lộc trong chế độ ăn uống của người cổ đại được thay thế bằng hươu hoang, các loài gặm nhấm nhỏ, rùa và rắn. Do đó, người Neanderthal thường phải bổ sung lượng protein động vật bằng mạng sống của đồng loại yếu hơn.
Ngày nay, khí hậu nóng lên khó có thể biến con người thành thú dữ, nhưng nó có thể kích động các cuộc xung đột quân sự dữ dội.
Theo công trình nghiên cứu của các nhà khoa học từ Đại học Stanford (Mỹ), khi nhiệt độ trung bình hàng năm tăng 2 độ, nguy cơ đụng độ vũ trang trên toàn thế giới tăng 13%. Nếu Trái Đất nóng lên 4 độ C, thì xác suất hành động quân sự tăng lên 26%. Hơn nữa, những xung đột bắt đầu xuất hiện trong từng quốc gia riêng lẻ, cũng có thể biến thành một cuộc chiến chống lại tất cả.
Ngày nay, từ 3 đến 20% các cuộc đụng độ vũ trang trên thế giới là do biến đổi khí hậu, giới chuyên gia khẳng định. Ngay cả những khác biệt nhỏ về nhiệt độ và những thay đổi về lượng mưa cũng kích động bạo lực, từ xung đột cá nhân đến các cuộc chiến toàn diện. Hầu hết chúng thường xảy ra với sự gia tăng mạnh và đáng kể về nhiệt độ.
Theo ý kiến của nhóm nghiên cứu khoa học quốc tế, điều này có thể là do thực tế sức nóng có thể ảnh hưởng đến sinh hóa của não - chất dẫn truyền thần kinh điều chỉnh cảm xúc bị phá hủy. Mặt khác, nhiệt độ cao góp phần vào việc sản xuất testosterone trong cơ thể, ảnh hưởng đến mức độ hung hăng của con người. Đó là lý do tại sao năm này qua năm khác số lượng tội phạm và người tự tử lớn nhất được ghi nhận trong bối cảnh thời tiết nóng bất thường.
Bầu trời kim cương
Ngay cả khi tuân thủ tất cả các điều kiện của thỏa thuận Paris về khí hậu, gần như không thể ngăn chặn sự tăng lên của nhiệt độ trung bình hàng năm. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn sẽ giúp làm chậm lại quá trình này.
Giới khoa học cho rằng việc từ bỏ sử dụng xe hơi cá nhân, di chuyển theo đường hàng không và chuyển sang chế độ ăn chay là những cách hiệu quả nhất để chống lại hiện tượng khí hậu nóng lên. Nhưng có nhiều lựa chọn kỳ lạ hơn. Cụ thể, các nhà nghiên cứu từ Đại học Harvard (Mỹ) đề xuất phương án phun bột mịn kim cương và oxit nhôm vào khí quyển. Điều này sẽ làm giảm lượng ánh sáng mặt trời chiếu xuống bề mặt Trái Đất, từ đó làm mát hành tinh.
Phương pháp này chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả nhưng giá cả lại quá đắt đỏ. Ngay cả khi sử dụng kim cương nhân tạo giá rẻ trị giá 100 USD mỗi kg, số tiền này cũng sẽ là một con số không nhỏ.
Bình luận