“HLV Hoàng Anh Tuấn nói được, làm được”
Đó là lời nhận xét của chuyên gia Vũ Mạnh Hải về vị huấn luyện viên đã đưa các cầu thủ trẻ Việt Nam đến vòng chung kết giải U20 thế giới. Lời khen này không hề sai, nếu nhìn vào cuộc hành trình của thầy trò ông Hoàng Anh Tuấn từ giải Đông Nam Á đến đấu trường châu lục.
Lùi lại thời điểm cách đây hơn một tháng, khi U19 Việt Nam thua sấp mặt trước U19 Australia trên sân Hàng Đẫy, nhà cầm quân người Khánh Hòa thẳng thắn thừa nhận rằng các học trò của ông đã có một giải đấu tồi tệ.
Nói một cách ngắn gọn thì đó là những màn trình diễn “nặng nề, không thanh thoát” và “chẳng ai muốn xem cả”, theo lời cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải.
HLV Hoàng Anh Tuấn không né tránh những vấn đề của U19 Việt Nam tại giải đấu đó. Trong những buổi họp báo, ông lần lượt chỉ ra yếu kém từ khâu dứt điểm, thể lực sa sút về cuối trận cho đến lỗi cá nhân của các hậu vệ, thậm chí còn mắng các cầu thủ vì tinh thần và thái độ trên sân.
“Để chuẩn bị cho bước tiếp theo là giải AFC, chúng tôi cần một sự thay đổi lớn”. Ông Tuấn nói như vậy, và thực tế đã làm được như vậy. Không khó để khẳng định điều này, bởi ba trong số những điểm yếu được nhắc tới ở trên giờ đây lại là những điều khiến cho U19 Việt Nam được khen ngợi nhiều nhất.
Đá hay đến mấy, không có thể lực thì cũng vứt!
Chuyên gia thể lực Martin Forkel đã không đi cùng U19 Việt Nam kể từ sau giải Đông Nam Á nhưng vẫn được xem là người có đóng góp quan trọng trong thành công của đội ở đấu trường châu lục. Sự bền bỉ và khả năng bứt tốc đáng kinh ngạc chính là điểm nổi bật nhất mà những Trọng Đại, Tiến Dụng cùng các đồng đội đã thể hiện tại Bahrain.
Nếu như tiết lộ của HLV Hoàng Anh Tuấn sau trận tứ kết cách đây ít ngày là sự thật, thì đó là lần đầu tiên một đội Việt Nam chủ động tính đến việc ép thể lực trước đối thủ Tây Á.
Ông Hoàng Anh Tuấn may mắn khi sở hữu một đội hình có thể nền tảng thể chất tương đối ấn tượng so với các lứa đàn anh. Cùng với đó là lộ trình rèn luyện hợp lý trong nhiều tháng qua để giúp các cầu thủ đạt đến một trạng thái đủ để không hụt hơi trước các đội bóng vốn được xem là mạnh hơn về các yếu tố thể chất.
Tuy nhiên thực tế là không phải đến bây giờ bóng đá Việt Nam mới ý thức được tầm quan trọng của việc rèn sức bền và sự nhanh nhẹn cho các cầu thủ trẻ. Qua cuộc trò chuyện với chuyên gia Vũ Mạnh Hải, phóng viên được biết rằng cách đây nửa thế kỷ, câu lạc bộ Thể Công đã có chương trình đào tạo chú trọng vào các yếu tố này.
Phải đáp ứng lên đến 9 hay 10 cây số mới đá được với Tây hoặc các đội mạnh ở châu Á
“Cầu thủ Việt Nam mỗi trận chỉ chạy được 3 hay 4 cây số. Trong khi phải đáp ứng lên đến 9 hay 10 cây số mới đá được với Tây hoặc các đội mạnh ở châu Á”, ông Hải cho biết.
Cựu danh thủ của Thể Công kể lại rằng thời ông còn tập ở đội trẻ, ban huấn luyện đòi hỏi các cầu thủ phải đạt đến trình độ thể lực và tốc độ đủ để đá đội một sau khi kết thúc 3 năm rèn luyện cơ bản (tính từ năm 15 tuổi).
“Có một số chỉ tiêu ví dụ như chạy 100 mét, lúc mới vào anh có thể chạy 14-15 giây kệ anh nhưng sau 3 năm anh phải đạt 12 giây trở xuống, ngang với vận động viên điền kinh kiện tướng của Việt Nam. Thời đó chạy nhanh nhất là ông Trần Hữu Chỉ vô địch quốc gia 11,1 giây. Riêng lứa của tôi có những người đặc biệt lắm, như ông Ba Đẻn hay ông Thái Nguyên Bền chạy 100m chỉ 11 giây mấy thôi, nhanh lắm.”
Ông cũng tiết lộ một thông tin thú vị là trong những lần tập trung đội tuyển quốc gia thời kỳ đó, các cầu thủ đến từ câu lạc bộ khác luôn “đầu hàng” trước những bài tập thể lực, riêng người của Thể Công do đã quen tập với giáo án nước ngoài nên dễ dàng đáp ứng được.
Nói về thành công của U19 Việt Nam tại giải châu Á, ông Vũ Mạnh Hải cũng không quên đề cập tới yếu tố may mắn. Dù vậy, cựu cầu thủ Thể Công cho rằng đó cũng là một hệ quả xứng đáng cho những nỗ lực của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn.
“Đây là một thành công lớn, chứ không thể nói là vừa vừa được đâu. Tất nhiên việc huấn luyện, đào tạo là rất đúng rồi nhưng phải nói một điều là chúng ta cũng gặp may nữa”, ông chia sẻ. “May mắn luôn đến với những người cố gắng, lao động cật lực.”
Bình luận