Tiếp và làm việc với Đoàn có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Tỉnh Nguyễn Văn Danh; các đồng chí lãnh đạo UBND Tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của Tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Phạm Anh Tuấn, hiện nay, các nhiệm vụ KH&CN tại địa phương đã từng bước được đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng các nhiệm vụ KH&CN phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Trong 5 năm (2012-2018), 101 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh của Tiền Giang đã được triển khai, trong đó 51 nhiệm vụ được nghiệm thu đưa vào ứng dụng, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, phát triển vườn cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, thủy sản, phát triển công nghiệp, văn hóa - xã hội.
Nhìn nhận một cách khái quát, ông Nguyễn Văn Danh cho biết: Tiền Giang đã có nhiều cơ chế, chính sách đầu tư cho KH&CN. KH&CN đã đóng góp lớn vào những thành tựu chung đó, ngày càng gắn bó hơn với sản xuất và đời sống, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Tuy nhiên, kinh phí sự nghiệp KH&CN của Tỉnh còn hạn chế nên các nhiệm vụ KH&CN còn mang tính riêng lẻ, chưa thực hiện đồng bộ việc chuyển giao kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất, đời sống, việc tập trung đầu tư xây dựng chuỗi giá trị đối với sản phẩm chủ lực của Tiền Giang còn nhiều hạn chế; cơ chế, chính sách, việc đầu tư cho KH&CN còn rất thấp, lực lượng cán bộ nòng cốt còn ít; sự phân bổ lực lượng KH&CN chưa hợp lý, chưa đồng bộ. Vì vậy, những đề tài, dự án phải mất thời gian rất dài và chưa được đưa vào ứng dụng…
Từ tình hình thực tiễn trên, Tỉnh kiến nghị và đề xuất Bộ KH&CN sớm ban hành các văn bản hướng dẫn phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo liên quan đến định mức, cơ chế hỗ trợ cụ thể địa phương áp dụng thực hiện; xây dựng chương trình, kế hoạch hỗ trợ địa phương tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; xem xét, hỗ trợ kinh phí đầu tư Khu thực nghiệm công nghệ sinh học 20ha.
Đồng thời, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia với Bộ KH&CN như: Nghiên cứu chọn tạo giống sầu riêng có năng suất, chất lượng cao phục vụ cho các tỉnh phía Nam; nghiên cứu xây dựng hệ thống về chỉ dẫn địa lý để áp dụng, duy trì và phát triển bền vững cho sản phẩm xoài cát Hòa Lộc và vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim; chuyển giao công nghệ xây dựng mô hình vườn cây ăn trái (thanh long, sầu riêng, xoài…) kiểu mẫu ứng dụng công nghệ cao.
Tổng kết buổi làm việc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhận định các con số đã thể hiện sinh động, rõ nét sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Tỉnh. Hoạt động KH&CN cần phải thực hiện liên ngành, quyết liệt và đồng bộ, đồng thời tận dụng và phát huy được thành tựu của từng địa phương, cũng như sản phẩm chủ lực của địa phương.
Để làm được điều này, thời gian tới cần đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi có hiệu quả công nghệ sinh học vào sản xuất, trong đó đáng chú ý là ưu tiên lĩnh vực sản xuất nông thủy sản, thực phẩm, dược phẩm… Bộ KH&CN ghi nhận các đề xuất và kiến nghị của Tỉnh và sẽ chung tay cùng các Bộ, ngành và Tỉnh giải quyết.
Bình luận