"Sang-chol!", bà Lee Keum-seom, 92 tuổi hét lên trong nước mắt khi lao vào vòng tay của người con trai thất lạc 68 năm.
Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) chia cắt bà Lee cùng con trai và chồng khi cả gia đình chạy trốn khỏi tiền tuyến những ngày đầu bão lửa. Khi cố hòa vào dòng người vượt qua vùng đất là khu phi quân sự ngày nay, bà Lee tuột mất con trai và chồng, những người không len nổi sang phần lãnh thổ thuộc Hàn Quốc ngày nay và ở lại Triều Tiên.
Đoàn tụ sau gần 7 thập kỷ, ông Ri Sang-chol, 71 tuổi, giờ trông còn già hơn mẹ mình.
“Mẹ, đây là bố”, ông Ri nói, giơ lên bức ảnh chụp người cha quá cố.
Suốt cuộc gặp ngắn ngủi chưa đầy 2 giờ đồng hồ tại khu nghỉ dưỡng trên núi Gumgang ở phía Đông Triều Tiên, bà Lee không lúc nào buông tay con trai, “chất vấn” hàng loạt câu hỏi về cuộc sống và gia đình của con.
120 phút không đủ để cả 2 tâm sự về những biến cố trong mấy chục năm qua nhưng tạm lấp đầy nỗi khát khao hội ngộ day dứt suốt hơn 1 nửa thế kỷ.
Bà Lee là 1 trong số 89 người được chính phủ Hàn Quốc chọn tham gia chương trình đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên hồi tháng 8/2018. Có 57.000 người đủ điều kiện tham gia, nhưng chỉ 0,16% được chọn thông qua hệ thống quay số ngẫu nhiên trên máy tính.
Sự kiện đoàn tụ này là một trong các nội dung trong thỏa thuận được ký kết trong hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 4/2018.
Kể từ năm 2000, Seoul và Bình Nhưỡng tổ chức 20 cuộc đoàn tụ sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 1. Tuy nhiên, hoạt động này bị chấm dứt kể từ sau tháng 10/2015, khi 2 quốc gia láng giềng chìm trong căng thẳng với những lời công kích và đe dọa lẫn nhau.
Gió bắt đầu đổi chiều khi ông Moon Jae-in, một người gốc Triều Tiên đắc cử Tổng thống Hàn Quốc. Ông Moon Jae-in chưa bao giờ giấu giếm khát khao thống nhất 2 miền Triều Tiên vào năm 2045 hay ước mơ biến bán đảo Triều Tiên thành một siêu cường ở Đông Bắc Á.
“Tôi hứa sẽ tìm kiếm cơ sở vững chắc để tổ chức thành công Thế vận hội chung năm 2032 tại Seoul - Bình Nhưỡng để đến năm 2045, nhân kỷ niệm 100 năm giải phóng, 2 nước sẽ bước ra thế giới như một quốc gia hòa bình và thống nhất. Chúng tôi có thể làm được", ông Moon nói tại lễ kỷ niệm 74 năm Hàn Quốc được giải phóng khỏi sự cai trị của Nhật Bản.
Ông Moon không nói suông. Kể từ khi lên nắm quyền, ông nỗ lực nối lại sợi dây đối thoại đứt đoạn với Bình Nhưỡng. Trái ngọt được gặt hái không lâu sau đó với 3 hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Kim chỉ trong vòng 6 tháng.
Lần gần đây nhất vào tháng 9/2018, 2 nhà lãnh đạo ký kết “Tuyên bố chung Bình Nhưỡng”, trong đó kêu gọi các bước tiến để cải thiện mối quan hệ liên Triều, mở cơ sở chung phục vụ các hoạt động đoàn tụ những gia đình bị ly tán bởi chiến tranh.
Trong một thỏa thuận riêng giữa các chỉ huy quốc phòng, 2 nước thống nhất rút hết vũ khí, dỡ bỏ đồn kiểm soát và hoàn thành việc gỡ mìn làng đình chiến Bàn Môn Điếm trong khu phi quân sự (DMZ), dừng mọi hành động khiêu khích, hủy bỏ vùng cấm bay tại biên giới, bình thường hóa liên lạc song phương và mở đường cho các cuộc đàm phán nghiêm túc khác.
Nói về Tuyên bố chung Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định: “Bản tuyên bố này sẽ đưa bán đảo Triều Tiên tới gần hòa bình hơn”.
Chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953 kết thúc chỉ với một thỏa thuận ngừng bắn khiến hai nước vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Hơn ai hết, người dân 2 nước luôn khát khao một nền hòa bình, thống nhất, khép lại những đau thương, ly biệt chất chồng hơn 1 nửa thế kỷ.
Tất nhiên, thống nhất hay hòa bình không phải là chuyện một sớm, một chiều, nay nói, mai thành hiện thực. Nó sẽ là một quá trình nan giải, trải dài qua nhiều vòng đàm phán, đối thoại mà nhiều khi bị chi phối bởi những toan tính từ thế giới bên ngoài. Bình Nhưỡng cũng còn đang vướng mắc với Mỹ về một thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên dù Tổng thống Trump và ông Kim đã có những cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 2 không dạt được thỏa thuận làm phát sinh thêm khó khăn, rải thêm đá trên chặng đường viết lại lịch sử hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Nhưng, cái nắm tay của lãnh đạo Hàn - Triều trên ngọn núi thiêng Paekdu, hình ảnh vận động viên 2 miền bán đảo Triều Tiên diễu hành trong một đoàn dưới lá cờ thống nhất tại lễ khai mạc Thế vận hội Mùa Đông 2018, hay khoảnh khắc nhà lãnh đạo Kim Jong-un bước qua đường phân định biên giới để đặt chân sang lãnh thổ Hàn Quốc… đang ươm mầm cho những hy vọng về một ngày thống nhất không xa.
Tất cả đều đang chờ đợi một “mùa xuân mới”, mùa đoàn tụ trên bán đảo Triều Tiên.
Bình luận