• Zalo

Khát khao tìm việc làm để báo hiếu cha mẹ của chàng trai tỉnh dậy sau 3 năm sống thực vật

Sức khỏeThứ Ba, 24/09/2019 15:41:00 +07:00Google News

Bất ngờ tỉnh dậy sau 3 năm sống thực vật, Nguyễn Tuấn Thành, 22 tuổi, ở Hà Nội luôn trăn trở, nỗ lực tìm kiếm việc làm để phụng dưỡng bố mẹ.

Một ngày cuối tháng 9, chàng trai 22 tuổi Nguyễn Tuấn Thành đăng bài viết trên Facebook cá nhân với mong muốn tìm công việc thích hợp. Ngay lập tức bài viết nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận bên dưới.

Thông tin đó có lẽ sẽ bị lướt qua nếu như đó không phải của người từng sống thực vật ba năm và bất ngờ tỉnh lại. Đằng sau đó còn là câu chuyện xúc động về tình mẫu tử và lòng hiếu thảo khiến nhiều người xúc động, cảm phục nghị lực của thanh niên này.

Chàng trai giới thiệu mình sinh năm 1997, quê ở Hà Nội. Năm lớp 8 em bị ốm và sống thực vật. Trước đó em là học sinh giỏi trong trường Cầu Diễn, có khả năng học tiếng Anh. Thành cho biết em bị sốt trước ngày thi chuyên ngữ một ngày, và khi tỉnh dậy đã ba năm trôi qua.

70476936_387006068885526_6119963998889705472_n

 Nguyễn Tuấn Thành - chàng trai đăng bài tìm việc làm nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng những ngày qua.

Bị bệnh khi chuẩn bị thi chuyên Ngoại ngữ

Một ngày hè năm 2011, trước khi bước chân ra khỏi nhà đi thi tiếng Anh tại trường Chuyên Ngoại ngữ, cậu bé Tuấn Thành bất ngờ lên cơn co giật rồi ngã khuỵu. Ngay lập tức gia đình gọi cấp cứu đưa em vào Bệnh viện 198. Thành rơi vào trạng thái hôn mê sâu và được chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán em bị viêm não, nhiều nhất chỉ sống được thêm năm rưỡi nữa, và khuyên gia đình nên đưa Thành về nhà chăm sóc.

Lời bác sĩ như tiếng sét ngang tai, mẹ em - cô Nguyễn Thị Thanh Xuân (SN 1961) rụng rời chân tay. "Đang là một đứa trẻ nhanh nhẹn, ngoan ngoãn học giỏi, được thầy yêu bạn mến, đứng thứ hai trong đội tuyển học sinh giỏi tiếng Anh của trường, vậy mà đột nhiên con mắc bệnh lạ rồi nằm bất động..."

Bình oxy, ống xông và thiết bị y tế trở thành người bạn đồng hành trong suốt quá trình chăm con của cô Xuân. Cứ vài hôm, Thành lại lên cơn co giật, cô Xuân lại kiên trì đưa con đến bệnh viện. Suốt 3 năm ròng, cô Xuân bền bỉ ở bên con như thế.

"Chưa có con, chưa hiểu được lòng mẹ. Còn nước, còn tát...", cô Xuân vừa khóc vừa nói. Thế là hàng ngày trò chuyện cùng con, kể cho con nghe mọi thứ diễn ra trong cuộc sống, chỉ hy vọng một ngày nào đó người con trai duy nhất sẽ tỉnh lại.

Ngày ngày, kết hợp Đông y, Tây y và vật lý trị liệu, cô Xuân cùng với điều dưỡng viên nâng người Thành dậy, tập cơ và vận động xoa bóp để em không bị teo cơ chân, tay. 

Rồi phép màu cũng đến, vào một ngày đẹp trời năm 2014, Thành mở mắt, gọi "Mẹ ơi" khiến người phụ nữ 53 tuổi chỉ biết vỡ òa trong nước mắt, chẳng thể tin điều đang diễn ra trước mặt: Thành tỉnh dậy và tìm mẹ. Ngay lập tức, cô Xuân gọi báo ngay cho cô điều dưỡng. Thế rồi, cả hai lại cùng bật khóc vì vui sướng.

"Hàng xóm láng giềng ai ai cũng mừng. Không ai tin nổi kỳ tích đó, sự nỗ lực của mẹ, của gia đình và của những người luôn sát cánh, đồng hành cùng hai mẹ con đã có kết quả", cô Xuân chia sẻ.

71093175_685285495317816_7650829843721879552_n

Hai mẹ con cô Xuân rất gắn bó, có chuyện gì Thành cũng thủ thỉ với mẹ. (Ảnh: NVCC)

Mong ước giản đơn của chàng trai 3 năm "ngủ quên"

Tỉnh giấc sau 3 năm sống thực vật, Thành khao khát được hòa nhập cuộc sống. Cô Xuân chạy ngược chạy xuôi tìm lớp dạy con trai nhưng chẳng đâu nhận. Cô tự mình an ủi, vỗ về con: "Chẳng cần con làm gì, chỉ mong nó khỏe thôi là tốt lắm rồi!".

Còn Thành, dù căn bệnh liên quan đến não ảnh hưởng đến việc nói và viết của em, nhưng chàng trai vẫn nhận thức rõ trách nhiệm của mình, và hơn cả Thành cũng ước ao có được cơ hội báo hiếu, phụng dưỡng cha mẹ.

"Thời gian qua, mọi thứ đều thay đổi, bản thân em cũng thay đổi... Đôi lúc em buồn khi nhận ra rằng các bạn mình đều đã đi du học, đi làm, có một cuộc sống bình thường còn em lại phải tập lại mọi thứ, từ đi đứng, nói năng, giống như được sinh ra thêm một lần nữa vậy", Thành chia sẻ với giọng nói khó khăn.

Năm năm qua, kể từ ngày phép màu đến với em, Thành vẫn luôn cố gắng học đi lại và giao tiếp. Căn bệnh làm ảnh hưởng vùng não. Em cử động chân tay vẫn bị run, và giọng nói chưa liền mạch. Dù vậy suy nghĩ của em vẫn như người bình thường. Thành chỉ cần học thêm giao tiếp, phép tắc bên ngoài vì gần thời gian qua em chỉ giao tiếp những người trong nhà.

"Em nghĩ mình cần phải tiếp tục cống hiến cho xã hội, em vẫn nói và viết được tiếng Anh, sử dụng mạng xã hội, điện thoại và máy tính. Em còn mẹ cần phải phụng dưỡng", Thành nói và cho biết em cảm thấy may mắn vì mẹ kiên trì và không rút ống thở khi tia hy vọng chỉ còn chút ít để em còn sống sót để nói ra những chia sẻ này.

Trong bài đăng tải tìm việc làm trên trang cá nhân, Thành viết: "Em viết những dòng này xin một ai đó có thể giúp em tìm được một công việc phù hợp, quan trọng hơn cả em cần người giúp đỡ em định hướng tương lai. Em vẫn còn trẻ và vẫn còn rất nhiều tham vọng. Hiện nhà em ở Mai Dịch - Cầu Giấy, em mong muốn công việc ở gần nhà để có thể tự đi xe bus".

71241820_954512101563588_3085005301397585920_n 5

 Bức ảnh Thành và hội bạn thân trở thành những ký ức đẹp khi còn học tại THCS Cầu Diễn (Cầu Giấy, Hà Nội). (Ảnh: NVCC)

Kinh tế gia đình Thành phụ thuộc cả vào đồng lương ít ỏi 6 đến 7 triệu đồng từ người bố làm nghề bảo vệ. Hàng tháng, hai vợ chồng cô Xuân phải chật vật, chắt chiu từng chút một để dành tiền mua thuốc cho con trai.

"Thiếu thuốc là con sẽ lên cơn co giật. Ăn có thể thiếu, nhưng không thể thiếu thuốc được!", cô Xuân nói.

Căn bệnh không rõ nguyên nhân suốt 8 năm qua vẫn là trăn trở lớn với gia đình Thành. Nó vô tình vùi chôn ước mơ trở thành học sinh chuyên ngoại ngữ của cậu bé 14 tuổi, dập tắt hoài bão trở thành sinh viên Đại học Luật Hà Nội của Thành.

Nhưng với cô Xuân, với Thành thì chẳng khó khăn nào có thể cản bước được họ. Mỗi ngày Thành vẫn chăm chỉ học tiếng Anh online, tìm những người bạn mới trên mạng xã hội để giao lưu, được học hỏi, sửa những lỗi sai chính tả...

Mọi cố gắng của em như để tìm lại cơ hội cho chính bản thân mình sau quãng thời gian "ngủ quên". Thành nói em sẽ sống có niềm tin và lạc quan nhất có thể. Em sẽ học cách của mẹ Xuân cách đây 5 năm, đó là mặc kệ người đời, mặc kệ những lời khuyên tháo ống thở, hàng ngày, người mẹ ấy vẫn trò chuyện với con, truyền cho con hơi ấm của tình mẫu tử, để rồi được gọi hai tiếng: "Mẹ ơi!".

Hạ Vũ
Bình luận
vtcnews.vn