Theo đó, Bộ Công thương đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin trên; nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý.
Văn phòng Bộ cũng đề nghị Cục Quản lý thị trường khẩn trương báo cáo Bộ trưởng trước ngày 28/10/2017.
Ngày 25/10, doanh nhân Hoàng Khải, Chủ thương hiệu Khaisilk - đã chính thức thừa nhận bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc.
Giải thích về việc này, ông Hoàng cho biết, giữa những năm 90 của thế kỷ trước, khi ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam suy thoái, doanh nghiệp không thể tìm đủ nguồn hàng phù hợp với chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng ở các làng nghề trong nước nên ông sang Trung Quốc tìm nguồn hàng nhập về bán.
Ông cho biết thêm, hiện nay nguồn tơ lụa trong hệ thống của Khaisilk 50% nhập từ các làng nghề nổi tiếng của Việt Nam, còn 50% nhập khẩu.
Ông Khải khẳng định, sẽ sẵn sàng đổi cho khách hàng nào đã mua sản phẩm mà cảm thấy không hài lòng. Cuối cùng, ông gửi lời xin lỗi đến khách hàng vì sự việc vừa qua.
Trước đó, Công ty Cổ phần Tiếp thị và Truyền thông Vinacom đã đặt mua của cửa hàng Khaisilk 13 Hàng Gai lô hàng 60 chiếc khăn tay lụa, có đơn giá 644.000vnđ/1 khăn.
Khi nhận lô hàng 60 chiếc khăn và tiến hành kiểm tra hàng trước khi mang gửi tặng những đối tác chị Hồng Phương cùng một số nhân viên, Công ty Vinacom bỗng phát hiện một chiếc khăn có đính kèm cả hai mác "Made in Viet Nam" và "Made in China".
Chị Hồng Phương nhắc nhân viên kiểm tra lại 59 chiếc khăn còn lại thì nhận thấy cả 59 chiếc đều có dấu hiệu bị cắt mác, với những đuôi mác vẫn còn dính lại trên chiếc khăn.
Video: Ngã ngửa trước mánh khóe lừa đảo của gian thương Trung Quốc
Sau khi nhận được phản ánh của khách hàng, một đại diện của cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai - nơi bán lô hàng trên, khẳng định chất liệu khăn được làm từ 100% lụa tơ tằm.
Về việc có gắn mác với nội dung “made in China”, vị này cho biết, nhân viên kho đã nhầm lẫn khi soạn lô khăn tay thuộc mẫu 55 x 55 cm. Theo đó, nhân viên bộ phận kho khi soạn lô 60 khăn cho đơn hàng, do bị thiếu một chiếc đã lấy ngay trên máy may đang sản xuất khăn cho một khách hàng khác mà không kiểm tra kỹ.
Đơn hàng bị lấy nhầm lại đang sản xuất 350 chiếc cho một khách hàng khác ở Hong Kong. Việc may nhãn mác “made in China” là theo yêu cầu của khách hàng.
Mặc dù ông Khải đã thừa nhận bán lụa Trung Quốc nhưng gắn mác Việt Nam, nhưng dư luận vẫn rất bất bình và đặt ra câu hỏi: Liệu hành vi của ông Khải có bị xử lý?
VTC News sẽ tiếp tục thông tin.
Bình luận