1. Câu chuyện xuất phát từ một bộ phận cổ động viên Hải Phòng trong trận đấu với CLB Hà Nội trên sân Lạch Tray chiều 16/2. Sau tình huống thổi phạt đền gây tranh gãi của trọng tài Nguyễn Hiền Triết, một đám đông đã cất vang những tiếng chửi bới, nhục mạ trọng tài cùng CLB Hà Nội.
Sau trận đấu, đám đông vẫn chịu không "buông tha" khi mở cửa sổ của phòng họp báo để tiếp tục "nguyền rủa" trọng tài, khiến cả HLV Chu Đình Nghiêm (CLB Hà Nội) và Trương Việt Hoàng (Hải Phòng) phải bỏ dở công việc để ra về.
Video: Cổ động viên Hải Phòng bao vây phòng họp báo ở sân Lạch Tray
Cơn giận của cổ động viên Hải Phòng khiến nhiều người chứng kiến cảm thấy rùng mình, dẫu sự cố khán đài không phải điều gì mới mẻ với bóng đá Việt Nam nói riêng cũng như bóng đá thế giới nói chung. Tuy nhiên, một cá nhân, một đội bóng bị công kích, hạ nhục đồng thanh bởi một đám đông, được truyền hình trực tiếp để khán giả cả nước chứng kiến, lại là câu chuyện xưa nay hiếm.
Không thể phủ nhận tình yêu và sự cuồng nhiệt của cổ động viên Hải Phòng. Nhưng yêu là một chuyện, yêu ra sao để vẫn giữ được sự tôn trọng đối thủ, giữ được hình ảnh cho cộng đồng cổ động viên, cho đội bóng, lại là vấn đề hoàn toàn khác.
Khi ấy, một số người đã biến tình yêu đáng trân trọng trở thành những hành vi không nên có ở những sân bóng trên cả nước.
2. Khi đề cập đến lộ trình phát triển bóng đá nước nhà, ban tổ chức luôn chú ý đến chất lượng cầu thủ, chất lượng đội bóng để cấu thành nên chất lượng giải đấu. Song song với đó, "chuyên nghiệp hóa" khán giả, cổ động viên cũng là nhiệm vụ quan trọng, bởi đây là bộ phận không thể tách rời và quyết định đến sự thành bại của bóng đá.
Chuyên nghiệp, trên thực tế, chẳng phải khái niệm gì đó quá xa vời. Sự dễ chịu sẽ đến khi con người dành cho nhau sự tôn trọng, tin tưởng tối thiểu. Đó là câu chuyện của cả xã hội, chứ không nằm gọn trong khuôn khổ của một sân bóng.
Pape Omar nhận án treo giò đến 6 trận vì hành vi khiêu khích khán giả (mức án cao gấp 3 lần hình phạt dành cho tình huống bạo lực của Hoàng Vũ Samson), điều đó cho thấy quyền lợi của khán giả đã được bảo vệ bằng những chế tài, điều luật cụ thể.
Vậy tại sao khán giả lại không "chơi đẹp", không văn minh và có ứng xử chừng mực với những con người trên sân - những đối tượng khiến họ phải bỏ tiền đến sân để theo dõi hàng tuần? Tại sao một bộ phận cổ động viên lại làm hoen ố hình ảnh đội bóng thân yêu, khiến CLB chuẩn bị đối diện với một án phạt khác?
Những tiếng chửi chỉ cất lên từ số ít cổ động viên, nhưng đủ để người ta trăn trở với hàng loạt vấn đề như vậy!
3. Một khán đài sạch sẽ, văn minh, hoạt động trong khuôn khổ là nền tảng cho bóng đá chuyên nghiệp thực sự.
Tình yêu của cổ động viên Hải Phòng là chất xúc tác rất đáng hoan nghênh mà không phải nơi đâu cũng có. Bóng đá phải có nhiệt huyết và sự tận tâm như vậy để phát triển. Tuy nhiên, tình yêu ấy cần được đưa vào khuôn khổ, cần được kiểm soát và dung hòa nó trong sự tôn trọng tối đa giữa người với người.
Một án phạt dành cho sân Lạch Tray, dành cho một bộ phận cổ động viên là điều có thể sẽ đến, và nó phải đến. Đó là lời cảnh tỉnh sâu sắc dành cho những tình yêu được thể hiện một cách thiếu văn hóa, dành cho những cái đầu "bốc hỏa", giận dữ hòa trong đám đông mà quên đi trách nhiệm cá nhân.
Mỗi cổ động viên đều là một phần tử của đội bóng, đều có ảnh hưởng nhất định với sự phát triển của cả một nền bóng đá. Tôn trọng để nhận được sự tôn trọng, để sân bóng là một môi trường thực sự lành mạnh, để trẻ em cũng có thể đón nhận mà không bị "đầu độc" bởi sự lăng mạ vào trong tâm hồn trẻ thơ.
Bóng đá đong đầy ý nghĩa nhân văn khi mang con người xích lại gần nhau, giúp họ hiểu và tôn trọng nhau. Mạnh tay xử lí để trả lại vẻ đẹp thuần túy mà môn thể thao vua mang lại, đó là những gì VFF và BTC V-League cần phải làm.
Bóng đá chuyên nghiệp, trước tiên phải mang đúng giá trị cốt lõi của bóng đá đã. Ở đó, sẽ chẳng bao giờ có chỗ cho những khán đài kiểu "bún mắng, cháo chửi" như vậy!
Bình luận