Hay tin Lương Văn Mậu sắp xuống Vinh nhập học, họ hàng và bà con bản Minh Phương, xã Lượng Minh (Tương Dương) đến chúc mừng. Với Mậu và bà ngoại, phía trước còn bao gian nan phải vượt qua.
Với người dân xã vùng cao Lượng Minh (Tương Dương), việc Lương Văn Mậu (SN 1998) trở thành sinh viên Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Việt Đức là một kỳ tích. Bởi lẽ cuộc đời của cậu là những chuỗi ngày bất hạnh, khi vừa sinh ra đã phải chịu cảnh tật nguyền, thân hình nhỏ thó, chân tay co quắp, việc cử động rất khó khăn.
Đã vậy, cả bố và mẹ đều dính vào vòng lao lý vì tội buôn bán và tàng trữ trái phép chất ma túy, Mậu và anh trai phải ở với ông bà ngoại. Ông ngoại mất, một mình bà ngoại già yếu phải làm lụng vất vả để nuôi anh em Mậu ăn học. Tuy bị tật nguyền, di chuyển chủ yếu nhờ đôi tay nhưng Lương Văn Mậu rất ham học, đến tuổi đi học cậu xin phép ông bà theo chúng bạn đến trường.
Những năm học tiểu học và THCS, trường ở gần nhà, Mậu có thể đi về trong buổi. Lúc bấy giờ, người dân bản Minh Phương, Xốp Mạt và thầy cô, bạn bè quen với hình ảnh cậu bé dùng đôi tay kéo lê tấm thân giữa đường để đến lớp. Hành trình đi tìm con chữ rất đỗi gian nan nhưng cậu luôn thể hiện quyết tâm, gần như không bỏ buổi học nào.
Lên THPT, nhà cách trường hơn 20 km, Lương Văn Mậu phải phải thuê phòng ở Thị trấn Hòa Bình để trọ học. Hai năm đầu, một mình cậu tự lo liệu tất cả mọi việc, từ học hành, nấu ăn, giặt giũ đến các sinh hoạt khác. Với một người tàn tật, đó thực sự là một thử thách lớn không dễ gì vượt qua, chưa kể việc chi tiêu hàng ngày cũng hết sức dè sẻn.
Nghĩ tới tương lai, một lần nữa Mậu quyết vượt lên, vì chỉ có cái chữ và kiến thức mới thoát khỏi cảnh sống đói nghèo, mới mong tìm được một nghề thích hợp. Năm học cuối cấp, có chị họ ra học và ở cùng, đỡ đần cho một số việc nên cậu đỡ được phần vất vả để tập trung cho việc học tập, củng cố kiến thức chuẩn bị cho các kỳ thi.
Với điều kiện sức khỏe và lực học của mình, Lương Văn Mậu đăng ký dự thi vào ngành Điện dân dụng của Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Việt Đức. Hiện nay, cậu đã nhận được giấy báo trúng tuyển và sắp sửa lên đường nhập học. Không giấu được niềm vui, Mậu cho biết: “Nhà trường vừa thông báo cho em chuẩn bị đồ đạc, hành lý sẵn sàng, vài ngày nữa trường sẽ cho xe lên đón”.
Bà Lương Thị Lan – bà ngoại của Mậu tỏ ra lo lắng: “Thằng Mậu sắp được xuống Vinh đi học, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì nó có cơ hội được tiếp tục học hành và kiếm được việc làm thích hợp để nuôi sống bản thân. Lo vì nó tật nguyền, việc đi lại và sinh hoạt khó khăn, lại xa nhà hơn 200 cây số, ai sẽ giúp đỡ nó lúc ốm đau?”.
Nói rồi, bà Lan cố gắng nén một tiếng thở dài, buông ánh nhìn xa xăm theo dòng Nậm Nơn mùa nước lũ. Dù không nói ra nhưng chúng tôi biết rằng bà đang có thêm một nỗi lo, đó là chi phí học tập và sinh hoạt hàng tháng của Lương Văn Mậu. Bởi bà đã cận kề tuổi “xưa nay hiếm”, đôi chân không còn đi được xa để lên rẫy, cái lưng không còn cúi được lâu để làm cỏ lúa, cỏ ngô.
Mấy năm gần đây, khi sức khỏe dần yếu đi, bà Lan chỉ làm quanh quẩn trong vườn, trồng rau, ngô và lạc kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày. Nay Mậu đi học ở thành phố, chắc chắn các khoản chi phí sẽ rất tốn kém. Bất chợt, ánh mắt bà sáng lên: “Suốt 12 năm qua, bao vất vả bà cháu đã vượt qua, nay còn 3 năm nữa rồi cũng sẽ vượt qua. Mong trời cho đủ sức khỏe để nuôi nó ăn học”.
Vừa gấp áo quần vào ba lô, Lương Văn Mậu vừa chia sẻ: “Đi học, em sẽ rất nhớ và thương bà ngoại, vì bà đã cưu mang em từ nhỏ, nay tuổi đã già vẫn phải làm lụng vất vả nuôi em ăn học. Mong cho thời gian khó khăn sẽ qua nhanh để em sớm có việc làm để kiếm tiền nuôi bà”.
Video: Khâm phục bé gái 2 tuổi không tay vẫn ăn thành thạo bằng chân
Bình luận