Chiến tranh Triều Tiên cho thấy những mẫu máy bay sử dụng động cơ piston từ Thế chiến II như Fairchild C-119, Douglas C-17 và Cutiss C-46 đã không còn phù hợp với chiến tranh hiện đại. Do đó ngày 2/2/1951, Không quân Mỹ bắt đầu đặt hàng loại máy bay vận tải có khả năng mang chở 92 người, hoặc 72 quân nhân với đầy đủ trang bị, hoặc 64 lính dù.
Vào thời kỳ này, động cơ tuốc bin cánh quạt đã ra đời, trong đó có Allison T56. Loại động cơ này cho phép máy bay duy trì tốc độ hành trình tương đối cao nhưng tiết kiệm nhiên liệu hơn so với động cơ phản lực. Ngoài ra, động cơ tuốc bin cánh quạt có mức tạo năng lượng trên trọng lượng lớn hơn nhiều so với động cơ piston.
Lockheed C-130 Hercules được phát triển từ máy bay thử nghiệm Chase XCG-20 vốn được phát triển từ năm 1947, sau đó là nguyên mẫu của máy bay vận tải C-123 Provider. Do đó có thể nói C-130 là “người anh em lớn” về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng với C-123.
Ngoài ra, C-130 còn thừa hưởng lại thiết kế của hệ thống thang bốc hàng trên máy bay Boeing C-97 Straitofreighter, hệ thống này cho phép C-130 thả dù xe tăng M551 Sheridan ở độ cao thấp.
Ngày 23/8/1954, chuyến bay đầu tiên của nguyên mẫu thử nghiệm YC-130 cất cánh từ nhà máy của Lockheed tại Burbank, California, Mỹ. Đây là chiếc máy bay thứ 2 trong 2 nguyên mẫu thử nghiệm YC-130 đầu tiên được chế tạo hoàn chỉnh, mang mã số 53-3397 và thực hiện chuyến bay kéo dài khoảng 61 phút.
C-130 bắt đầu được bàn giao vào tháng 12/1956 và tính tới năm 2009, có tổng cộng trên 2.300 chiếc C-130 được chế tạo. Một số chiếc C-130A được trang bị càng trượt tuyết và có tên gọi C-130D, một số chiếc C-130A khác phục vụ Bộ chỉ huy Chiến thuật Không quân được trang bị thêm thùng nhiên liệu phụ ở dưới cánh để tăng tầm bay.
Sau khi C-130A vận hành, các phiên bản kéo dài tầm bay như C-130B và C-130E bắt đầu được bàn giao vào khoảng đầu những năm 1960. C-130E có một số cải tiến mới như động cơ tuốc bin cánh quạt Allison T56-A-7A, giá treo thùng nhiên liệu phụ dưới cánh, kết cấu cải tiến. Ngoài ra, phiên bản máy bay tiếp nhiên liệu KC-130 được phát triển từ C-130F cũng bắt đầu đi vào hoạt động trong khoảng thời gian này.
Bên cạnh đó, để thay thế nhiệm vụ của “xe tăng bay” Douglas AC-47, C-130 được chọn làm nguyên mẫu phát triển cường kích AC-130 Spectre do C-130 có tầm bay cao hơn, tốc độ cao hơn và thời gian quần đảo dài hơn so với trực thăng lẫn C-47 (nguyên mẫu của AC-47).
Video: Cường kích AC-130 nã đạn
Tùy vào các phiên bản, AC-130 được trang bị súng máy 7.62 mm, súng máy 6 nòng M61 Vulcan, pháo 40 mm L/60 Bofors hoặc pháo 105 mm M102, thậm chí phiên bản hiện đại của AC-130 còn được trang bị tên lửa AGM-114 Hellfire và AGM-176 Griffin.
Trong Kháng chiến chống Mỹ, AC-130 của Không quân Mỹ gây nhiều thiệt hại cho bộ đội ta, nhưng cũng bắn hạ một số chiếc AC-130, phía Mỹ thừa nhận có 6 chiếc AC-130 bị bắn hạ. Sau năm 1975, Không quân Nhân dân Việt Nam thu giữ một số chiếc C-130, bằng khả năng sáng tạo của mình, cán bộ chiến sĩ Không quân Nhân dân Việt Nam đã cải tiến C-130 thành máy bay ném bom để chi viện hỏa lực cho Chiến dịch Biên giới Tây Nam.
Do C-130 tiếp tục chinh phục được nhiều khách hàng, Lockheed tiếp tục cải tiến C-130, từ năm 1992 đến năm 1996, C-130H được sản xuất nhiều nâng cấp như hệ thống định vị GPS, thiết bị nhìn đêm, thiết bị cảnh báo tên lửa. Phiên bản tiếp theo của C-130 mang tên C-130J Super Hercules thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 5/4/1996 và vẫn tiếp tục được sản xuất cho tới tận ngày nay.
Hiện tại, Mỹ vẫn là quốc gia sử dụng nhiều C-130 nhất, song mẫu máy bay vận tải này còn được tin tưởng sử dụng trong quân đội một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Israel, Đức, Áo, Bỉ, Pháp, Anh... Ngoài ra, phiên bản dân sự của C-130 còn được các hãng hàng không dân dụng tại Mỹ, Canda, Đức, Ireland, Nam Phi và Thụy Sĩ khai thác.
Tính đến nay, C-130 là mẫu máy bay đã “cao tuổi” của Mỹ với 63 năm phục vụ kể từ chuyến bay đầu tiên được C-130 thực hiện từ năm 1954. Bên cạnh máy bay vận tải hiện đại C-17, C-130 vẫn tiếp tục được biên chế trong quân đội Mỹ và nhiều nước bởi độ tin cậy của loại máy bay này.
Ngày 7/11, máy bay vận tải C-130 của Không quân Hàn Quốc đáp xuống Đà Nẵng, mang theo hàng hóa và trang thiết bị phục vụ cho đoàn công tác của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng các quan chức khác của chính phủ Hàn Quốc tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng.
Video: Cận cảnh C-130 của quân đội Hàn Quốc đáp xuống Đà Nẵng
Bình luận