Khaisilk bán lụa Trung Quốc: 'Ông Hoàng Khải phải rất có lộc khi sau 30 năm mới bị phát hiện'

Kinh tếThứ Hai, 30/10/2017 15:32:00 +07:00

Việc Khaisilk bán lụa Trung Quốc được nhiều người trong nghề biết từ lâu, thậm chí có người còn khẳng định: “Ông Hoàng Khải phải rất có lộc, vì sau 30 năm mới bị phát hiện”.

Theo báo cáo bước đầu của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, do nhu cầu khăn lụa tăng đột biến dịp 20/10, nhân viên cửa hàng Khaisilk đã tự mua hàng Trung Quốc và thay nhãn ''Made in Vietnam''.

Tuy nhiên, từ lâu, lời đồn về việc Khaisilk bán lụa “tầu” đã được lan truyền, thậm chí có người còn nói “ông Khải phải có lộc lắm khi sau 30 năm mới bị phát hiện”.

Cả làng lụa đều biết Khaisilk bán lụa Trung Quốc

Doanh nhân Hoàng Khải bắt đầu sự nghiệp “con đường tơ lụa” của mình vào những năm 1990 tại Hà Nội. Cửa hàng đầu tiên của vị doanh nhân này tại 113 Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã giúp thương hiệu Khaisilk đến với công chúng, đặc biệt là những vị khách ngoại quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn, doanh nhân Hoàng Khải thừa nhận đã trộn khăn lụa từ làng Nhai Xá (Hà Nam) với lụa Trung Quốc với tỷ lệ 50 - 50. Tuy nhiên, các nghệ nhân dệt lụa nổi tiếng đất Nam Hà đã khẳng định, ông Hoàng Khải chỉ là một trong số rất nhiều khách hàng của làng nghề.

2719_khaisilk-0016302 4

Trong một cuộc phỏng vấn, doanh nhân Hoàng Khải thừa nhận đã trộn khăn lụa từ làng Nhai Xá (Hà Nam) với lụa Trung Quốc với tỷ lệ 50 - 50. Tuy nhiên, các nghệ nhân dệt lụa nổi tiếng đất Nam Hà đã khẳng định, ông Hoàng Khải chỉ là một trong số rất nhiều khách hàng của làng nghề. 

Việc Khaisilk bán lụa Trung Quốc đã râm ran tin đồn từ lâu, mặc dù ông Khải luôn khẳng định các sản phẩm của mình hoàn toàn được sản xuất tại Việt Nam. Nhiều dân trong nghề không tỏ ra bất ngờ, thậm chí có người còn tâm sự “ông Khải phải rất có lộc khi sau 30 năm mới bị phát hiện”.

Chị X. chủ một thương hiệu lụa ngay trên phố Hàng Gai chia sẻ, việc ông Hoàng Khải đặt nền móng cho phố lụa Hàng Gai là điều không thể phủ nhận, nhưng việc ông Khải cắt mác “Made in China” thành “Made in Vietnam” là điều khó có thể chấp nhận được.

“Tôi biết ông Khải từ lâu và biết ông Khải trộn hàng với nhau từ những ngày ông này mới khởi nghiệp. Tuy nhiên, bản thân tôi cũng bất ngờ khi sau 30 năm, ông Khải giàu sụ rồi, người tiêu dùng mới biết ông Khải bán lụa Trung Quốc”, vị này nói.

23112941_1555510271161601_129968961_o 3

Chị Trần Thị Hải Yến, chủ của thương hiệu lụa DK SANSAN & GISY nhận định: “Nhập hàng mua sẵn rồi cắt mác nhận mình thiết kế ra là tội tày trời”. 

Giải thích vì sao cả làng lụa Hà Nội biết ông Khải bán hàng “tầu”, chị X. nói: “Nhân viên của Khaisilk ai cũng biết rồi đồn ầm lên, nhưng xong rồi lại thôi, đâu lại vào đó”.

Trong khi đó, chị Hương, quản lý thương hiệu K.S - đối diện với cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai - có cái nhìn thông cảm hơn: “Thực ra, lụa Trung Quốc của Hoàng Khải không phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Nó cũng là lụa, chất lượng khá tốt. Điều đáng trách là Khải không trung thực với khách hàng. Điều này khiến người tiêu dùng phật ý”.

Video: Điểm mặt những nhãn hiện "Made in China" như Khaisilk

Chị Trần Thị Hải Yến, chủ của thương hiệu lụa DK SANSAN & GISY nhận định: “Nhập hàng mua sẵn rồi cắt mác nhận mình thiết kế ra là tội tày trời”.

“Nếu ông Khải mua lụa về in các họa tiết hoa văn, họa tiết thì có thể gắn mác ''Made in Vietnam'' hoặc ngược lại, nếu Khải dùng lụa Việt sau đó gia công tại Trung Quốc thì vẫn được tính là hàng Việt Nam theo luật hàng hóa.

Tuy nhiên, trường hợp của Khải là nhãn ''Made in China'' được may kẹp vào mép khăn cuộn lại nên chắc chắn nó được sản xuất và hoàn thiện tại Trung Quốc. Khải có thể gắn thẻ bài Khaisilk nhưng không được gắn nhãn vải Khaisilk như thể Khải thiết kế ra nó, càng không thể để nhãn Made in Vietnam. Vì hàng hóa này hoàn toàn không có công đoạn nào được thực hiện ở Việt Nam”, chị Yến nói.

Chuyên gia vạch trần sự thực 'lụa Khaisilk'

Chủ thương hiệu DK SANSAN & GISY cho biết, bao nhiêu năm nay, ngành lụa trong nước gần như giậm chân tại chỗ, kiểu dáng, thiết kế “ngàn năm không chịu thay đổi”.

“Lụa Việt Nam có nhược điểm là không đa dạng, mặt dệt cũ kỹ, không thời trang, thiết kế không cẩn thận là vừa già vừa quê, bảo quản lại khó nên người Việt không chuộng mấy. Trong khi Trung Quốc, công nghệ in hoành tráng nhờ nhiều năm sản xuất cho cả thế giới, nên hoa văn bắt mắt, hợp thời, bảo sao người mua không thích hơn”, chị Yến nói.

22835451_10203842373096664_350800346_n

Một mẫu lụa "Made in Vietnam". 

Ngoài ra, chị Yến cung cấp thông tin khá giật mình: “Hầu hết các mẫu lụa được in kỹ thuật số tại Hà Nội đều là hàng Trung Quốc”.

Chị Yến cho biết, lụa là một phạm trù rất lớn bao gồm rất nhiều sản phẩm khác nhau như: gấm, lanh, đũi... Trong các sản phẩm được làm từ tơ lụa, thì lụa in kỹ thuật số, Việt Nam chưa làm được.

“Tôi bán lụa tính đến nay cũng gần 15 năm, cũng đi tới rất nhiều làng nghề trong nước nhưng kiểu dáng không bắt mắt, công nghệ lạc hậu, không đa dạng. Cái đáng buồn của nghề lụa Việt Nam là không có người đầu tư, không có định hướng nên bao nhiêu năm nay vẫn thế, không thay đổi, không đổi mới. Hiện tại, cho tới nay, chỉ có duy nhất 1 cửa hiệu tại Tp.HCM có công nghệ in kỹ thuật số lên lụa nhưng chất lượng cũng không thể bằng hàng Trung Quốc”, chị Yến nói.

22908626_1555509914494970_214642237_o

Trong khi đó, các mẫu lụa Trung Quốc rất tinh xảo. 

Những chiếc khăn lụa của Khaisilk bán với giá 644.000 đồng, thực chất có giá rẻ hơn nhiều so với giá trị thực của nó.

“Khăn lụa khaisilk thuộc dạng in kỹ thuật số lên mặt lụa. Để định giá mặt hàng này thì phải để ý mấy điều: Thứ nhất, nó có phải là lụa thật không; thứ hai, sau đó để ý tới các họa tiết, hoa văn xem chất lượng in ra sao, có lem luốc không; thứ ba, định giá khăn lụa là phần viền, nếu chúng được may công nghiệp thì rẻ bèo, nhưng nếu phần viền được may thủ công thì có giá rất đắt, có thể lên hàng triệu đồng”, chị Yến nói.

Định giá khăn lụa Khaisilk có giá 644.000 đồng, chị Yến nói, giá tơ tằm thô hiện tại là 1,4 triệu đồng/kg, chưa tính công dệt, nhuộm, in, khâu, may: “Tôi chưa được sờ vào khăn lụa của Khaisilk nên không biết rõ, nhưng nhìn qua bằng mắt thường, có thể thấy, mực in rất tệ, kém chất lượng, các họa tiết hoa văn không đều, bị lem ra ngoài. Loại hàng này bán ở Hàng Châu (Trung Quốc) đắt lắm thì 5 USD/chiếc (khoảng 100.000 đồng), nếu mua theo lô thì còn rẻ hơn nhiều”.

Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục thông tin.

Việt Vũ
Bình luận
vtcnews.vn