• Zalo

Khaisilk bán lụa Trung Quốc: Hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan, ai tiếp tay?

Kinh tếThứ Năm, 02/11/2017 11:45:00 +07:00Google News

Từ những tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ cho tới một số đại gia kinh doanh đều lừa người tiêu dùng bằng việc nhập hàng Trung Quốc, hàng kém chất lượng về thay thế; việc thì rõ rành rành mà gần như không cơ quan chức năng nào thẳng tay xử lý: Vì sao?

Dư luận được một phen “hết hồn” bởi hàng loạt công ty, rồi đại gia… bị bóc phốt kinh doanh hàng giả, trong đó phải kể đến hai trường hợp nổi cộm nhất đó là: VN Pharma và KhaiSilk.

Vì sao lại nổi cộm? Trong vụ VN Pharma thì đây là một hành vi lừa đảo người tiêu dùng nhưng điều quan trọng đó là công ty này đã nhập thuốc chữa ung thư giả, kiếm lời trên sinh mạng người khác.

1

VN Pharma, KhaiSilk: Hai ví dụ điển hình cho nạn hàng nhái, hàng kém chất lượng ở Việt Nam đã vươn lên một "tầm cao" mới. (Ảnh: Internet) 

Còn đại gia Hoàng Khải, sở hữu một dàn siêu xe, hàng loạt các dự án bất động sản…, người tiên phong trong việc đưa lụa tơ tằm Việt Nam ra với thế giới cuối cùng lại là… lụa Trung Quốc. Và ông này đã lừa đảo hơn 30 năm qua.

Dễ như... lừa khách hàng!

Trước đây, hàng giả, hàng kém chất lượng chỉ “le ve” xuất hiện ở các tỉnh ngoại thành, các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa nhưng dần dần lại tràn vào các tỉnh, thành phố lớn để rồi hiện nay toàn bộ thị trường Việt Nam bị “xâm lược” hoàn toàn.

Đầu tiên, phải hiểu được tại sao chúng ta lại đang phải dùng hàng giả, hàng kém chất lượng.

Tâm lý tiêu dùng của đại đa số người Việt là thích đồ “ngon, bổ, rẻ”; tức là đồ tốt nhưng càng rẻ càng tốt. Nhưng “tiền nào của nấy”, nếu ít tiền thì đương nhiên sẽ không thể mua được một món đồ tốt.

Nắm được tâm lý đó, các nhà kinh doanh đã “khôn lỏi” bằng cách đặt hàng, mua hàng từ bên Trung Quốc về: Mẫu mã y hệt nhau, không khác gì mà giá nhập về lại rẻ hơn đến hơn một nửa.

Về đến Việt Nam, những mặt hàng đó được bán với giá cao ngất ngưởng, nhưng có thể còn rẻ hơn hàng chính hãng. Vậy là người tiêu dùng được thoả mãn.

Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, chất lượng của món hàng sẽ được chứng minh; và tất nhiên, nhà kinh doanh sẽ viện đủ cớ để không bảo hành cho khách hàng.

Điều thứ hai, đó là người Việt chưa có văn hoá dùng hàng hiệu, hàng chất lượng. Có những người “đắp” đầy người đồ đắt tiền những họ có thể lại chẳng biết gì, chỉ mua vì người khác bảo, và vì thấy đắt tiền.

Cho tới thời điểm hiện tại, do thị trường trong nước bị “xâm chiếm” bởi vô số hàng nhái, nên nhiều cá nhân có điều kiện kinh tế đã chọn cách mua hàng xách tay, hoặc trực tiếp ra nước ngoài mua đồ; đặc biệt là quần áo.

Với hai yếu tố trên, người tiêu dùng Việt Nam đang rất dễ bị lừa đảo bởi các nhà kinh doanh.

Và hậu quả của việc dùng hàng nhái, hàng kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng tới một đời mà còn di hại cho nhiều đời về sau.

Rồi các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng thiệt hại lớn bởi vấn nạn hàng nhái, hàng kém chất lượng; không chỉ ảnh hưởng tới doanh thu, quy mô hoạt động, hình ảnh của doanh nghiệp mà còn làm cho nhiều người lao động mất việc làm.

Cụ thể, theo thống kê của Cục Quản lý Thị trường – Bộ Công Thương, chỉ trong quý I/2017, đã có hơn 30.000 vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; xử phạt vi phạm hành chính hơn 90 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm là trên 1000 tỷ đồng.

Trong đó, có hơn 1.600 vụ giả mạo chỉ dẫn địa lý, bao bì, nhãn hiệu…; hơn 500 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (trên 13 tỷ đồng) và hơn 25.000 vụ vi phạm về nhãn hàng hoá ( trên 900 tỷ đồng).

Những con số trên chỉ là một số ít được biết đến, được xử lý trong vấn nạn hàng nhái, hàng kém chất lượng. Còn vô vàn trường hợp chưa được xử lý, chưa dám xử lý. Và đây là hiểm hoạ đối với nền kinh tế nước nhà.

Ai tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái?

Hai vụ lừa đảo vừa qua, tuy khác nhau về quy mô, thời gian và cả phương thức nhưng cả VN Pharma và KhaiSilk đều có chung một điểm. Đó là những kẻ này đã được ai đó tiếp tay để đưa hàng giả, hàng kém chất lương vào tiêu thụ ở thị trường trong nước.

Cụ thể, nếu không có sự buông lỏng của Cục quản lý Dược – Bộ Y tế thì VN Pharma không thể nhập về hàng lô thuốc giả. Nếu không có lơ là của lực lượng quản lý thị trường thì ông Hoàng Khải khó có thể nhập về những chiếc khăn lụa gắn mác “Made in China” rồi bán như hàng thủ công làm ở Việt Nam?.

Trả lời PV VTC News, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, với hai trường hợp VN Pharma và KhaiSilk vừa qua đã một lần nữa thể hiện rõ sự gian lận trong thương mại, vi phạm các đạo đức kinh doanh.

Chuyên gia chia sẻ thêm rằng, hàng giả, hàng kém chất lượng là một hiện tượng rất phổ biến ở Việt Nam hiện nay, không chỉ ảnh hưởng tới hình ảnh của các doanh nghiệp chân chính mà quan trọng hơn, đó là ảnh hưởng tới chất lượng đời sống của người tiêu dùng.

Do đó, cần phải tiếp tục cảnh báo tới người tiêu dùng, và đặc biệt nên có cơ chế quản lý đặc biệt đối với các mặt hàng liên quan tới sức khoẻ của người dân.

Phân tích về trường hợp KhaiSilk, chuyên gia Trí Long cho rằng, đại gia Hoàng Khải đã vi phạm đạo đức kinh doanh, gian lận thương mại một cách nghiêm trọng.

Video: Thu giữ hàng ngàn đôi giày không rõ nguồn gốc của ông chủ Trung Quốc

Cùng VN Pharma, KhaiSilk cũng cần phải bị luật pháp trừng trị thích đáng, lấy đó làm gương cho những kẻ xấu.

Về việc các doanh nghiệp làm ăn trí trá, gian xảo, chuyên gia Long cho rằng, đó là lỗi của các cơ quan chức năng, đã buông lỏng quản lý, tiếp tay cho kẻ xấu thực hiện hành vi lừa đảo.

Quả thực, người dân thì biết là đang phải dùng hàng giả, hàng kém chất lượng, báo đài thì ngày nào cũng đề cập. Nhưng do tâm lý ngại kiện tụng của người Việt Nam nên rất nhiều vụ việc đáng tiếc không bị phát hiện...

Phong Sơn
Bình luận
vtcnews.vn