Trên trang web chuyên cung cấp các thông tin về du lịch Tripadvisor, một hành khách đặt câu hỏi: “Tôi mua vé bay từ London tới Dublin. Tuy hãng không huỷ chuyến nhưng tôi ngại bay trong giai đoạn bệnh dịch này. Vé của tôi là vé không hoàn. Liệu có ai đã được hoàn tiền với dạng vé này do ảnh hưởng của dịch chưa?”.
Giải đáp thắc mắc này, tài khoản có tên Sunmagic cho biết: “Hãng không hoàn tiền nếu các điều khoản trên vé không cho phép hoàn với chuyến bay chưa bị hủy”. Tài khoản Menorca Regular bổ sung: “Điều này đã được nêu trong điều khoản hoàn vé trên website của các hãng hàng không. Ngoài ra, trong trường hợp bạn đặt vé qua đại lý, bạn phải liên hệ với đại lý để trao đổi. Đại lý có thể yêu cầu bạn trả một khoản đền bù đổi vé hoặc thay đổi lịch trình dựa trên các điều khoản và điều kiện bạn đã chấp nhận khi đặt vé”.
Cũng như hành khách trên, Lynette, một hành khách của British Airways, đã không bay từ Anh tới Thái Lan do lo ngại dịch bệnh. Vì chuyến bay vẫn thực hiện nên hãng không hoàn tiền cho Lynette mà chỉ hỗ trợ bằng cách đổi cho cô một voucher có thể đặt vé một chuyến bay khác trong thời hạn một năm.
Tương tự, Genie Schwartz mua vé của American Airlines bay từ Connecticut tới North Carolina nhưng cũng e ngại dịch nên cô đã hủy bay và đề nghị được hoàn tiền dù chuyến bay không bị hủy. Tuy nhiên, Genie Schwartz không được đáp ứng đề nghị đó mà chỉ được hãng hỗ trợ đổi sang voucher.
Những ví dụ như trên không hiếm trong bối cảnh dịch bệnh thời gian qua. Điều này khiến các hãng hàng không khá vất vả để giải thích và hỗ trợ hành khách. Trong những trường hợp này, tất cả các hãng hàng không đều không hoàn tiền nếu khách mua vé không hoàn. Tuy nhiên, hầu hết các hãng đã có chính sách hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng như đổi sang ngày bay khác, bảo lưu vé trong vòng 1 năm, đổi voucher đặt lại vé vào thời điểm khác.
Theo Which, một trang web chuyên đánh giá các sản phẩm và dịch vụ để cung cấp thông tin cho khách hàng, với những vé không hoàn hủy, các hãng hàng không không có trách nhiệm hoàn tiền cho hành khách khi chuyến bay vẫn thực hiện. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của mình, Which khuyên hành khách nên đổi ngày bay thay vì huỷ vé.
Henry Harteveldt, chuyên gia phân tích ngành hàng không và là người đồng sáng lập của Atmosphere Research Group cho biết đôi khi quá trình hoàn vé cho khách hàng còn vướng phải những tranh chấp, trục trặc liên quan đến công ty thực hiện thanh toán, bao gồm cả những hãng thanh toán quốc tế lớn, vì thế, thay vì hoàn tiền, hành khách đổi lấy voucher vẫn là một phương án tối ưu và tiện lợi nhất.
Ngay cả trong trường hợp chuyến bay bị hủy, theo một bài viết của Business Insider, đối với những người thường xuyên đi công tác, thăm thân, người lao động…, không phải ai cũng muốn hoàn tiền. Business Insider cho rằng chọn phương án bảo lưu vé hay nhận voucher sẽ giúp hành khách dễ dàng đặt lại chuyến bay mới khi cần. Ngược lại, nếu chọn phương án hoàn tiền, hành khách sẽ phải mất thời gian đợi tiền về tài khoản, sau đó, khi có nhu cầu bay, hành khách lại mất thêm thời gian tìm kiếm, chọn lựa để mua vé cho chuyến bay mới.
Hơn một năm qua, các quốc gia trên thế giới đã có rất nhiều kinh nghiệm đối phó với đại dịch Covid-19. Ngành hàng không cũng thường xuyên áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch cao nhất để đảm bảo an toàn cho hành khách và nhân viên. Các chuyến bay vẫn tiếp tục cất cánh, phục vụ hoạt động của nền kinh tế. Nếu chỉ vì lo sợ dịch, không dám bay rồi đòi hoàn tiền sẽ là vô lý, không công bằng với những hành khách khác, không công bằng với các hãng hàng không. Bay và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cũng là cách để cùng cộng đồng sớm đẩy lùi đại dịch.
Bình luận