• Zalo

Khách sợ cách ly y tế, doanh nghiệp vận tải tiếp tục ‘treo’ xe

Thị trườngThứ Sáu, 11/09/2020 16:15:07 +07:00Google News
(VTC News) -

Hàng loạt địa phương áp dụng quy định cách ly người về từ Đà Nẵng khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách điêu đứng, “treo xe” dù được phép hoạt động từ ngày 7/9.

Sợ cách ly, khách hủy vé hàng loạt

Các hoạt động vận tải đi, đến Đà Nẵng được phép hoạt động trở lại từ ngày 7/9 nhưng lượng khách đăng ký vé và đi xe những ngày qua rất đìu hiu. Ghi nhận tại Bến xe trung tâm Đà Nẵng, lượng khách đến bến rất ít, thời điểm nhiều nhất cũng chỉ vài chục khách.

Sau hơn 1 tháng tạm ngưng hoạt động trên tuyến Đà Nẵng - Quy Nhơn (Bình Định) để phòng chống dịch COVID-19, Công ty TNHH Kinh doanh vận tải Sơn Tùng chuẩn bị sẵn sàng phục vụ hành khách với 2 chuyến xe từ Quy Nhơn ra Đà Nẵng tối 7/9 và về lại trong sáng 8/9.

Khách sợ cách ly y tế, doanh nghiệp vận tải tiếp tục ‘treo’ xe  - 1

Bến xe Trung tâm Đà Nẵng vắng vẻ dù hoạt động vận tải hành khách được phép hoạt động từ ngày 7/9.

Chuyến xe giường nằm 34 chỗ chặng Đà Nẵng - Quy Nhơn trong sáng 8/9 đã bán hết vé nhưng sau đó có 23 hành khách đồng loạt hủy. Lý do khách hủy vé là vì Bình định áp dụng quy định cách ly y tế 14 ngày đối với tất cả những người trở về từ Đà Nẵng nên hành khách sợ bị cách ly. Không đủ khách, không đủ chi phí nên nhà xe đành hủy chuyến.

Là hành khách vừa hủy vé từ Đà Nẵng về Bình Định, chị L.T.T (28 tuổi, trú tại huyện Phù Cát, Bình Định) cho biết, chị ra Đà Nẵng làm việc từ tháng 6 nhưng bị kẹt bởi dịch COVID-19. Khi nghe tin xe khách được chạy lại, chị T. đặt vé về thăm bố mẹ nhưng biết thông tin về quê sẽ bị cách ly nên chị hủy vé xe, ở lại Đà Nẵng.

Tương tự, hơn 80 đầu xe buýt tuyến Huế - Đà Nẵng dù sẵn sàng hoạt động nhưng đành “treo” xe vì không có khách. Nguyên nhân là tỉnh Thừa Thiên - Huế áp dụng quy định cách ly đối với người về từ Đà Nẵng.

Ông Võ Phi Cường, một chủ xe buýt trên tuyến cho biết, do người dân sợ khi về Huế bị cách ly lên không ai đi xe. “Các đầu xe buýt biển số Thừa Thiên - Huế vẫn chưa đưa xe ra bến hoạt động dù đã sẵn sàng từ lâu. Các đầu xe buýt biển số Đà Nẵng khi ra đến chốt kiểm soát dịch tại thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) cũng phải quay đầu về trở vào vì khách không chịu đi tiếp, sợ bị cách ly", ông Cường nói.

Ông Phạm Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và Quản lý Bến xe Đà Nẵng cho biết, lượng khách đến bến rất ít. Từ 7/9 đến nay, mỗi ngày chỉ có khoảng 15 đầu xe xuất bến, chưa đạt 1% so với ngày thường. Theo ông Lợi, nhiều địa phương yêu cầu người về từ Đà Nẵng phải thực hiện cách ly y tế tập trung 14 ngày, hoặc phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Khách sợ cách ly y tế, doanh nghiệp vận tải tiếp tục ‘treo’ xe  - 2

Phòng chờ tại Bến xe trung tâm Đà Nẵng.

Theo tìm hiểu, hiện có nhiều địa phương áp dụng quy định cách ly đối với người về từ Đà Nẵng như Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Định, Cần Thơ…

Theo quy định của tỉnh Bình Định, để đảm bảo an toàn, hành khách từ Đà Nẵng về Bình Định phải cách ly tập trung 14 ngày, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ít nhất 2 lần.

Trong khi đó, Cần Thơ cũng yêu cầu tất cả hành khách trở về từ Đà Nẵng đều phải được kiểm tra sức khỏe, khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 và đưa về cách ly tập trung.

Tại Thừa Thiên - Huế, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh vẫn quyết định cách ly 14 ngày đối với những người đến từ vùng dịch Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương.

Theo lý giải của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng đang thực hiện giãn cách, vẫn chưa đủ điều kiện công bố hết dịch nên hiện tỉnh vẫn áp dụng biện pháp cách ly. Tuy nhiên, tỉnh đang nghiên cứu nới lỏng thêm một số biện pháp giám sát người từ vùng dịch về, trong đó có Đà Nẵng.

Đà Nẵng “cầu cứu”

UBND TP Đà Nẵng vừa có công văn đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo thống nhất hướng dẫn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với người từ TP Đà Nẵng đến các địa phương.

Đồng thời, chỉ đạo xét nghiệm tác nhân COVID-19 có thu tiền đối với các trường hợp có nhu cầu từ Đà Nẵng đến các địa phương mà các địa phương này yêu cầu phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Theo UBND TP Đà Nẵng, việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu đi lại của người từ Đà Nẵng đến các địa phương khác, đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa duy trì, phát triển kinh tế - xã hội.

Khách sợ cách ly y tế, doanh nghiệp vận tải tiếp tục ‘treo’ xe  - 3

Các doanh nghiệp vận tải hành khách điêu đứng vì người dân sợ về các địa phương phải cách ly y tế.

Ông Đinh Văn Ba, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Đà Nẵng, cho biết, Chính phủ giao cho các địa phương tự quyết về việc phòng chống dịch đi đôi với phát triển KT-XH nên mỗi địa phương làm mỗi kiểu.

Xét trên bình diện cả nước, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 nên xem xét địa phương nào đảm bảo được các biện pháp phòng, chống dịch thì cho người dân đi, đến. Giao cho các địa phương tự quyết thì để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm buộc họ phải cách ly người đến từ Đà Nẵng, không có sự thống nhất trên toàn quốc”, ông Ba nói.

XUÂN TIẾN
Bình luận
vtcnews.vn