• Zalo

Khách sạn tại Hà Nội ế ẩm nhất 15 năm

Bất động sảnThứ Ba, 26/01/2021 16:42:00 +07:00Google News

Đại diện Savills Việt Nam cho biết do dịch COVID-19, công suất phòng khách sạn tại Hà Nội 2020 giảm xuống thấp nhất kể từ 2005, giá thuê cũng thấp nhất 5 năm.

Hồi tháng 5/2020, anh Trần Mạnh Tiến (47 tuổi, Hà Nội) tính rao bán một khách sạn trên phố cổ sau nhiều tháng ế ẩm. Khách sạn của anh có 24 phòng nhưng chỉ nổi 3-4 khách thuê. Cuối cùng, anh lựa chọn phương án đóng cửa tạm thời.

Quay trở lại vào tháng 8, anh Tiến cố gắng vực dậy khách sạn bằng cách tung ra những gói giảm giá sâu, cam kết dịch vụ, nhắm tới đối tượng khách nội địa trải nghiệm kỳ nghỉ tại chỗ. Kết quả, công suất phòng tăng lên 25%, rồi 30% và đang dần cải thiện vào thời điểm cuối năm.

Anh tâm sự trong 5 năm làm nghề, chưa bao giờ thấy khó khăn như năm 2020, cũng chưa bao giờ thấy giá thuê và công suất phòng thấp như hiện tại. Tuy nhiên, anh biết rằng mình đang hoạt động cầm chừng và chờ đợi thời cơ trong năm 2021.

Khách sạn tại Hà Nội ế ẩm nhất 15 năm - 1

Một khách sạn rao bán giá 69 tỷ trên phố Hàng Bè hồi tháng 7/2020. 

Công suất phòng khách sạn giảm kỷ lụcTheo báo cáo tổng kết thị trường bất động sản Hà Nội năm 2020 của Savills Việt Nam, năm 2020, nguồn cung thị trường khách sạn đạt khoảng 10.020 phòng từ 16 khách sạn 5 sao, 19 khách sạn 4 sao và 32 khách sạn 3 sao, ổn định theo quý và tăng 2% theo năm. Một khách sạn 3 sao tại khu vực trung tâm được chính thức xếp hạng sao.

Tới cuối năm 2020, ba khách sạn với khoảng 200 phòng vẫn đang phải tạm đóng cửa do dịch bệnh và đang sửa chữa. Hiện nay, 10 khách sạn 3-5 sao đang trở thành cơ sở cách ly gồm ba khách sạn 5 sao, năm khách sạn 4 sao và hai khách sạn 3 sao.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn Savills Hà Nội, nhìn nhận do công tác phòng chống dịch tốt và có sự chuyển hướng khai thác khách trong nước nên công suất phòng những tháng cuối năm có sự tiến triển.

Khách sạn tại Hà Nội ế ẩm nhất 15 năm - 2

Năm 2020 được nhận định là năm thê thảm của phân khúc khách sạn tại Hà Nội. 

Theo đó, công suất thị trường quý IV/2020 đạt 33%, tăng 12 điểm % theo quý nhưng giảm 42 điểm % theo năm, giá thuê phòng trung bình đạt 70 USD/phòng/đêm, giảm 5% theo quý và giảm 39% theo năm. Công suất trung bình cả năm 2020 giảm 44 điểm % theo năm trong khi giá thuê trung bình giảm 29% theo năm.

Phân khúc khách sạn 5 sao vẫn dẫn đầu thị trường về doanh thu buồng phòng, trung bình với 35 USD/phòng/đêm, phân khúc 4 sao đạt 15 USD/phòng/đêm trong khi phân khúc 3 sao chỉ đạt 9 USD/phòng/đêm.

Từ bức tranh trên, bà Hằng đánh giá 2020 là năm thê thảm của phân khúc khách sạn tại Hà Nội. Nửa đầu năm, các khách sạn gần như đóng băng vì dịch Covid-19 bùng phát và giãn cách xã hội. Đến nửa cuối năm, các khách sạn chuyển hẳn sang hướng phục vụ khách nội địa nên có sự tăng trưởng, tuy nhiên, công suất phòng vẫn thấp nhất 15 năm qua và giá thấp nhất trong vòng 5 năm.

Đồng quan điểm, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, nói 2020 là một năm khó khăn đối với ngành du lịch khi dịch COVID-19 khiến nhiều khách sạn phải đóng cửa. Tới cuối năm 2020, ngành du lịch đã có những dấu hiệu tích cực. Dù vậy, khách du lịch nội địa vẫn sẽ là yếu tố chính thúc đẩy sự phục hồi trong năm 2021.

Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội vẫn tăngTrong khi đó, quý IV/2020, phân khúc căn hộ để bán ghi nhận dấu hiệu phục hồi. Cụ thể, có 5.500 căn hộ đến từ 10 dự án mở bán mới và giai đoạn tiếp theo của 8 dự án được đưa ra thị trường, tăng 79% so với quý trước. Nguồn cung sơ cấp ghi nhận 27.100 căn, tăng 1%.

Savills nhìn nhận do nhu cầu bị dồn nén một thời gian đã thúc đẩy hoạt động thị trường. Tổng số căn hộ bán đạt gần 6.700 căn, tăng 27% với tỷ lệ hấp thụ đạt 25%, tăng 5 điểm % so với quý trước. Hạng B và C hoạt động tốt.

Tuy nhiên, do tình hình thị trường cả năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên số lượng căn bán được giảm 43% xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm vừa qua. Hạng B với 64% thị phần duy trì là phân khúc dẫn đầu.

Do được hưởng lợi từ việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, giá chào bán trung bình căn hộ chung cư tại Hà Nội đã tăng 4% mỗi năm trong vòng 5 năm qua. Cơ sở hạ tầng phát triển tạo điều kiện cho việc sống xa trung tâm.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn Savills Hà Nội, cho rằng việc hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị và đường vành đai góp phần củng cố xu hướng này. Ngoài ra, khung hợp tác công - tư đã được đơn giản hóa trong năm 2020, ổn định chính trị và việc ra các quyết định nhanh hơn làm tăng chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm.

“Năm 2020 khép lại với hoạt động thị trường nhộn nhịp do niềm tin trở lại. Đại dịch làm giảm lượng khách quốc tế, tuy nhiên, nguồn cầu trong nước vẫn duy trì ổn định, đặc biệt đối với căn hộ bình dân. Các chủ đầu tư bắt đầu tập trung vào khu vực ngoại thành và các tỉnh lân cận”, bà Hằng nói.

Trong năm 2021, Savills dự báo có khoảng 25.000 căn hộ từ 25 dự án mới và giai đoạn tiếp theo sẽ mở bán. Hạng B sẽ tiếp tục dẫn đầu với 78% thị phần. Nguồn cung lớn nhất sẽ đến từ quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm với 57%, quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm với 12% mỗi nơi.

Hoạt động đầu tư bất động sản sẽ ghi nhận các thương hiệu mới xuất hiện và các thương hiệu hiện tại mở rộng danh mục đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời, sự phát triển và tăng trưởng của việc áp dụng công nghệ thông tin đang được thúc đẩy bởi nhịp phát triển của thị trường bất động sản.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn